Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Một Chặng Đường Nỗ Lực Cho Kinh Tế Tập Thể

Một Chặng Đường Nỗ Lực Cho Kinh Tế Tập Thể
Ngày đăng: 21/10/2014

Ngày 23-10, Đại hội lần III Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2014-2019 sẽ chính thức diễn ra. Trao đổi với phóng viên Báo Hậu Giang về những thành tựu của hoạt động kinh tế tập thể (KTTT) 5 năm qua, ông Hà Văn Biên, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh (ảnh), cho biết:

- Nhìn chung, khu vực KTTT trong tỉnh đóng vai trò khá tích cực trong giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế cho địa phương. Kết quả rõ nhất là hiện nay, thu nhập bình quân của thành viên hợp tác xã (HTX) đã được tăng lên 1,8 lần so với cuối năm 2009.

Ngoài ra, các chỉ tiêu về số lượng, chất lượng HTX, tổ hợp tác (THT) khá giỏi có tăng so với cuối nhiệm kỳ II. Cụ thể, THT tăng 557, số HTX loại khá, giỏi chiếm 61,86% (Nghị quyết giao là 60%); vốn điều lệ của HTX là hơn 171,5 tỉ đồng, tăng 2,96 lần so với cuối nhiệm kỳ II. Tỷ lệ HTX, liên hiệp HTX là thành viên Liên minh HTX là 91,2% (Nghị quyết là 90%).

Thành tựu nổi bật nhất của nhiệm kỳ qua là gì, thưa ông ?

- Đó là sự nở rộ của những mô hình KTTT có hiệu quả trong việc liên kết sản xuất, toàn tỉnh đã tăng 679 THT, HTX. Với bản chất của các thành phần KTTT là hình thành trên cơ sở tự nguyện, phát triển dựa trên sự nỗ lực của các thành viên.

Từ ý thức tự nguyện, vì lợi ích tập thể mà các thành viên HTX đã hướng đến một mục tiêu chung nhằm tạo điều kiện giúp nhau tăng hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện mức sống cho chính mình và các thành viên tham gia.

Nhiều HTX đã linh hoạt, chủ động đổi mới trong tổ chức quản lý, sản xuất kinh doanh phù hợp với thực tiễn, tạo được mối liên kết tốt với nội bộ thành viên, nhà khoa học, doanh nghiệp, các cơ quan chuyên môn để xây dựng các mô hình trình diễn, cũng như tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, nâng cao kiến thức cho thành viên…

Từ đó, giúp cho HTX khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, từng bước tăng số lượng, năng suất và chất lượng sản phẩm so với kinh tế hộ. Một số HTX đã tranh thủ được nguồn lực để tổ chức các dịch vụ phục vụ thành viên với giá cả hợp lý, chất lượng đảm bảo như: bơm tưới, làm đất, cung ứng giống cây trồng vật nuôi, vật tư phục vụ sản xuất, thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm, tín dụng nội bộ…

Đây là những cách làm hay, có sự nỗ lực từ nội tại của HTX, THT. Qua đây, xuất hiện những mô hình KTTT tiên tiến, mỗi năm thu về doanh thu lên đến hàng tỉ đồng, với quy mô lao động trên 1.000 người/mô hình. Tiêu biểu có HTX Kim Ngân (huyện Long Mỹ), HTX Thạnh Phước (huyện Châu Thành),...

Theo ông, đâu là sự nhạy bén của các HTX trong thời gian qua ?

- Các HTX đã biết nắm bắt nhu cầu thị trường, nhu cầu của tỉnh nông nghiệp đó là đáp ứng nhu cầu giống lúa, cây ăn trái chất lượng cao phục vụ gieo trồng cho nông dân như: HTX Nông nghiệp Phước Trung, huyện Châu Thành A; HTX Nông nghiệp - Nhân giống ở huyện Long Mỹ; HTX Vị Thủy I, huyện Vị Thủy; HTX Thạnh Phước, HTX Phú Thành, ở huyện Châu Thành...

Hơn nữa, để tăng thu nhập cho thành viên, nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa, nhiều HTX đã áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, xây dựng nhãn hiệu tập thể. Tính đến nay, đã có 7 HTX được cấp nhãn hiệu chứng nhận tập thể cho nông sản có thế mạnh cạnh tranh của tỉnh như: quýt đường Long Trị, bưởi hồ lô Phú Thành, chanh không hạt, cá thát lát Hậu Giang, dưa hấu VietGap... Những sản phẩm này đã từng bước khẳng định được thương hiệu, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường.

5 năm qua, Liên minh HTX đã thể hiện vai trò, chức năng của mình ra sao, thưa ông ?

- Trong 5 năm qua, Liên minh HTX đã chủ động kết hợp với các địa phương kịp thời nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của các hộ gia đình, các thành viên để vận động, tư vấn, hỗ trợ thủ tục cho bà con khi có nhu cầu thành lập THT, HTX mới. Vì vậy, trong nhiệm kỳ đã thành lập mới các THT, HTX vượt kế hoạch về số lượng, chất lượng tăng hơn so với nhiệm kỳ trước.

