Mơ Về Ngành Công Nghiệp Cá Tầm Việt

Triển vọng nghề nuôi mới
Tiến sĩ Lê Thanh Lựu, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu- nuôi trồng thủy sản I thống kê: VN hiện có hai nhóm cá nước lạnh. Nhóm cá hồi chủ yếu nuôi ở vùng Lâm Đồng và các vùng núi cao ở phía Bắc có nhiệt độ dưới 22 độ C và phù hợp nhất là 17- 19 độ C. Hiện các nhà nghiên cứu đang chọn giống theo hướng tăng nhiệt độ thích nghi của cá hồi với môi trường nhiệt đới. 100 gia đình cá hồi với vài ngàn cá thể bố mẹ mới được du nhập từ Phần Lan về cho mục đích này.
Khác với đòi hỏi nhiệt độ rất lạnh như cá hồi, phổ nuôi của cá tầm rộng hơn hẳn. Cá tầm thích ứng ở nhiệt độ từ 22- 25 độ C nên rất nhiều vùng thấp như Thái Nguyên (Võ Nhai, Đại Từ), Bắc Kạn (Chợ Đồn), Tuyên Quang (Na Hang), Bắc Giang (Cấm Sơn) có độ cao chỉ cỡ 80- 100m so với mực nước biển vẫn nuôi tốt. Thịt ngon, hợp thị hiếu, mỡ giàu a xít béo không no có thể thành dòng sản phẩm cho người ăn kiêng nên thị trường cho loài cá cổ này rất rộng mở, khả năng mở rộng diện tích lớn.
Theo ông Lựu, cá tầm hiện nay hạch toán chi phí giống chiếm khoảng 15%, thức ăn chiếm 60% giá thành, nhưng giống ta chưa nghiên cứu cho đẻ được, thức ăn vẫn nhập khẩu cho chất lượng thịt tốt nhưng rất đắt. Khi SX được thức ăn tốt, con giống làm chủ thì diện tích nuôi cá tầm sẽ tăng, nhiều người tham gia giá sẽ giảm nhưng không nhiều.
"Cá nước lạnh bắt đầu nuôi ở VN năm 2005 nhưng ra được thị trường nhanh, đã mở rộng được diện tích SX chứng tỏ đây là đối tượng nuôi có sức sống, có tiềm năng. Làm sao tổ chức SX tốt, các DN đưa công nghệ mới, thiết lập kênh thị trường chuẩn, đa dạng hóa sản phẩm chứ không chỉ tươi sống, đưa vào toàn nhà hàng cao cấp, giới bình dân khó tiếp cận”.
Vị chuyên gia thủy sản này khuyên những ai muốn nuôi cá tầm phải đầu tư bài bản ngay từ đầu, có công nghệ xử lý nước đầu vào và đầu ra: “Nếu lấy thẳng nước suối, nước hồ vào nuôi, mùa mưa lũ, bùn rác kéo về sẽ khiến cá chết sặc. Còn thải thẳng nước trong hồ ra ngoài môi trường sẽ bị ô nhiễm. Nhiều người thiếu kinh nghiệm đã phải trả giá cho vấn đề này. Nuôi cá nước lạnh không nên nuôi kiểu tận dụng mà phải có năng lực đầu tư, hộ nông dân nên bỏ vốn quy mô vài trăm triệu trở lên và DN thì phải vài tỉ”.
Doanh nghiệp đầu tàu
Đầu tư bài bản, mạng lưới rộng khắp, sản lượng hàng trăm tấn mỗi năm, hệ thống nuôi cá tầm của Tập đoàn Cá tầm VN đang chiếm 80- 90% thị phần cá tầm nội. Không chỉ dừng lại ở đó mà mục tiêu của tập đoàn này từng bước trở thành hệ thống có quy mô lớn nhất không chỉ tại khu vực Đông Nam Á mà còn trên toàn thế giới.
Khác hẳn với các quy trình công nghệ chăn nuôi mang tính chất khép kín ở các bể cá nhân tạo nước ngoài, tại VN, Tập đoàn Cá tầm VN là nơi duy nhất thực hiện ấp nở, nhân giống và nuôi cá tầm tại các hồ tự nhiên. Đây là những nơi có dòng chảy lớn, nguồn nước sạch quanh năm đáp ứng các chỉ tiêu cao nhất về chất lượng nước, môi trường và mật độ nuôi không khác gì với các vùng nước lạnh Caspian, biển Đen hay hồ Lagoda- Nga.
Tập đoàn cá tầm VN cũng là đơn vị “bạo chi” nhất khi thuê tới 3 chuyên gia Nga sang giúp, gồm: Petrusina Tatiana trên 20 năm kinh nghiệm trong ngành, Cựu Giám đốc Trung tâm thực nghiệm Ấp nở trứng cá tầm- Trung tâm Khoa học Sản xuất BIOX vùng Axtrakhan. Poznyakov Anatoliy- chuyên gia ngư học chuyên nghành nuôi công nghiệp cá tầm, 15 năm kinh nghiệm trong ngành. Dosaev Rafael- chuyên gia muối trứng cá đen và chế biến trứng cá tầm, trên 20 năm kinh nghiệm trong ngành.
Cá tầm có thể sinh sống và sinh sản tối đa do không phụ thuộc vào biến động theo mùa và nhiệt độ biến đổi liên tục. Đến một trong những đại bản doanh của Tập đoàn cá tầm VN ở phía Bắc, Trung tâm Giống thuỷ sản cấp I Bắc Giang (xã Hoà Lạc, Hữu Lũng, Lạng Sơn) tôi ngắm mấy chục con cá bố mẹ to lớn đang bơi lừ lừ như những dàn hỏa tiễn bay ra khỏi bệ phóng.
Ngắm đàn cá con mới mươi ngày tuổi đang bơi tung tăng trong bể sục. Ngắm đàn cá thương phẩm sục sạo dưới tầng đáy kiếm thức ăn. Ở đây đang có 1.500 con thương phẩm cỡ 3 kg, 1.100 con cỡ 2.5 kg trong hai ao diện tích mỗi cái 3.000m2. Toàn bộ nước cho hệ thống được dẫn từ hồ Cấm Sơn về hồ lắng rộng 1,5 ha để đọng bùn rác rồi mới chảy vào.
Bắc Giang là đơn vị đầu tiên thử nghiệm nuôi cá tầm trong ao chứ không phải nuôi lồng bè, các cách điều chỉnh nhiệt độ, mật độ nuôi đến theo dõi, chăm sóc đều khó hơn nuôi lồng gấp nhiều lần. Các ao nuôi được đổ đá nhỏ lót xuống đáy giúp cá mát vào mùa hè và đỡ sục bùn đất. Ao được thả 100% cá tầm chứ không xen lẫn bất kỳ loài nào khác. Ngoài thức ăn công nghiệp dạng viên chìm chúng còn còn bổ sung tôm, tép, giun quế...
Có thể bạn quan tâm

