Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Mở rộng diện tích sản xuất lúa chất lượng cao

Mở rộng diện tích sản xuất lúa chất lượng cao
Ngày đăng: 09/10/2015

Sự phát triển các mô hình này không chỉ bảo đảm duy trì diện tích mà còn giúp nông dân vươn lên làm giàu từ cây lúa, hình thành thị trường tiêu thụ lúa gạo hàng hóa.

Hiện nay, các huyện đã cơ bản thu hoạch xong vụ mùa.

Tại một số địa phương sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao của Hà Nội như: Phú Xuyên, Thanh Oai, Phúc Thọ, Chương Mỹ... năng suất bình quân đạt 5,2 - 5,4 tấn/ha, trong đó Bắc thơm số 7 đạt 5,0 - 5,2 tấn/ha/vụ; Nếp vàng I đạt 5,4 - 5,6 tấn/ha/vụ; Hương thơm số 1 đạt 5,8 - 6,0 tấn/ha.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai cho biết, từ khi mô hình sản xuất lúa chất lượng cao được triển khai năm 2011, đến nay toàn huyện có khoảng 1.215ha lúa chất lượng cao, nhiều sản phẩm có giá trị cao như Nếp cái hoa vàng ở Tam Hưng, gạo Bồ nâu ở Thanh Văn. Mô hình đã giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vươn lên làm giàu.

 

Lúa chất lượng cao đã được nhiều địa phương đưa vào sản xuất cho thu nhập cao.

Theo Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội, vụ mùa năm 2015, đơn vị đã xây dựng được 17 mô hình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao với quy mô 450ha tại 17 HTX của 8 huyện với tổng số 3.672 hộ nông dân tham gia.

Cơ cấu giống lúa chất lượng cao chủ yếu là Hương thơm số 1 (chiếm 37,8%), Bắc thơm số 7 (chiếm 28,9%), Nàng xuân (chiếm 17,8%), Nếp cái hoa vàng (chiếm 10%), Nếp vàng 1 (chiếm 5,5%). Qua kết quả thu hoạch thực tế tại các điểm triển khai mô hình cho thấy, năng suất lúa bình quân đạt 5,2 - 5,4 tấn/ha; sản lượng ước đạt 2.231 tấn.

Theo tính toán giá trị sản phẩm lúa hàng hóa chất lượng cao năm nay với quy mô 450ha đạt 19,318 tỷ đồng, hiệu quả kinh tế đạt 8,26 tỷ đồng, tăng hơn so với sản xuất lúa thường (Khang dân 18) là 3,28 tỷ đồng.

Giám đốc Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết:

Chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao thu nhập cho nông dân. Qua thực tế, chương trình đã lựa chọn được nhiều giống lúa chất lượng để đưa vào cơ cấu giống và cơ cấu mùa vụ phù hợp với các huyện.

Từ thực tế sản xuất đòi hỏi cần thiết phải thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống, đưa các giống lúa chất lượng cao, có thời gian sinh trưởng ngắn để chuyển dịch thời vụ, luân canh với cây trồng hiện có, sản xuất 3 vụ/năm góp phần tăng thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác thì chương trình lúa hàng hóa đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên.

Cũng từ thành công của mô hình mà diện tích lúa hàng hóa ngày một tăng.

Nếu như, năm 2011 diện tích các giống lúa năng suất của các xã tham gia mô hình là 1.292ha, chiếm 70%, chủ yếu giống Khang dân 18, Q5..; đến vụ mùa năm 2015, diện tích giống lúa năng suất 733ha, chiếm 38%, giảm 48,9% so với năm 2011 (khi các HTX chưa tham gia chương trình sản xuất lúa chất lượng cao);

Diện tích giống lúa chất lượng tăng từ 30% (năm 2011) lên 61,6% (năm 2015) giống lúa chất lượng Hương thơm số 1 (các HTX của huyện Phúc Thọ), Nàng xuân, T10, Nếp cái hoa vàng (HTX NN Tân Hưng - huyện Sóc Sơn, Liên Hà - huyện Đông Anh).

