Mở Lối Làm Giàu Bằng Tri Thức

Trong khi nhiều thanh niên ở các vùng quê rời quê đi làm ăn xa, một số thanh niên có bằng đại học, cao đẳng cũng đều cố tìm cho mình một công việc ổn định ở các thành phố lớn thì Nguyễn Đức An (30 tuổi), chàng trai vừa tốt nghiệp đại học với tấm bằng kỹ sư đã tự mở lối làm ăn táo bạo cho riêng mình bằng cách xây dựng mô hình trang trại tổng hợp tại vùng đồi quê nhà ở xã Hải Phú, huyện Hải Lăng (Quảng Trị). Sau hơn 3 năm gây dựng, đến nay trang trại của anh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Năm 2007, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Nông Lâm Huế với chuyên ngành chăn nuôi- thú y, anh Nguyễn Đức An may mắn được một công ty hoạt động trong lĩnh vực cung ứng thức ăn gia súc nhận vào công tác, sau đó được điều về địa bàn tỉnh Quảng Trị làm việc. Trong quá trình đi thực tế và tiếp cận với các mô hình chăn nuôi của bà con nông dân, cùng với ý tưởng và khát vọng làm giàu, An đã bàn với gia đình đầu tư xây dựng một trang trại chăn nuôi tổng hợp trên vùng gò đồi xã Hải Phú. Sau khi trình bày ý tưởng và kế hoạch xây dựng trang trại, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cấp cho anh một mảnh đất ở vùng gò đồi thuộc thôn Phú Hưng để lập nghiệp, xây dựng chuồng trại chăn nuôi.
Khi mới xây dựng trang trại vào năm 2010, ban đầu anh đầu tư nuôi 30 lợn thịt và 300 gà Lương Phượng. Ngay lứa đầu tiên, nhờ nắm vững kiến thức về phòng trừ dịch bệnh và giá cả thị trường của lợn, gà cao nên lợi nhuận mang lại được vài chục triệu đồng. Thấy hiệu quả, An mạnh dạn đầu tư thêm gần 600 triệu đồng để mở rộng trang trại và quy mô chăn nuôi. Đến nay trang trại của anh Nguyễn Đức An đã có quy mô gần 1,5 ha với hệ thống chuồng trại khép kín cho mỗi loại vật nuôi.
“Lúc đầu do vốn ít nên mình chăn nuôi nhỏ lẻ, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Sau khi đạt được hiệu quả, có lợi nhuận nên mình từ từ chuyển sang làm gia trại rồi đến trang trại. Đến nay bình quân mỗi năm tổng thu nhập của trang trại mình từ 700 triệu - 1 tỷ đồng, trừ mọi chi phí cho lãi từ 150 - 200 triệu đồng”, An vui vẻ cho biết.
Với những kinh nghiệm sẵn có trong nghề nghiệp, cộng với vốn kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi-thú y nên trang trại của anh An chưa bao giờ xảy ra dịch bệnh. Đàn lợn, đàn gà của anh luôn phát triển tốt. Trong năm 2012, trang trại của anh đã xuất bán được 800 lợn thịt và 6.000 con gà với tổng thu nhập trên 1 tỷ đồng, trừ các khoản chi phí cho lãi ròng gần 200 triệu đồng. Vụ nuôi năm 2013 này, con nuôi trong trang trại của anh An cũng đang phát triển tốt, hứa hẹn mang lại nguồn thu lớn…
“Hồi đầu mới tốt nghiệp về quê nói thật mình cũng có ý định kiếm việc gì đó làm nhàn hạ hơn ở thành phố, phù hợp với chuyên ngành của mình học ở trường. Tuy nhiên cuối cùng mình lại chọn làm trang trại ở quê, ban đầu nhiều người bạn cũng nghi ngại và khuyên bảo mình nhiều lắm nhưng mình vẫn quyết định làm. Mình nghĩ có rất nhiều sự lựa chọn cho thanh niên khi lập thân, lập nghiệp, quan trọng là mình làm thế nào, áp dụng thế nào cho phù hợp mà thôi”, An bộc bạch về quyết định đã dẫn đến thành công của bản thân.
Ông Trương Công Văn, Chủ tịch UBND xã Hải Phú chia sẻ thêm: “Mô hình trang trại của anh An là một mô hình thanh niên đầu tiên của xã có quy mô lớn, làm ăn bài bản, mang lại thành công khá lớn như vậy. Tôi đánh giá cao ý chí, khát vọng của chàng trai này. Đây được xem là mô hình làm điểm để nhân dân, nhất là thanh niên trẻ học tập, nhân rộng. Về phía địa phương cũng tạo các điều kiện thuận lợi nhất trong việc cấp đất cũng như có các chính sách hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi để xây dựng những mô hình tương tự như thế này”.
Có thể bạn quan tâm

Trái cây của vùng ĐBSCL tuy có năng suất, sản lượng đạt cao nhưng chất lượng chưa đồng đều, mẫu mã chưa đạt yêu cầu.

Có những đơn đặt hàng ở thị trường Dubai lên tới 2.000 tấn nhưng doanh nghiệp chỉ đáp ứng được khoảng vài chục tấn.

Ngày 30-10, Sở NN&PTNT phối hợp với UBND huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) tổ chức Hội thảo “Thực trạng và các giải pháp phát triển cây mãng cầu Xiêm huyện Tân Phú Đông”.

Sở Khoa học và Công nghệ vừa tiến hành nghiệm thu dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh tăng hiệu quả sản xuất cây ổi lê Đài Loan ở huyện Bàu Bàng”.

“Những thiệt hại do phân bón giả gây ra cho nông sản Việt Nam thật khủng khiếp, mỗi năm phân bón giả, phân bón kém chất lượng đã làm thiệt hại 2 tỉ USD".