Từ những dự án hàng triệu đô la bỏ hoang của Công ty Việt - Mỹ, chị Nguyễn Thị Hạnh đã thuê lại để đầu tư nuôi tôm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

UBND huyện Đông Hòa vừa kiến nghị UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo UBND TX Sông Cầu và huyện Tuy An tiếp nhận người dân địa phương có nhu cầu di dời lồng bè từ Vũng Rô về vùng nuôi Mái Nhà (xã An Hải, Tuy An) và vùng nuôi vịnh Xuân Đài (Cù Mông, TX Sông Cầu).

Thời gian gần đây, một món ăn được khá nhiều người yêu thích tại các nhà hàng, quán ăn là cá chép, cá trắm giòn. Giá cả không rẻ nhưng cũng không quá cao, lại có vị ngon và lạ nên nhiều người sẵn sàng bỏ tiền túi ra để được “thưởng thức”.

Các con vật lạ thường khó nuôi nhưng anh Mai Thế Hệ (ấp Bàu Trư, xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) lại có đam mê tìm hướng làm ăn từ những vật khó nuôi đó và bước đầu anh đã đạt những kết quả khả quan.

Chủ tịch UBND xã Lương An Trà (Tri Tôn, An Giang) Nguyễn Hoàng Vĩnh, cho biết thông tin trên. Theo ông Vĩnh, 2 vụ đông xuân và hè thu vừa qua, nông dân trong xã đã xuống giống 16.770 héc-ta và đều được thu hoạch dứt điểm bằng cơ giới, giảm chi phí khoảng 1 triệu đồng/héc-ta so với thu hoạch thủ công trước đây. Với năng suất bình quân 6,5 tấn/héc-ta, sản lượng lương thực toàn xã từ đầu năm đến nay đạt 97.285 tấn. Nông dân Lương An Trà hiện đang dọn đất chuẩn bị xuống giống vụ 3, dự kiến sẽ thực hiện trên 7 tiểu vùng, với diện tích 1.500 héc-ta.