Mở Rộng Thị Trường Tiêu Thụ Cá Ngừ Đại Dương

Ngoài tiếp tục XK sang thị trường Nhật Bản, Bình Định đang mở rộng thị trường tiêu thụ ở các cơ sở thu mua của Nhật tại Việt Nam và tìm kiếm thị trường mới tại các nước châu Âu...
Trúng mùa, được giá
Đội tàu đánh bắt cá ngừ đại dương của ngư dân La Tình gồm 4 chiếc và 1 chiếc của ngư dân Nguyễn Quê mang số hiệu BĐ 96776 TS cùng ở xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn-Bình Định) đã đồng loạt cập bến tại Cảng cá Quy Nhơn với những khoang tàu trĩu nặng cá.
Riêng tàu của ngư dân Nguyễn Quê đánh bắt được 50 con, 4 tàu trong đội tàu của ngư dân La Tình đánh bắt được 150 con, bình quân mỗi tàu đánh bắt được 50 con.
Theo các chủ tàu, trong chuyến biển vừa rồi, những tàu đánh bắt cá ngừ đại dương gặp nhiều gian nan do gặp phải cơn bão số 4, tuy nhiên, với đặc thù biển càng động, nước càng lạnh thì cá ngừ đại dương xuất hiện càng nhiều nên tàu nào cũng đánh bắt được nhiều cá...
Bà Mai Kim Thi, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bình Định, cho biết: Toàn tỉnh hiện có khoảng 400 tàu cá công suất lớn đang đánh bắt kết hợp theo kiểu vừa hành nghề câu mực kết hợp đánh bắt cá ngừ đại dương; hoặc vừa hành nghề vây ánh sáng kết hợp câu cá ngừ đại dương. Ngoài ra còn có 500 tàu khác chuyên nghề đánh bắt cá ngừ đại dương thay nhau vươn khơi bám biển.
Ngư trường chính khai thác cá ngừ đại dương chủ yếu là khu vực thuộc 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, vùng biển giữa Trường Sa và Hoàng Sa. Từ cuối tháng 11 đến nay, mỗi ngày có khoảng 100 tàu khai thác cá ngừ đại dương của ngư dân Bình Định cập bến, bình quân mỗi tàu khai thác được từ 1,5 đến 2 tấn sản phẩm.
Không chỉ ngư dân mới có niềm vui được mùa, các cơ sở hậu cần nghề cá hiện cũng đang vui cùng niềm vui với ngư dân vì bán chạy hàng. Tất cả các điểm thu mua cá ngừ đại dương ở Cảng cá Quy Nhơn đang hoạt động hết công suất.
“Chúng tôi đang hợp tác với các nước để đào tạo nguồn nhân lực chuyên lĩnh vực thủy sản. Trước mắt sẽ đưa chuyên gia, cán bộ kỹ thuật, ngư dân tiếp tục sang tập huấn tại Nhật để về đánh bắt, chế biến sâu cá ngừ đại dương đạt chất lượng đáp ứng nhu cầu XK”, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho hay.
Tất bật thu mua sản phẩm rồi cấp tốc chở đi giao ngay cho khách hàng. Những cây xăng, nhà máy SX nước đá hoạt động liên tục, hối hả phục vụ cho những chiếc tàu. Tàu cập cảng, sau khi chuyển cá lên cân là tiếp ngay nhiên liệu, nước đá, dầu, nước ngọt, lương thực thực phẩm để mở chuyến biển mới.
Ông Đào Xuân Thiện, GĐ Cảng cá Quy Nhơn, cho biết: “Nhờ dịch vụ hậu cần nghề của cảng cá đáp ứng kịp yêu cầu của ngư dân, nên số lượng tàu cá cập cảng để bán sản phẩm ngày càng nhiều, nguồn thu từ dịch vụ hậu cần nghề cá nhờ đó cũng tăng đáng kể”.
Mở rộng thị trường
Đội tàu tham gia mô hình thí điểm khai thác, thu mua và XK cá ngừ đại dương theo chuỗi, áp dụng bộ thiết bị và công nghệ câu cá ngừ đại dương kiểu Nhật của 2 ngư dân La Tình và Nguyễn Quê mới cập bờ cách đây vài ngày, tuy sản lượng đánh bắt đạt cao, nhưng do gặp cơn bão số 4, tàu phải tìm nơi trú bão nên thời gian trên biển kéo dài vượt quá quy định, cá mất chất lượng, số cá đủ tiêu chuẩn đi Nhật rất ít không đủ chuyến hàng.
Theo bà Cao Thị Kim Lan, GĐ Công ty CP thủy sản Bình Định (Bidifisco), sau khi kiểm tra chất lượng cá, lãnh đạo Sở NN - PTNT Bình Định, Bidifisco và Cty Kato Hitoshi General Office Co. Ltd (Kato Office) đã quyết định không XK lô hàng nói trên sang thị trường Nhật Bản vào đầu tháng 12 như dự kiến.
Tuy số cá nói trên không đủ tiêu chuẩn đi Nhật nhưng Công ty Bidifisco cũng đã thu mua giá 110.000đ/kg, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.
ông Phan Trọng Hổ, GĐ Sở NN-PTNT Bình Định cho biết, bên cạnh XK sang Nhật Bản, Bình Định còn đang mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cá ngừ tươi sống ở các cửa hàng Nhật tại Việt Nam và XK sang Nga, châu Âu. Hiện tại, một số DN Nhật Bản đã đặt vấn đề với Bình Định đầu tư nhà máy chế biến thủy sản XK quy mô lớn tại đây.
Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết thêm, tỉnh đang mời gọi DN trong và ngoài nước đầu tư vào cụm công nghiệp chế biến chuyên sâu thủy sản để mở rộng đầu ra cho cá ngừ đại dương.
Nguồn bài viết: http://nongnghiep.vn/mo-rong-thi-truong-tieu-thu-ca-ngu-dai-duong-post135755.html
Có thể bạn quan tâm

