Mở Ra Nhiều Cơ Hội Cho Nông Nghiệp Tỉnh Đồng Tháp

Vừa qua, đoàn công tác tỉnh Ibaraki (Nhật Bản) có chuyến thăm và làm việc với tỉnh Đồng Tháp trên tinh thần hợp tác nông nghiệp giữa hai tỉnh có cùng chung tiềm năng và lợi thế. Ông Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nhận định, đây được xem là cơ hội, mở ra những triển vọng mới cho nông nghiệp tỉnh nhà, góp phần để Đề án tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh thành công.
Thống đốc Hashimoto Masaru cũng cho hay, nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang tới tỉnh Ibaraki vào tháng 3/2014, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Thống đốc tỉnh Ibaraki Hashimoto Masaru đã ký kết “Bản ghi nhớ về việc tăng cường mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp”.
Bản ghi nhớ này nhằm liên kết, hợp tác với nhau về nhiều mặt như hỗ trợ đào tạo các kỹ sư nông nghiệp, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến nhất trong sản xuất nông nghiệp. Và thuận lợi hơn, Đồng Tháp là một trong những tỉnh được chỉ định hợp tác với Ibaraki.
Theo ngài Hashimoto Masaru, Đồng Tháp là tỉnh có tiềm năng nông nghiệp, sản phẩm từ nông nghiệp phong phú, đa dạng. Trong khi đó, Ibaraki là tỉnh có nền nông nghiệp rất phát triển, đặc biệt là các nghiên cứu nông nghiệp với công nghệ tiên tiến.
Nhiều năm qua, Ibaraki tập trung vào sản xuất và chế biến sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm. Theo đó, giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh những năm qua liên tiếp đứng ở vị trí thứ hai của cả nước. Vì thế, tiềm năng hợp tác giữa hai địa phương sẽ rất rộng mở.
Với sự tương đồng về nông nghiệp cũng như hướng tới khai thác thế mạnh của hai bên, Đồng Tháp muốn hợp tác với Ibaraki trong 5 lĩnh vực như: xử lý trái, đóng gói, bảo quản, chế biến xuất khẩu đối với nông sản đặc thù xoài Cao Lãnh; sản xuất lúa theo hướng cơ giới hóa trồng lúa và các cây trồng khác gắn chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp.
Đồng Tháp cũng kỳ vọng vào hợp tác về đào tạo thực tập sinh nông nghiệp tại Nhật Bản, nguồn lực nâng cao năng lực hợp tác xã; xuất khẩu lao động cho nông nghiệp, y tế sang Nhật, cũng như đào tạo tiếng Nhật cho đối tượng xuất khẩu lao động. Bên cạnh đó, hợp tác trên lĩnh vực hoa kiểng, rau màu là những định hướng địa phương muốn hợp tác với Ibaraki.
Thống đốc Hashimoto Masaru cho hay: “Ibaraki không chỉ mong muốn hợp tác với các tỉnh, thành mà còn trong các lĩnh vực khác, sau chuyến thăm Đồng Tháp, chúng tôi sẽ suy nghĩ về sự hợp tác. Tuy nhiên, để tiến tới hợp tác, hai bên cần có những buổi làm việc chi tiết hơn.
Hiện nay, điều Ibaraki có thể thực hiện tốt là sẽ hỗ trợ tốt nhất cho thực tập sinh của Đồng Tháp sang học tập mô hình sản xuất nông nghiệp công nghiệp cao tại Nhật Bản, để từ đó có thể chuyển giao những kỹ thuật vào sản xuất giúp nông sản của tỉnh có thể “gõ cửa” được thị trường Nhật Bản trong thời gian sớm”.
Trong chuyến làm việc, đoàn cũng thăm doanh nghiệp DNTN Cỏ May và Hợp tác xã xoài Mỹ Xương. Tại đây, các đơn vị cũng mong muốn sự hợp tác đối với tỉnh Ibaraki. Cỏ May đang thực hiện đề án trích li dầu cám và mong muốn sự hợp tác với Ibaraki.
Riêng mặt hàng xoài Cao Lãnh được Thống đốc quan tâm và cho rằng đây là loại nông sản giàu tiềm năng, ngài bày tỏ mong muốn Đồng Tháp nỗ lực nhiều hơn về nâng cao chất lượng sản phẩm, nhất là áp dụng những kỹ thuật sản xuất mà các thực tập sinh học tập tại Ibaraki để sản phẩm xoài có thể bước chân vào cửa thị trường Nhật Bản. Theo Thống đốc, tại Ibaraki thì giá một trái xoài tương đương 2,5 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ: “Chuyến đi thăm làm việc của đoàn công tác tỉnh Ibaraki với Đồng Tháp được xem là bước mở quan trọng để thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh, tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. Để tiến tới hợp tác sâu rộng, UBND tỉnh sẽ cùng những doanh nghiệp đến thăm và làm việc với Ibaraki nhằm tiến tới thực hiện ký kết 5 vấn đề bàn luận này”...
Có thể bạn quan tâm

Trong những năm gần đây, chưa bao giờ giá sa pô giữ ở mức cao và kéo dài như năm nay. Hiện nay, giá sa pô đang có dấu hiệu giảm nhẹ nhưng vẫn còn khá cao. Trước diễn biến này, nhiều nơi nông dân bắt đầu chọn cây sa pô để thay thế những cây trồng kém hiệu quả khác.

Sau gần 2 năm nuôi thử nghiệm thành công tại Việt Nam, Công ty TNHH Ba Huân và các doanh nghiệp, trang trại nuôi gà đẻ khu vực phía Nam vừa ký hợp tác cung cấp, sản xuất giống gà đẻ thương phẩm Hy – Line.

Anh là người tiên phong, cũng là người giúp nông dân trong xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) nhân rộng mô hình nuôi dông (kỳ nhông) trên cát. Anh là Phạm Khắc Bảo (25 tuổi, thôn Hải Triều, xã Cam Hải Đông) chủ một trại nuôi dông có giá trị lên đến cả tỷ đồng.

Những năm gần đây, trong khi người dân nhiều vùng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị lao đao vì dịch bệnh trên tôm hoành hành thì ở xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Linh, Quảng Trị) người nuôi tôm đều trở nên khá giả với mô hình nuôi tôm sú. Năm 2012, Vĩnh Sơn được đánh giá là địa phương nuôi tôm đạt năng suất và hiệu quả cao nhất tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh (Thạnh Phú - Bến Tre) cho biết, từ khi Dự án 418 khép kín, ngọt hóa, các ấp: Thạnh Bình, An Thạnh, một phần Thạnh Quí B và Thạnh Quí A, người dân làm lúa được một vụ.