Mở Rộng Diện Tích Rau, Quả Đạt Chứng Nhận VietGAP

Ban Quản lý Dự án "Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học (QSEAP)" tỉnh Tiền Giang vừa tổ chức trao chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP cho sản phẩm rau, quả an toàn của 7 cơ sở sản xuất, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh.
Những loại trái cây đặc sản chất lượng cao của tỉnh Tiền Giang được chưng bày phục vụ khách tham quan tại Viện cây ăn quả miền Nam. Ảnh: Hồng Phúc
Theo đó, có 82,84 ha rau, quả của 175 hộ ở 7 cơ sở và tổ hợp tác được Công ty Cổ phần chứng nhận Vietcert, chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP gồm: Tổ hợp tác thanh long Trường Thọ, Tổ hợp tác thanh long Lương Phú (Chợ Gạo), Tổ hợp tác sapo Mặc Bắc Kim Sơn (Châu Thành), Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Thuận Hoà (thị xã Gò Công); Cơ sở sản xuất thanh long Thân Cửu Nghĩa (Châu Thành), Tổ sản xuất sầu riêng Ngũ Hiệp (Cai Lậy) và Hợp tác xã rau an toàn Gò Công (thị xã Gò Công).
Ông Nguyễn Thanh Cẩn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, từ thực hiện các mô hình đã đưa các tiến bộ kỹ thuật về sản xuất rau quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP đến với các hộ dân. Qua đó, 100% hộ tham gia mô hình biết ghi chép nhật ký sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, biết tính toán hiệu quả trong sản xuất và hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất VietGAP.
Theo Ban Quản lý Dự án QSEAP, trong số 7 cơ sở, tổ hợp tác sản xuất rau, quả được chứng nhận VietGAP, chỉ có số cơ sở có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, nhưng số lượng còn hạn chế như: Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Thuận Hoà tiêu thụ 2-3 tấn/ngày, Hợp tác xã rau an toàn Gò Công tiêu thụ từ 1-1,5 tấn/ngày.
Các cơ sở còn lại, sản phẩm được bán ra thị trường với giá như những sản phẩm khác chưa được chứng nhận. Đây là một trong những khó khăn mà ngành chức năng tỉnh cần có biện pháp tháo gỡ đối với các sản phẩm rau, quả đạt VietGAP trong vấn đề tiêu thụ, nhằm giúp nông dân có điều kiện mở rộng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Tiền Giang hiện có hơn 85.000 ha cây ăn quả, lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long, mỗi năm đạt sản lượng hơn 1,3 triệu tấn quả với nhiều chủng loại phong phú và hơn 43.000 ha trồng rau các loại. Đến nay, toàn tỉnh có 15,14 ha rau và 224,54 ha quả đạt chứng nhận VietGAP. Năm 2014, tỉnh phấn đấu có thêm 85 ha rau, quả của 300 hộ nông dân được chứng nhận VietGAP.
Có thể bạn quan tâm

Cách đây chưa lâu, Đài Truyền hình Việt Nam đưa tin hàng năm nước ta phải nhập hơn 2 triệu tấn bắp để sản xuất thức ăn gia súc, nghe mà giật mình. Một đất nước nông nghiệp và là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng bắp thì không đủ để... sản xuất thức ăn gia súc thì quả là điều đáng để trăn trở.

Ngày 8/8, Hồ Gấm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triên Nông thôn tỉnh Đắk Nông cho biết qua kiểm tra, rà soát của Sở Nông nghiệp và Phát triên Nông thôn tỉnh, tính đến nay trên toàn địa bàn tỉnh người dân đã chặt bỏ 359,39ha cao su để chuyển sang trồng cây trồng khác.

Năm 2014, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã triển khai xây dựng mô hình trình diễn nuôi ếch trong bể tại 02 hộ là hộ ông Trần Văn Bảy ở ấp Phước Thọ và hộ bà Vũ Thị Nhài ở ấp Hải Lâm thuộc xã Phước Hưng, huyện Long Điền.

So với cùng kỳ năm trước, giá nhiều loại cá giống như: rô phi, điêu hồng, cá lóc, tai tượng…đã tăng từ 5.000-20.000 đồng/kg hoặc một vài trăm đồng/con. Giá tăng chủ yếu do chi phí sản xuất và vận chuyển tăng, ngoài ra sức mua tăng cũng góp phần làm cho giá nhích lên.

Đồng thời tiếp tục chuyển dịch cơ cấu sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, trong đó chú trọng quy hoạch vùng sản xuất và đầu tư kết cấu hạ tầng; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm hạ giá thành, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng cường chuỗi giá trị hàng hóa và đẩy mạnh liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp với thị trường tiêu thụ.