Một Xã Thu 3 Tỷ/năm Từ Bưởi Diễn

Được cán bộ HTX bưởi Diễn xã Lương Phong giới thiệu, chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Hữu Xạ (75 tuổi) ở thôn Đông, hộ có vườn bưởi vừa giành giải Nhất hội thi bình tuyển bưởi Diễn do Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội phối hợp với Sở NN- PTNT Bắc Giang tổ chức.
Khu vườn có 60 cây bưởi, cây nào cây nấy sai trĩu quả. Trong đó, nhiều cây hơn 100 quả, phải chằng, buộc để đỡ quả nhằm hạn chế rụng. Hương bưởi chín khiến ai nấy đều cảm nhận được không khí Tết đã đến rất gần. Dẫn khách tham quan khu vườn, ông Xạ phấn khởi: “Thương nhân ở Hà Nội đã đặt mua cả vườn với giá dao động từ 14.000-20.000 đ/quả. Năm nay, gia đình tôi ước thu khoảng 30 triệu tiền bưởi”.
Vừa giới thiệu với khách về vườn bưởi, ông Xạ vừa hướng dẫn mọi người cách chọn mua quả thật ngon. Bưởi ngon là quả nhỏ, vỏ mỏng nhẵn bóng, màu vàng tươi. Để chứng minh cho khách thấy, ông hái quả bưởi bổ mời khách thưởng thức. Quả thật, tôm bưởi nhỏ, giòn, không nát, dóc vỏ, nhiều nước, vị ngọt mát khiến khách ăn một lần nhớ mãi không quên. Không chỉ có những ưu điểm trên, bưởi Diễn thu hoạch có thể để nửa năm vẫn giữ được mẫu mã, chất lượng mà không cần hoá chất bảo quản.
Rời nhà ông Xạ, chúng tôi đến thăm vườn quả của hộ ông Nguyễn Văn Phiến cùng thôn, người có công đưa cây bưởi Diễn về làng. Quê gốc ông ở xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm (Hà Nội), nơi có giống bưởi Diễn nổi tiếng cả nước. Gần hai chục năm trước, thấy người dân quê ông trồng cây này hiệu quả nên trong một lần về thăm quê, ông đã mang vài cây lên trồng thử. Có cây trồng mới, ông chăm sóc cẩn thận, tỉ mỉ. Nhờ vậy, cây sinh trưởng, phát triển tốt.
Sau trồng 3 năm, cây cho trái đầu tiên. Ông để lại 1-2 quả/cây. Đến kỳ thu hoạch, ăn thử thì thấy bưởi nơi đây thơm ngon không thua kém bưởi Diễn chính gốc. Từ đó, ông chiết cành và nhân giống trồng 80 cây trên diện tích gần 3 sào và đến nay 100% cây đều cho quả. Dịp Tết năm ngoái, gia đình ông thu được 40 triệu đồng từ vườn bưởi và dự kiến năm nay cũng thu được khoản tiền tương đương.
Từ hiệu quả của gia đình ông Phiến, nhiều người trong địa phương mạnh dạn học tập trồng bưởi Diễn. Ban đầu họ trồng vài cây, sau đó nhân lên trồng hàng chục, hàng trăm cây. Đến nay, hầu như nhà nào ở xã Lương Phong cũng trồng bưởi Diễn, nhà ít thì 1-2 cây để có bưởi ngày Tết, biếu người thân, nhà nhiều hàng trăm cây.
Đến nay, bưởi Diễn Lương Phong nức tiếng trong và ngoài tỉnh. Cứ khoảng đầu tháng 12 dương lịch hằng năm, thương nhân ở Hà Nội, Thái Nguyên lại tụ hội về đây để chọn, đặt hàng.
Theo thống kê của UBND xã, hiện Lương Phong có khoảng 55 ha bưởi Diễn ở các thôn Đông, Chùa, Gia. Trong đó, thôn Đông có diện tích lớn nhất với 35 ha. Giá trị thu nhập từ bưởi toàn xã mỗi năm đạt khoảng 3 tỷ đồng. Có được kết quả này là từ năm 2001, thực hiện Nghị quyết về xoá vườn tạp của Huyện uỷ Hiệp Hoà, Đảng uỷ, UBND xã đã phát động nhân dân trong xã cải tạo vườn, trồng cây ăn quả mới có giá trị kinh tế. Nghị quyết đại hội đảng bộ xã giai đoạn 2011-2015 tiếp tục xác định bưởi Diễn là cây ăn quả hàng hoá chủ lực cần phát triển, phấn đấu đến năm 2015 toàn xã có hơn 70 ha loại cây trồng này.
Thực hiện nhiệm vụ này, những người trồng bưởi trong xã đã thành lập Hợp tác xã Bưởi Diễn với hơn 100 xã viên. Sau khi thành lập, các xã viên đã nhanh chóng họp bàn đưa ra quy chế, mục tiêu hoạt động, phương thức hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, xã đang phối hợp với chuyên gia Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội thực hiện đề tài “Xây dựng mô hình thâm canh cây bưởi Diễn theo quy trình VietGAP”.
Có thể bạn quan tâm

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), trong tháng 12/2013 do ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ mạnh, ở các tỉnh miền núi phía Bắc xuất hiện rét đậm, rét hại, một số vùng xuất hiện tuyết rơi, sương muối nhiệt độ xuống dưới 3 độ C.

Qua đánh giá, năng suất lúa trình diễn trong dự án đạt từ 6 - 7 tấn/ha. Quy trình canh tác sử dụng 100% hữu cơ nhằm đảm bảo an toàn cho người trực tiếp sản xuất và người tiêu dùng, đảm bảo đạt chất lượng xuất khẩu.

Nấm linh chi lâu nay được người dân ví như một trong những loại thảo dược quý nên đang là sản phẩm “hot” trên thị trường. Nắm bắt được nhu cầu đó, Công ty CP Chế biến lâm sản Hương Giang đã tận dụng mùn cưa để sản xuất sản phẩm mang thương hiệu nấm linh chi “Made in Huế”.

Bên cạnh đó, nguồn tài trợ này sẽ góp phần xây dựng các giải pháp sáng tạo, thích hợp cho Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang kinh doanh, đáp ứng nhu cầu tài trợ trước xuất khẩu, tài trợ thu hồi và tài trợ liên quan đến dự án, mở rộng mạng lưới khách hàng quốc tế.

Những tưởng gần đến Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao, giá rau sẽ tăng, song thực tế những ngày này, đa số các hộ trồng rau ở ngoại thành Hà Nội đều buồn bã vì giá rau "rẻ như cho".