Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Một Năm Sản Xuất Nông Nghiệp Đạt Năng Suất, Sản Lượng Cao Nhất

Một Năm Sản Xuất Nông Nghiệp Đạt Năng Suất, Sản Lượng Cao Nhất
Ngày đăng: 09/10/2014

Mặc dù cả 2 vụ đông xuân 2013-2014 và hè thu năm 2014 đều gặp một số khó khăn nhất định, nhưng nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, sát đúng của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là sự nỗ lực của ngành Nông nghiệp và PTNT và của nông dân trên toàn tỉnh Quảng Trị nên sản xuất nông nghiệp đạt được những kết quả nổi bật. Đây là năm sản xuất thắng lợi cả hai vụ, năng suất, sản lượng lúa đều bội thu, đạt cao nhất từ trước đến nay.

Dựa trên những dự báo về tình hình khí hậu thời tiết trong năm, trong vụ mà ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh xây dựng khung thời vụ thích hợp, áp dụng các biện pháp kỹ thuật liên hoàn trong sản xuất đối với từng loại cây trồng. Trên cơ sở đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã chỉ đạo, điều hành sản xuất một cách hợp lý.

Nông dân triển khai lịch thời vụ phù hợp, đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất, sử dụng các biện pháp thâm canh cao, tổ chức tưới tiêu khoa học, sử dụng phân bón hợp lý, ứng dụng các chương trình phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM... nên đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và hạn chế được những rủi ro do thiên tai.

Xác định giống và cơ cấu giống là yếu tố đầu tiên để đột phá về chất lượng trong sản xuất nông nghiệp, những năm qua, tỉnh đã xây dựng được bộ giống tương đối chuẩn, nhanh chóng xác định được các giống chủ lực cho sản xuất từng mùa vụ.

Từ năm 2010, tỉnh thực hiện chính sách hỗ trợ giá giống, khuyến khích nông dân mở rộng diện tích sản xuất giống nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích.

Do đó đã hình thành các vùng lúa chất lượng cao ở Triệu Phong, Hải Lăng, Vĩnh Linh, Gio Linh... với tổng diện tích 27.600 ha.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tập trung chỉ đạo sản xuất thâm canh cao đối với các giống chất lượng trung bình nhưng có năng suất cao để bảo đảm an ninh lương thực.

Đặc biệt chương trình khuyến khích sản xuất, chuyển giao tiến bộ KH-KT tiếp tục được xúc tiến mạnh mẽ, nhất là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu bộ giống lúa... đã góp phần rất lớn trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và sản lượng lương thực.

Thường xuyên tập huấn kỹ thuật với nhiều nội dung phong phú cho nông dân, tổ chức hội nghị đầu bờ về các tiến bộ kỹ thuật mới...

Đến nay, diện tích lúa hè thu trên toàn tỉnh đã thu hoạch xong, năng suất lúa ước đạt 50 tạ/ha. Đặc biệt là vụ đông xuân, toàn tỉnh được mùa toàn diện trên tất cả các giống lúa, năng suất đạt cao nhất từ trước tới nay, ước tính bình quân đạt 54 tạ/ha, tăng hơn 3 tạ/ ha so với vụ đông xuân năm ngoái và tăng 8 tạ/ha so với cả năm 2013.

Nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi từ đầu vụ đến cuối vụ, nhất là khí hậu ôn hòa rất thuận lợi theo từng giai đoạn phát triển của cây lúa, sâu bệnh trên cây lúa ít xảy ra. Nhiều địa phương đạt năng suất cao như Hải Lăng, Triệu Phong bình quân đạt 60 tạ/ha, Vĩnh Linh, Gio Linh đạt 58 tạ/ha, Cam Lộ 57 tạ/ha...

Cá biệt ở huyện Hướng Hóa năng suất cũng đạt hơn 50 tạ/ha. Có một số HTX vùng đồng bằng như HTX Kim Long (Hải Quế, Hải Lăng) đạt năng suất hơn 70 tạ/ha. Đáng chú ý, các giống lúa mới sau khi khảo nghiệm thành công như Bồ Đề 688X2, RVT, AC5... đưa vào sản xuất đại trà vụ đầu cho năng suất rất cao 75-80 tạ/ha tại các xã trọng điểm lúa của huyện Hải Lăng.

