Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Mở rộng vùng trồng dược liệu quý

Mở rộng vùng trồng dược liệu quý
Ngày đăng: 01/08/2015

Hiệu quả kinh tế cao

Cây sâm dây, sâm 7 lá hoa dễ trồng, dễ chăm sóc và hiệu quả kinh tế cao nên nhiều người dân xã Phước Lộc (Phước Sơn) đã tự tìm hiểu cách trồng và làm giàu từ giống cây này. Không phải nhọc công mang gùi, vác cuốc vào rừng sâu lùng sục, giờ đây các hộ dân ở Phước Lộc có thể vào những vùng rẫy của nhà mình để đào củ sâm về bán quanh năm. Ông Hồ Văn Hạnh (thôn 6, Phước Lộc) cho biết, trước đây cây sâm dây và sâm 7 lá hoa vốn được người dân trong vùng khai thác tự nhiên, theo đó nguồn tài nguyên cũng ngày một cạn kiệt dần.

Để giữ và phát triển nguồn cây dược liệu quý của vùng, UBND huyện Phước Sơn đã triển khai đề án “Mở rộng vùng trồng dược liệu quý” nhằm tạo điều kiện cho người dân làm kinh tế thoát nghèo. Gia đình ông vốn quanh năm thiếu ăn, luôn trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước, nhưng khi được hỗ trợ trồng cây dược liệu quý, ông trồng được khoảng 2 sào sâm dây, còn tới 3 tháng nữa là cho thu hoạch nhưng thương lái đã tới đặt cọc tiền để mua sâm. “Đối với người dân vùng cao, quanh năm chỉ biết bám rẫy, nương, hiệu quả kinh tế không cao nên đây được coi là nguồn thu nhập đáng kể. Bà con trong vùng ai cũng biết giá trị của những loại cây trồng này, họ đều biết trồng và chăm sóc vườn sâm. Tính cả thôn 6 có 29 hộ dân thì hầu như nhà nào cũng đã có rẫy sâm, có nhà đến 2 - 3 rẫy” - ông Hạnh nói.

Tại thôn 5 (xã Phước Lộc), nhiều nông dân đang bận rộn vì phải vừa chăm sóc vừa thu hoạch rẫy sâm. Nắng đổ lửa, ông Hồ Văn Lá (người tiên phong trong việc di thực cây sâm ở đây) đang gùi bao sâm từ rẫy về. Ông cho biết, trước đây ông chỉ biết vào rừng lấy sâm về bán; giờ sâm trong rừng cạn kiệt, ông chuyển qua trồng sâm. Ông nói: “Ban đầu cây chết nhiều, qua nhiều lần trồng thử, biết đặc tính của cây sâm ưa bóng râm, gần nguồn nước, giờ thì cây trồng sống tốt và đã cho thu hoạch mỗi tháng bán 20 - 30kg sâm. Sâm dây đang được thu mua mạnh, mỗi ký sâm dây tươi có giá 200 - 250 nghìn đồng, sâm dây khô có giá 0,8 - 1 triệu đồng/kg; còn sâm 7 lá hoa giá sâm tươi khoảng 700 - 800 nghìn đồng/kg; khô có giá khoảng 3,5 triệu đồng/kg. Hồi trước trồng sắn, lúa rẫy thu nhập đâu khá như bây giờ”.

Thấy hiệu quả kinh tế nên nhiều hộ khác chủ động biến đất rẫy trước đây trồng sắn, bắp trở thành vườn sâm. Theo nhiều nông dân, loại cây này dễ trồng, ưa bóng râm và gần nguồn nước. Từ hạt giống ban đầu, cây sẽ phát triển khá tốt, chỉ cần tỉa, phát dọn rẫy thường xuyên là được.