Ngoài ra, tranh thủ nguồn vốn từ Trung ương, địa phương hỗ trợ cho 23 dự án (1 THT, 22 HTX) với số tiền lên đến hàng tỉ đồng, giúp các tập thể này có tư liệu sản xuất, vốn mở rộng các loại hình kinh doanh, tăng lợi nhuận khoảng 1,5 lần so với trước khi thực hiện dự án.

Ngoài ra, còn phối hợp với các sở, ngành tỉnh trong việc hỗ trợ khoa học, công nghệ, xúc tiến thương mại, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và các chính sách khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công, thay đổi giống cây trồng vật nuôi, bảo quản, chế biến nông sản, ứng dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nhằm nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa, xây dựng quảng bá thương hiệu, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của các HTX…

Qua 5 năm, số tiền hỗ trợ, đầu tư lên đến hàng chục tỉ đồng, với hơn 70 lớp đào tạo nghề cho 2.600 lượt thành viên, người lao động trong HTX và lao động nông thôn học tập, có được nghề nghiệp, thu nhập ổn định từ các mô hình HTX, THT.

Theo ông, những điều trăn trở trong nhiệm kỳ qua là gì ?

- Hiện nay, khu vực KTTT toàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Tuy số lượng HTX khá nhiều nhưng quy mô nhỏ, thiếu vốn sản xuất kinh doanh; cơ sở vật chất, thiết bị sản xuất còn lạc hậu; trình độ đội ngũ cán bộ quản lý HTX còn yếu; một số HTX còn thiếu định hướng và tầm nhìn lâu dài. Nhiệm kỳ qua, mặc dù công tác xúc tiến thương mại có quan tâm nhưng kết quả còn chừng mực dẫn đến thị trường sản phẩm của HTX, THT chưa rộng, khâu đóng gói, bao bì, mẫu mã hàng hóa chỉ dừng lại trên một số sản phẩm.

Đây là những khuyết điểm mà Ban chấp hành Liên minh HTX nhiệm kỳ mới sẽ phải cố gắng giải quyết để thúc đẩy hoạt động KTTT tỉnh nhà. Nhất là trong nhiệm kỳ III, sẽ tập trung thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng hoạt động HTX trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2014-2016, định hướng đến năm 2020”, với nhiều chỉ tiêu phấn đấu cụ thể để đưa thành phần KTTT tỉnh nhà lên một tầm cao mới.

Xin cảm ơn ông !


Có thể bạn quan tâm

Ða Dạng Hóa Mô Hình Nuôi Tôm Ở Bạc Liêu Ða Dạng Hóa Mô Hình Nuôi Tôm Ở Bạc Liêu

Ðể chủ động ứng phó tình hình biến đổi khí hậu và tình trạng tôm chết hàng loạt, tỉnh Bạc Liêu đang nhân rộng mô hình nuôi tôm kết hợp việc trồng rừng hoặc nuôi trồng các loại thủy sản khác để khai thác có hiệu quả các tiềm năng và lợi thế của từng địa phương trong việc nuôi tôm và ổn định nghề nuôi tôm của địa phương.

08/05/2013
Nuôi Rắn Hổ Hèo Trong Hộc Tủ Nuôi Rắn Hổ Hèo Trong Hộc Tủ

Bước vào nhà anh Vũ, đập vào mắt tôi là những dãy tủ bằng gỗ có nhiều hộc nhỏ. Cứ tưởng đây là những tủ đựng thuốc nam hay thuốc bắc, hỏi ra mới biết, mỗi hộc tủ ấy là “nhà” của một con rắn hổ hèo...

06/12/2012
Hồ Tiêu Chết Hàng Loạt Ở Quảng Trị Hồ Tiêu Chết Hàng Loạt Ở Quảng Trị

Hồ tiêu Quảng Trị có thương hiệu bởi chất lượng, nhưng thứ cây truyền thống hiệu quả kinh tế cao này đang thối gốc, héo lá rồi chết hàng loạt khiến người làm vườn như ngồi trên đống lửa vì không có cách chữa trị.

08/05/2013
Vui Buồn Vì Dưa Ở Quảng Bình Vui Buồn Vì Dưa Ở Quảng Bình

Tháng tư trời nắng như đổ lửa, trên những ruộng dưa hấu ở các đội Sao Vàng, Truyền Thống, thị trấn Việt Trung (Bố Trạch - Quảng Bình), bà con nông dân đang hối hả thu hoạch vụ mùa, chính trong năm. Thời điểm này, điệp khúc “được mùa mất giá” đang hiện hữu nơi đây khi giá dưa hấu đã tụt hơn một nửa so với năm ngoái, đồng thời một số chủ ruộng dưa lâm vào hoàn cảnh dở khóc dở cười vì thương lái “bỏ của chạy lấy người”...

09/05/2013
Xoài Cát Thu Hoạch Sớm Có Giá Kỷ Lục, Hiếm Hàng Xoài Cát Thu Hoạch Sớm Có Giá Kỷ Lục, Hiếm Hàng

Chủ nhiệm Hợp tác xã Hòa Lộc (xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, Tiền Giang) Nguyễn Thành Nhơn cho biết vụ xoài thu hoạch sớm năm nay nguồn cung không đủ cầu và có giá cao kỷ lục.

09/12/2012