Kết quả sản xuất nông nghiệp năm 2014 ở tỉnh Quảng Trị được mùa toàn diện, năng suất lúa bình quân 2 vụ đạt 51,6 tạ/ha, tăng 6,9 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước (nếu tính riêng lúa nước là đạt 53,4 tạ/ha) cao nhất từ trước đến nay. Tổng sản lượng lúa cả năm đạt 257.773 tấn, tăng 33.621,6 tấn so với năm trước, đạt 104,6% KH.

Năng suất và sản lượng các loại cây trồng khác cũng đều tăng, trong đó đáng kể nhất là diện tích, năng suất và sản lượng các loại cây công nghiệp ngắn và dài ngày như lạc, cà phê, cao su và các loại cây màu. Với giá bán bình quân lúa chất lượng cao đạt 8.000 đồng/kg, người nông dân có thu nhập hơn 40 triệu đồng/ha, hiệu quả cao hơn so với giống lúa bình thường là 30%.

Ông Nguyễn Văn Minh ở thôn Vinh Quang Thượng xã Gio Quang (Gio Linh) cho biết gia đình làm 8 mẫu ruộng. Nhờ áp dụng cơ giới hóa sản xuất và cơ cấu bộ giống hợp lý nên năng suất và sản lượng lúa của gia đình luôn đạt cao. Bên cạnh chú trọng đầu tư thâm canh cây lúa theo hướng sản xuất hàng hóa, ông còn làm thêm dịch vụ máy gặt, máy xay xát nên mỗi năm gia đình ông thu nhập khoảng 600 triệu đồng.

Để có một vụ mùa bội thu, ngành Nông nghiệp và PTNT đã triển khai các giải pháp hỗ trợ sản xuất. Vụ đông xuân tổ chức diệt chuột đồng loạt và đạt kết quả, công tác phòng ngừa dịch bệnh đã hạn chế nhiều thiệt hại cho cây trồng; vụ hè thu tập trung chống hạn, điều tiết nguồn nước tưới hợp lý.

Đặc biệt, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật vào đồng ruộng, hướng dẫn nông dân cách chăm sóc, bón phân, lấy nước, chủ động phát hiện sâu bệnh, tích cực phòng trừ, vừa giảm được sâu bệnh, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận.

Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ sinh học trong sản xuất cũng góp phần làm tăng năng suất, chất lượng lúa. Trong đó cơ cấu giống lúa là yếu tố quan trọng nhất. Sở đã xây dựng vùng giống lúa nhân dân, vùng giống chiến lược chuyên canh chất lượng cao.

Nhờ đó, các địa phương đã đưa vào sản xuất nhiều giống lúa lai có chất lượng, chống chịu sâu bệnh nên đã hạn chế được tình trạng bùng phát sâu bệnh. Việc đưa vào sản xuất các giống lúa chất lượng cao không chỉ cho năng suất cao mà còn giúp nông dân dễ tiêu thụ sản phẩm với giá cao hơn lúa bình thường từ 2.000- 3.000 đồng/kg.

Việc đẩy mạnh dồn điền đổi thửa tạo ra những cánh đồng mẫu lớn cũng góp phần tạo thuận lợi trong sản xuất, đưa lại năng suất, hiệu quả cao. Sự liên kết nhiều “nhà” trong chuỗi sản xuất đã đưa lại nhiều thành công trong sản xuất nông nghiệp.

Các HTX, đại lý đã tham gia cung ứng đầy đủ vật tư phục vụ sản xuất và bán trả chậm cho nông dân, tránh được tình trạng thiếu vốn đầu tư sản xuất, giúp cho nông dân chủ động trong sản xuất. Trong khâu tiêu thụ, các doanh nghiệp thương mại đã về tận địa bàn thu mua lúa cho nông dân, các cơ sở xay xát, chế biến trên địa bàn kết nối với nông dân sản xuất và tiêu thụ lúa chất lượng cao.

Những vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao được chỉ đạo sản xuất theo đúng quy trình góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Hiện tại, với giá lúa chất lượng cao 8.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí dịch vụ người nông dân có lãi trên 60%. Nhiều địa phương đã chủ động phối hợp với các ngành liên quan tiến hành xây dựng nhãn mác sản phẩm, hướng đến xây dựng thương hiệu nông sản trên địa bàn…

Đồng chí Nguyễn Văn Bài, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Kể từ ngày lập lại tỉnh đến nay, đây là năm đầu tiên sản xuất nông nghiệp được mùa toàn diện và đạt năng suất, sản lượng cao nhất.

