Mô hình từ ruộng vườn đến trường quay tăng lợi nhuận, giảm ô nhiễm môi trường

Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (KN-KN) phối hợp với Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền (Công ty) xây dựng mô hình “Từ ruộng vườn đến trường quay” trên cây lúa tại ấp Trà Nóc, xã Song Lộc, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh.
Mô hình “Từ ruộng vườn đến trường quay” sản xuất tại ấp Trà Nóc, xã Song Lộc có 05 hộ tham gia với diện tích 2,5ha, các giống xác nhận được sử dụng như OM4900, OM545. Trong đó, hộ sản xuất lúa theo mô hình được Công ty hỗ trợ 100% phân bón. Mô hình được ứng dụng theo chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” được cán bộ Trung tâm KN-KN, Công ty tổ chức chuyển giao khoa học - kỹ thuật chăm sóc lúa, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón theo đúng quy trình tiên tiến. Qua hội thảo đánh giá mô hình, nhờ sử dụng đúng quy trình sản xuất, sử dụng giống lúa xác nhận, năng suất lúa bình quân đạt 8,6 tấn/ha, cao hơn ngoài mô hình 1,4 tấn/ha, lợi nhuận gần 25 triệu đồng/ha, cao hơn so với ruộng ngoài mô hình khoảng 05 triệu đồng/ha.
Ông Trần Văn Tuấn tham gia mô hình cho biết: Tham gia mô hình sản xuất lúa thấy khác, trước kia tôi sạ 200kg giống/ha, nay chỉ sạ 100kg/ha. Trước kia tôi bón phân trộn, tỷ lệ trộn cho từng đợt bón chỉ ước chừng, đâu có các chất trung, vi lượng, rồi chất giảm thất thoát đạm, chất tăng hiệu quả sử dụng lân... Bây giờ cứ đến ngày, đúng lịch là rải phân theo các nhà khoa học đã tính toán đủ chất trong phân bón, khuyến cáo, bón đủ lượng. Với 0,5ha thực hiện mô hình, tôi sạ giống lúa OM5451, năng suất lúa đạt 8,6 tấn/ha, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận 25 triệu đồng/ha.
Còn ông Lê Văn Tư tham gia mô hình cho biết: Các hộ tham gia mô hình được Công ty hỗ trợ 100% phân bón và kỹ thuật. Các hộ thực hiện mô hình xuống giống tập trung đúng lịch thời vụ của tỉnh. Nông dân trong mô hình ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật đã được tập huấn vào thực tế sản xuất đạt hiệu quả cao như: Sạ lúa theo hàng, sử dụng giống mới, áp dụng quy trình bón phân hợp lý, quản lý sâu bệnh tốt nên giảm được 50% lượng giống gieo sạ, ứng dụng đúng quy trình bón phân, giảm 02 lần phun thuốc bảo vệ thực vật (chỉ sử dụng 4 lần thuốc trừ sâu bệnh), thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp nên giảm được thất thoát từ 04 - 06%, năng suất đạt cao hơn so với bên ngoài mô hình 1,4 tấn/ha. Gia đình tôi tham gia mô hình với diện tích 0,5ha, sạ giống lúa OM4900, vừa qua thu hoạch lúa đạt 09 tấn/ha, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận gần 26 triệu đồng/ha.
Ông Diệp Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Song Lộc cho biết: Thông qua mô hình đã giúp nông dân áp dụng tốt các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nông dân bắt đầu làm quen với sản xuất lúa theo cách mới, có sổ ghi chép nhật ký đồng ruộng cẩn thận để tính toán chính xác nguồn gốc và chi phí vật tư, thời gian và cách thức chăm sóc cây lúa... mô hình tạo ra không khí sản xuất sôi nổi, gắn kết nông dân với nhau, góp phần quan trọng vào xây dựng nông thôn mới.
Mô hình “Từ ruộng vườn đến trường quay” áp dụng sạ hàng theo phương pháp “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” và áp dụng bón phân theo quy trình của nhà khoa học trong sản xuất lúa chất lượng cao, áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp nên giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng phân bón hợp lý đã góp phần giảm thiểu mức độ ô nhiễm môi trường, đảm bảo cho việc phát triển bền vững các loại cây trồng, vật nuôi, bảo vệ được sức khỏe cho người sản xuất.
Có thể bạn quan tâm

Vấn đề tìm đầu ra cho nông sản đã trở thành một vòng luẩn quẩn trong sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, câu chuyện “được mùa rớt giá”, “được giá mất mùa” cũng là nỗi lo thường trực của nông dân và các ngành chuyên môn.

Thời gian qua, huyện Yên Định đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích người dân trồng rau an toàn, như: Hỗ trợ đất đai, chuyển giao khoa học công nghệ, liên kết đấu mối với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho người dân, quy hoạch thành vùng sản xuất chuyên canh...

7 tháng đầu năm, sản lượng khai thác thủy sản của thị xã đạt 11.566 tấn, bằng 61,5% so với kế hoạch, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2013. Ngoài việc bảo đảm về sản lượng khai thác, nhiều tàu cá với trang thiết bị ngày càng hiện đại đã khai thác được nhiều sản phẩm có giá trị cao như cá ngàng, cá ngừ...

Một trong những mục tiêu của Đề án “tái cơ cấu ngành thủy lợi” là phát triển một nền nông nghiệp chủ động tưới, tiêu theo hướng hiện đại: Đẩy mạnh trên diện rộng các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho các cây trồng cạn chủ lực như càphê, hồ tiêu, chè, cây điều, cây mía, cây ăn quả, rau, hoa…

Trước tình trạng sản xuất manh mún, cung vượt cầu của sản phẩm cá tra và sự thiếu liên kết giữa nhà sản xuất và doanh nghiệp, sự ra đời của Nghị định 36/2014/NĐ-CP được kỳ vọng sẽ góp phần chuẩn hóa ngành nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra từ đầu vào đến đầu ra, mở hướng đi mới, phát tiển bền vững cho toàn ngành.