Đây rõ ràng là một chương trình mang lại hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên theo bà Hoàng Thị Hòa - Giám đốc Trung tâm Phát triển cây trồng, việc triển khai mô hình còn chưa đồng bộ.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cơ sở chưa quyết liệt nhất là quy hoạch mô hình sản xuất lúa hàng hóa một số điểm còn chưa tập trung, chọn giống sản xuất, chăm sóc, bón phân cân đối, còn có HTX chưa bảo đảm yêu cầu quản lý, kỹ thuật.

Đặc biệt, việc tiêu thụ sản phẩm lúa chất lượng cao vẫn chủ yếu qua thương lái theo hình thức mua và bán, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm lớn, nên vấn đề đầu ra còn bấp bênh, không ổn định.

Mặc dù được sản xuất tập trung song so với các tỉnh, diện tích trồng lúa chất lượng cao của Hà Nội còn ở quy mô nhỏ lẻ, phân tán, bộ giống còn nghèo nàn; công nghệ sau thu hoạch như phơi, sấy, bảo quản, chế biến chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Để khắc phục những hạn chế đó, đưa mô hình phát triển bền vững, ngành Nông nghiệp cần đẩy mạnh công tác khảo nghiệm lựa chọn giống lúa chất lượng cao có năng suất, chất lượng cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt; ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất, thu hoạch, chế biến và bảo quản.

Đặc biệt phải đưa cơ giới hóa trong sản xuất, thu hoạch, chế biến để nâng cao chất lượng lúa gạo chất lượng cao.

Ngoài ra, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại, thúc đẩy mô hình hợp tác 4 nhà trong liên doanh, liên kết đầu tư, hỗ trợ sản xuất, bảo quản chế biến, tiêu thụ lúa, gạo hàng hóa chất lượng đạt hiệu quả cao.


Có thể bạn quan tâm

Hiệu Quả Từ Cải Tạo Vườn Tạp Hiệu Quả Từ Cải Tạo Vườn Tạp

Những năm gần đây, nhiều bà con nông dân ở huyện Châu Thành A (Hậu Giang) đã mạnh dạn cải tạo vườn tạp để trồng cây ăn trái. Trong đó, xoài cát Hòa Lộc luôn được người dân ưu tiên lựa chọn.

24/07/2012
Nuôi Thí Điểm Cá Điêu Hồng Ở Lòng Hồ Thủy Điện Sông Tranh 2 Nuôi Thí Điểm Cá Điêu Hồng Ở Lòng Hồ Thủy Điện Sông Tranh 2

Ngày 24.7, huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) tổ chức thả 20 nghìn con cá giống điêu hồng tại 4 lồng bè nuôi cá thí điểm tại khu vực đập phụ, cửa xả nước Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 (thuộc thôn 3, xã Trà Đốc).

29/07/2012
Chăn Nuôi An Toàn Sinh Học Để Phát Triển Bền Vững Chăn Nuôi An Toàn Sinh Học Để Phát Triển Bền Vững

Chăn nuôi an toàn sinh học (ATSH) là biện pháp đang được nhiều hộ chăn nuôi áp dụng trước tình hình các loại dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp. Những nguyên tắc đơn giản của phương pháp chăn nuôi ATSH có thể áp dụng đa dạng với quy mô từ nhỏ đến lớn.

03/08/2012
Mô Hình Nuôi Lươn Hiệu Quả Cho Nhà Nông Mô Hình Nuôi Lươn Hiệu Quả Cho Nhà Nông

Những năm gần đây, phong trào nuôi lươn tại xã Mỹ Hiệp Sơn ngày càng được nông dân chọn làm mô hình kinh tế quan trọng của gia đình, bởi chi phí đầu tư thấp, dễ nuôi, cho lợi nhuận cao và nhất là giá thị trường rất ổn định. Ông Phạm Văn Ba ngụ ấp Hiệp Thành, xã Mỹ Hiệp Sơn (Hòn Đất - Kiên Giang) là hộ điển hình thành công với mô hình này.

07/08/2012
Nuôi Bồ Câu Góp Phần Thoát Nghèo Nuôi Bồ Câu Góp Phần Thoát Nghèo

Mỗi hộ được hỗ trợ 10 cặp bồ câu giống và 50% chi phí thức ăn (30 ngàn đồng/cặp). Sau thời gian 4 tháng, khi bồ câu sinh sản đã đủ số lượng 10 cặp con giống đầu tiên thì các hộ này sẽ chuyển giao con giống cho những hộ nuôi tiếp theo.

08/08/2012