Có được kết quả trên là nhờ tổng hợp nhiều yếu tố như thời tiết thuận lợi, điều kiện tưới tiêu đảm bảo, sự chỉ đạo tích cực trong quá trình sản xuất của chính quyền địa phương và sự nỗ lực của nông dân. Phải khẳng định nông dân vẫn là nhân tố chính làm nên thành công và hình thành nền sản xuất theo cơ chế thị trường.

Quan điểm của ngành là không sản xuất theo phong trào mà chú trọng đến chất lượng và hiệu quả. Lấy tiêu chí chất lượng làm thước đo sự thành công trong sản xuất. Có như vậy mới từng bước xây dựng được một nền nông nghiệp phát triển toàn diện và bền vững.”


Có thể bạn quan tâm

Sắp Có Thêm Giống Lúa Lai Thơm Mới Cho Đồng Bàng Sông Cửu Long Sắp Có Thêm Giống Lúa Lai Thơm Mới Cho Đồng Bàng Sông Cửu Long

Sáng 27-02 tại xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang), Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam (SSC) đã tổ chức hội thảo mô hình thâm canh và sản xuất hạt giống lúa lai thơm. Đây là một bước quan trọng của quá trình triển khai thực hiện Đề tài khoa học KC.06/11-15 do Thạc sĩ Dương Thành Tài – Phó Tổng Giám đốc SSC làm chủ nhiệm. Đề tài do Văn phòng các chương trình trọng điểm của Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý.

03/03/2015
Hiệu Quả Từ Mô Hình Trồng Mồng Tơi Lấy Hạt Hiệu Quả Từ Mô Hình Trồng Mồng Tơi Lấy Hạt

Qua nắm bắt thông tin về mô hình trồng mồng tơi lấy hạt ở huyện Chợ Mới và huyện Châu Phú, ông Nguyễn Văn Mỹ là nông dân chuyên canh màu ở ấp Tân Hậu B2, xã Long An, TX Tân Châu, tỉnh An Giang đã mạnh dạn xuống giống trồng mồng tơi lấy hạt với diện tích 2.000 m2 và có ký kết hợp đồng tiêu thụ với giá thu mua hạt mồng tơi: 70.000 - 120.000đồng/kg hạt khô.

03/03/2015
"Vua Chuối" Đất Việt Dân (Quảng Ninh)

Sau một thời gian làm lụng, tích cóp, anh đã mua thêm đất để mở trang trại chăn nuôi lợn, gà và nâng diện tích trồng cây vải thiều lên 3ha. Nhưng chăn nuôi lợn, gà năm được, năm mất do dịch bệnh, chi phí thức ăn cao, lại mất nhiều công chăm sóc, trong khi trồng vải thiều thì lâm vào cảnh “được mùa, mất giá” hay “được giá, mất mùa”.

03/03/2015
Trồng Ổi Đài Loan Theo Hướng Công Nghệ Cao Mang Lại Hiệu Quả Cho Nông Dân Vùng Biên Giới Trồng Ổi Đài Loan Theo Hướng Công Nghệ Cao Mang Lại Hiệu Quả Cho Nông Dân Vùng Biên Giới

Là một trong những người đầu tiên đưa giống ổi Đài Loan về trồng trên địa bàn xã vào năm 2011. Anh Lê Văn Luông, ngụ ấp 2 – xã Vĩnh Xương cho biết: thấy nhiều hộ nông dân ở các xã lân cận trồng ổi cho thu nhập khá cao, nhận thấy đây là loại cây dễ trồng và phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương mình, anh đã tìm mua 200 cây giống ổi Lê Đài Loan về trồng trên 3.000 m2 đất nhà.

03/03/2015
Tín Hiệu Lạc Quan Từ Chủ Trương Tạm Trữ Lúa Gạo Tín Hiệu Lạc Quan Từ Chủ Trương Tạm Trữ Lúa Gạo

Thực tế, từ trước Tết Nguyên đán, giá lúa đông xuân ở ĐBSCL có xu hướng giảm. Sau đó, đã tăng nhẹ ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương mua tạm trữ 1 triệu tấn. Trong những ngày qua, hệ thống thương lái đã triển khai mua lúa hàng hóa của nông dân khá đông ở các địa phương, như: Cần Thơ, Hậu Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long… Theo đó, giá lúa được thương lái mua tại ruộng dao động từ mức 4.200 - 4.600 đồng/kg (tùy theo loại), tăng khoảng 200 - 300 đồng/kg so với trước Tết Nguyên đán.

03/03/2015