Mở Rộng Trồng Cây Mắc Ca Hứa Hẹn Mang Lại Hàng Tỷ USD

Theo các nhà khoa học và doanh nghiệp, việc phát triển trồng cây macadamia (cây macca) tại Việt Nam có thể tạo ra một thị trường nhiều tỷ USD và mở ra những cơ hội đầu tư vô cùng lớn trong nhiều lĩnh vực.
Những lĩnh vực sẽ phát triển sau cây macadamia có thể kể tới là: Sản xuất cây giống, thiết bị trồng, chế biến, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, các dịch vụ nông nghiệp cho cây macadamia,… Tổng giá trị các lĩnh vực sau cây macadamia sẽ lớn gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần giá trị về nguyên liệu của ngành trồng trọt cây macadamia mang lại.
“Diễn đàn phát triển cây macadamia- cơ hội hợp tác và làm giàu” do Viện nghiên cứu và phát triển công nghệ nông lâm nghiệp Thành Tây và Công ty CP Thương mại, Đầu tư và Phát triển Công nghệ Quốc tế (IDT) vừa được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh đã làm rõ thông tin, giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư nắm bắt những cơ hội đầu tư kinh doanh nói trên.
Thực tế, sau hơn 10 năm được trồng ở Việt Nam, cây macadamia đang hứa hẹn sẽ tạo ra đột phá cho nông nghiệp Việt Nam với giá trị hàng tỷ USD mỗi năm. Viện nghiên cứu và phát triển công nghệ nông lâm nghiệp Thành Tây đã nghiên cứu và trồng thử nghiệm cây macadamia trong khoảng hơn 10 năm. Công ty CP Thương mại, Đầu tư và Phát triển Công nghệ Quốc tế (IDT) là một trong những doanh nghiệp Việt Nam tiên phong đầu tư trồng và chế biến macadamia.
Riêng trong hai năm 2012-2013, Công ty Maccadamia Điện Biên đã triển khai hợp tác trồng trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích trên 50 ha cây macadamia. Đồng thời với việc triển khai trồng cây, năm 2013 công ty đã xây dựng vườn ươm tại xã Tà Lèng với quy mô 5 vạn cây/năm.
Thực tế triển khai trồng macadamia tại Điện Biên cho thấy, cây sinh trưởng và phát triển tốt, phù hợp với thời tiết khí hậu trên vùng Tây Bắc, bình quân chiều cao của cây khoảng 1,2 – 1,5m, đường kính từ 2 -3cm, tỷ lệ cây sống đạt > 98%. Đối với cây macadamia được trồng thí điểm cách đây 5 – 7 năm hiện rất sai quả và cho chất lượng nhân rất tốt.
Cũng trong năm 2014, dự án chế biến macadamia của IDT đã giới thiệu ra thị trường sản phẩm macadamia chế biến với thương hiệu DELIX. DELIX có 4 loại sản phẩm là macadamia rang muối, rang mù tạt, rang mật ong và rang tự nhiên. Các sản phẩm này đều được sản xuất từ nguyên liệu nhân macadamia cao cấp nhập khẩu từ Australia.
Lĩnh vực này trở nên sôi động hơn khi ngân hàng Lienviet Postbank mới đây đã công bố đề án 10.000 tỷ đồng đầu tư vào macadamia.
Đáng chú ý, cây macadamia cũng đã được Chính phủ đặc biệt quan tâm, điều 12 Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chính thức có hiệu lực từ 10/2/2014 quy định: “Các dự án trồng cây macadamia có quy mô từ 50 ha trở lên được ngân sách nhà nước hỗ trợ 15 triệu đồng/ha để xây dựng đồng ruộng, cây giống. Hỗ trợ xây dựng cơ sở sản xuất giống cây macadamia quy mô 500.000 cây giống/năm trở lên, mức hỗ trợ tối đa là 70% chi phí đầu tư/cơ sở …”.
Tuy nhiên, trong hội thảo vừa qua, các đại biểu cũng chỉ ra rằng, để cây macadamia phát triển mạnh cần triển khai thêm các nội dung quan trọng khác như quy hoạch chi tiết về đất đai, các giải pháp về lao động, giải pháp về tại chính, đầu tư, khoa học công nghệ, thị trường… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng cần nhanh chóng vào cuộc để chớp thời cơ vàng này, đưa cây macadamia trở thành cây trồng mang hiệu quả cho nền kinh tế, góp phần làm giàu cho cả nông dân, doanh nghiệp và quốc gia.
Cây macadamia có xuất xứ từ Úc. Với những giá trị dinh dưỡng vượt trội, hạt macadamia được xếp vị trí hàng đầu trong các loại hạt và được mệnh danh là “Hoàng hậu của các loại hạt”. Sản lượng macadamia trên toàn thế giới hiện chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu trong khi tốc độ tăng trưởng của thị trường bình quân khoảng 15%/năm.
Theo các thống kê trên thế giới, 5 nước đứng đầu về sản lượng macadamia hiện là Úc, Nam Phi, Mỹ, Malawi và Brazin. Việt Nam hiện đứng thứ 11 trong 17 nước có diện tích macadamia lớn nhất trên thế giới với khoảng 1000 ha.
Theo thống kê của Hiệp hội quả hạch và hoa quả sấy thế giới (INC) tổng giá trị toàn ngành macadamia thế giới năm 2012 là 728 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng của thị trường là 10,9%/năm.
Có thể bạn quan tâm

Thời gian gần đây, tại nhiều địa phương xuất hiện một loại mực bán với giá rất rẻ, chỉ từ 20.000-40.000 đồng/kg, cao nhất cũng chỉ 50.000-70.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với giá mực bình thường từ 80.000-200.000 đồng/kg.

“Giá lúa tươi tại ruộng được thương lái mua với giá 4.500 đồng/kg, tăng khoảng 200 đồng/kg so với cách đây 2 tuần. Nhiều nông dân phải chịu cảnh thu hoạch lúa trong mưa dầm dữ dội cũng được an ủi phần nào”, lão nông Phạm Văn Nữa (xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự tỉnh Đồng Tháp) cho biết vào chiều 14-7.

Theo Kế hoạch của UBND TP.Cao Lãnh (Đồng Tháp), từ năm 2020 - 2030, thành phố sẽ thực hiện Dự án “Phát triển kinh tế địa phương gắn với du lịch”. Hiện nay, dự án mới được triển khai nhưng đã nhận được sự đồng lòng của người dân. Với nỗ lực của địa phương, cộng với lòng dân đồng thuận, dự án đang có nhiều thuận lợi để sớm hình thành, tạo bước phát triển mới cho địa phương.

Sau chuyến công tác tại Philippines tìm hiểu sâu về thị trường lúa gạo, GS.TS. Võ Tòng Xuân cho biết, hiện giá gạo trong tháng 6 ở Philippines đã tăng thêm 2-3 peso/ngày (1USD bằng 40 peso) và hiện nay, giá gạo 25% tấm đạt 27 peso (mức giá gạo do nhà nước bán ra), còn gạo của tư nhân nhập cảng thì thường bán với giá 37- 40 peso.

Vụ sản xuất dưa hấu sớm năm nay thời tiết khá thuận nên năng suất đạt khá cao, bình quân từ 26 tấn đến 30 tấn/ha. Tuy giá dưa thương phẩm đang ở mức thấp nhưng lợi nhuận thu được cũng từ 60 triệu đến 80 triệu đồng/ha chỉ sau 60 ngày gieo trồng và chăm sóc.