Triển khai nhân rộng

Ông Nguyễn Đức Toàn - Chủ tịch UBND xã Phước Lộc cho biết, từ những mô hình trồng cây dược liệu quý hiệu quả trên thực tế, xã Phước Lộc bắt đầu cho triển khai nhân rộng ở nhiều thôn khác trên địa bàn xã nhằm giúp bà con có thể phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững. Từ khi đề án “Mở rộng vùng trồng cây dược liệu quý” được UBND huyện Phước Sơn đưa vào thực hiện, tính đến nay, xã Phước Lộc có hơn 9ha sâm dây và khoảng 2ha sâm 7 lá hoa trồng tập trung chủ yếu ở thôn 5, thôn 6 và thôn 8A. Giá sâm dây và sâm 7 lá hoa trên thị trường rất cao và ổn định. Đầu ra cho sản phẩm này sẽ càng mở rộng, vì nhu cầu sử dụng cây dược liệu quý trong và ngoài tỉnh khá lớn. Trong tương lai, chắc chắn cây dược liệu sẽ trở thành cây trồng chủ lực giúp người dân địa phương cải thiện thu nhập.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc người dân di thực được cây sâm về trồng là điều đáng mừng, nhưng thực tế chỉ một số ít hộ làm được điều này, việc trồng mang tính nhỏ lẻ, manh mún trong khi địa phương còn nhiều vùng đất tiềm năng để nhân rộng... Hiện tại, người dân chủ yếu trồng tự phát, chưa có quy hoạch rõ ràng, sản phẩm thường bị tư thương ép giá. “Chúng tôi mong muốn nhân rộng loại cây trồng này trên các thôn còn lại của xã Phước Lộc để giúp bà con phát triển kinh tế, tuy nhiên có khá nhiều khó khăn trong việc di thực cây sâm về trồng như nguồn giống, đất sản xuất và ý thức của người dân trong việc trồng và chăm sóc cây... Địa phương tiếp tục làm cầu nối để nông dân có thêm điều kiện tham gia trồng” - ông Hà nói.

Cũng theo ông Hà, khi đề án “Mở rộng vùng trồng cây dược liệu quý” thực hiện, địa phương đã cắt cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn bà con trồng và sẽ có nguồn hỗ trợ vốn ban đầu để người dân phát triển. Cạnh đó, ngành nông nghiệp huyện sẽ tiếp tục định hướng, quy hoạch xúc tiến sản xuất, tìm kiếm thị trường cho người nông dân yên tâm sản xuất. “Hy vọng trong tương lai xã Phước Lộc sẽ trở thành vùng phát triển dược liệu quý không chỉ của huyện Phước Sơn mà còn của tỉnh. Đây sẽ là hướng đi phù hợp, cho kinh tế ổn định với nông dân vùng cao” - ông Hà nói thêm.


Có thể bạn quan tâm

Một Số Vấn Đề Cần Lưu Ý Khi Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Một Số Vấn Đề Cần Lưu Ý Khi Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng

Trong thời gian vừa qua có rất nhiều người nuôi tôm ở khắp nơi (từ Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi cho đến Bình Thuận, Long An, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau...) gọi điện thoại cho tôi hỏi về các vấn đề liên quan đến tôm nuôi.

16/05/2014
Ứng Phó Với Biến Đổi Khí Hậu Xây Dựng Nền Nông Nghiệp Ứng Phó Với Biến Đổi Khí Hậu Xây Dựng Nền Nông Nghiệp "Thông Minh"

Nông nghiệp là lĩnh vực dễ bị tổn thương và rủi ro nhất trước sự tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH). Cần làm gì để giảm thiểu những tác động BĐKH?

02/05/2014
Hà Nội Chủ Động Các Biện Pháp Phòng Trừ Dịch Bệnh Hà Nội Chủ Động Các Biện Pháp Phòng Trừ Dịch Bệnh

Để đảm bảo kế hoạch sản xuất vụ mùa và vụ đông, các sở, ban ngành của TP đã chủ động đề ra nhiều giải pháp, trong đó, vấn đề phòng trừ sâu bệnh, dịch hại được đặc biệt lưu tâm.

16/05/2014
Cơ Giới Hóa Nông Nghiệp Cơ Giới Hóa Nông Nghiệp

Hình ảnh những chiếc máy xới, gặt đập liên hợp (GĐLH) hoạt động hối hả ngoài ruộng vào giai đoạn làm đất, thu hoạch rộ; cùng câu chuyện chế tạo ra nhiều loại máy móc từ thực tiễn sản xuất của nông dân để phục vụ công việc đồng áng nói chung, như đã gián tiếp khẳng định một bước tiến mới của tiến trình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở Hậu Giang vào giai đoạn hiện nay.

02/05/2014
Mô Hình Khuyến Nông Gắn Với Vườn Mẫu Năng Suất Cà Phê Đạt Bình Quân 5 Tấn Nhân/ha Mô Hình Khuyến Nông Gắn Với Vườn Mẫu Năng Suất Cà Phê Đạt Bình Quân 5 Tấn Nhân/ha

Thực hiện mô hình này, dinh dưỡng của cây cà phê đã được cải thiện, cây phát triển tốt và cho nhiều quả hơn, giảm rụng trái nên năng suất tăng; ngoài ra, nông dân còn giảm được chi phí đầu tư do giảm được công lao động, thuốc bảo vệ thực vật và phân bón.

16/05/2014