Ngày 6.4, ông Nguyễn Văn Hải, cán bộ khuyến ngư xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước (Bình Định), cho biết: UBND xã Phước Thắng mới nhận được công văn của Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam về việc hỗ trợ thiệt hại cho khách hàng thôn Đông Điền, xã Phước Thắng. Theo đó, căn cứ vào đánh giá mức độ thiệt hại của 26 hộ nuôi tôm thuộc thôn Đông Điền (từ 74% đến 100%), Công ty C.P quyết định hỗ trợ cho mỗi khách hàng 50% trên tổng số tôm giống mua từ trại giống Công ty C.P - chi nhánh Bình Định 3…

Hào hứng báo cáo diện tích dừa tăng nhanh, sản lượng tăng, rồi lại loay hoay tìm cách đối phó khi dừa rớt giá, cách ứng phó tình thế xem ra chưa làm cho người trồng dừa an tâm. Trong khi đó, hiệp hội Dừa châu Á – Thái Bình Dương (APCC) đã nhiều lần gợi ý Việt Nam cần có một chiến lược phát triển rõ ràng cho ngành công nghiệp dừa, tạo nên chuỗi giá trị gia tăng cho cây dừa.

Nhờ biết cách cho động vật hoang dã sinh sản, Trang trại thủy sản Sơn Ca, do anh Đoàn Kim Sơn làm chủ, ở số 64/6D, ấp Chánh 1, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, TPHCM, chuyên cung cấp giống: Kỳ đà, lươn, rắn ri voi, rắn ráo trâu, chồn hương, cho thị trường, một năm thu lãi hàng tỷ đồng.

Theo Sở NNPTNT Thanh Hóa, sau nhiều năm tích cực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đến nay toàn tỉnh có gần 530ha sản xuất hạt giống lúa lai F1. Năm 2011, năng suất bình quân đạt 15 - 21 tạ/ha, lượng hạt giống sản xuất ra hàng năm đáp ứng trên 30% nhu cầu, giảm lượng hạt giống phải nhập khẩu.

Vụ đông xuân 2011-2012, Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng một mô hình thâm canh lúa lai tại xã miền núi Vĩnh An (huyện Tây Sơn), nơi có 100% dân số là người dân tộc Ba Na. Mô hình triển khai trên diện tích 2ha với giống lúa TH3-3.