Một số kết quả trong công tác khuyến ngư tỉnh Tiền Giang

Năm 2014, hoạt động khuyến ngư của Tiền Giang tập trung vào các nội dung: Tập huấn về nuôi tôm sú, tôm thẻ, cá bè, cá cảnh, ếch, lươn, cá - lúa... theo hướng an toàn sinh học, thả giống tôm theo lịch thời vụ, quản lý môi trường nuôi theo cộng đồng để hạn chế và tránh lây lan dịch bệnh nhằm giảm chi phí SX, tăng hiệu quả theo hướng bền vững.
Sau 1 năm hoạt động đã xây dựng 11 mô hình trình diễn và 2 dự án, có 29 hộ tham gia, thực hiện tại 9 huyện trong tỉnh (trừ Châu Thành), trong đó có 4 mô hình thực hiện ở 4 xã nông thôn mới. Các mô hình có nội dung phù hợp với nhu cầu SX của nông dân và thị trường, được sự hỗ trợ kỹ thuật từ phía cán bộ kỹ thuật, sự tham gia nhiệt tình của nông hộ nên đều đạt và vượt mức các chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra.
Trong 11 mô hình đó, nổi bật lên một số mô hình trình diễn hiệu quả để nông dân có thể tham quan học tập như:
Mô hình nuôi tôm sú - tôm thẻ kết hợp đã cho năng suất 5 tấn/ha sau thời gian 4,5 tháng nuôi với lợi nhuận 400.000.000 đồng/ha. Mật độ 30 con/m2 (tỷ lệ ghép 80% tôm sú, 20% tôm thẻ) áp dụng quy trình nuôi an toàn sinh học, tôm thẻ được thả sau khi tôm sú được 1 tháng tuổi.
Trong quá trình nuôi, chủ hộ chỉ tính lượng thức ăn dựa theo ước lượng tỷ lệ sống của tôm sú, tôm thẻ chỉ ăn lại thức ăn dư thừa. Kết quả cho thấy màu nước luôn ổn định, tôm ít bị bệnh và tôm thu hoạch có kích cỡ đồng đều ở cả hai loại tôm, đây là mô hình có khả năng phát triển bền vững trong tương lai.
Mô hình kết hợp nuôi cá - lúa, thả cá rô đồng là chính, mật độ 5 con/m2. Năng suất cá sau 9 tháng nuôi bình quân 3,9 tấn/ha, lợi nhuận trung bình 40 triệu đồng/ha. Năng suất lúa bình quân vụ 3 là 6,2 tấn/ha cao hơn bên ngoài 0,4 tấn/ha, ngoài ra mỗi ha trong một vụ SX còn giảm được 30 - 40 kg ure và 2 lần phun thuốc trừ sâu, nên lợi nhuận tăng thêm bình quân 3 triệu đồng/ha.
Mô hình kết hợp cá - lúa lợi nhuận cao gấp 2 lần so với chỉ trồng 3 vụ lúa. Mô hình được nhiều người đến tham quan, phù hợp với vùng trồng lúa bị ảnh hưởng lũ và cũng phù hợp với chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh nên có khả năng nhân rộng tốt. Mô hình đã tạo ra sản phẩm cá - lúa an toàn, SX thân thiện với môi trường và phát triển bền vững trong tương lai.
Mô hình ứng dụng máy dò ngang và máy thông tin liên lạc trên tàu khai thác hải sản xa bờ. Sản lượng đánh bắt cao hơn so với tàu chưa được lắp máy dò ngang từ 150 - 160%. Tàu lắp máy dò ngang đã tiết kiệm được chi phí chạy tàu đi dò tìm đàn cá và chi phí nhiên liệu thắp sáng dẫn dụ cá.
Dự án đã giúp các ngư dân chủ động phối hợp tổ đội khai thác xa bờ với sự tham gia của 2 tổ đội (gồm 6 phương tiện, 10 ngư dân) nâng cao hiệu quả kinh tế trên từng chuyến biển. Ngoài ra, dự án đã tạo được sự đoàn kết của các thành viên trong đội tàu khai thác xa bờ bám biển dài ngày hơn.
Có thể nói, lĩnh vực khuyến ngư của tỉnh Tiền Giang đã bám sát các chương trình phát triển SX thủy sản trọng điểm của tỉnh, giúp nông dân nuôi các đối tượng phù hợp nhu cầu thị trường, tích cực nâng cao hiệu quả SX để tăng thu nhập, thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới.
Có thể bạn quan tâm

Cồi điệp, sò lông chưa được xử lý nhiệt đúng yêu cầu cùng với sản phẩm có chứa độc tố Lipophilic là 2 lý do Liên minh châu Âu (EU) mới khuyến nghị Việt Nam ngưng xuất các sản phẩm nhuyễn thể hai mảnh vỏ trên. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến đời sống ngư dân Bình Thuận…

Bao đời nay, cư dân sống hai bên sông được hưởng lợi từ nguồn nước, giao thông và thủy sản từ dòng sông mang lại. Dọc theo các con sông đã hình thành các làng vạn chài, cuộc sống mưu sinh đánh bắt cá gắn chặt vào sông từ bao đời nay.

Xuất phát từ nhu cầu của thị trường, nhiều nông dân ở huyện Phước Long (Bạc Liêu) đã đầu tư vốn để phát triển mô hình chăn nuôi các loại động vật hoang dã. Điều này không chỉ góp phần làm giảm áp lực từ việc săn bắt, khai thác động vật hoang dã trong tự nhiên, mà còn nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi.

Theo một số hộ dân nuôi cá bống tượng tại xã Tân Thành, TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau giá cá bống tượng thời điểm này năm trước chưa đến 200 ngàn đồng/kg, làm nhiều hộ nuôi khốn đốn.

Những ngày này, người dân 3 xã bãi ngang huyện Kim Sơn (Ninh Bình) đang thu hoạch rau câu cuối mùa. Năm nay, rau câu xuất hiện nhiều mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân khiến họ rất phấn khởi. Nhiều người ví rau câu như là “lộc trời cho” bởi không mất công nuôi trồng, đến mùa chỉ việc thu hái bán lấy tiền.