Mô Hình Trồng Xoài Bao Trái Hiệu Quả Cao

Hiện nay, nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng về cây ăn trái nói chung và xoài nói riêng đang hướng tới chất lượng cao và an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, mô hình trồng xoài bao trái ở thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A đang được đông đảo các nhà vườn áp dụng.
Trước đây, theo truyền thống thì người dân chỉ để xoài cho trái theo mùa. Nhưng hiện nay, các nhà vườn đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác để xử lý cho trái nghịch vụ nhằm bán được giá cao. Tuy nhiên, việc xử lý xoài nghịch vụ cũng gặp nhiều loài dịch hại tấn công. Vì vậy, để hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời bảo vệ được sức khỏe người tiêu dùng, nâng cao chất lượng sản phẩm, một số nhà vườn đã sử dụng túi để bao trái xoài, kết quả đã thu được hiệu quả khá cao. Bà Bùi Thị Sáu, ở ấp 3B, cho biết: “Năm nay, gia đình trồng 3 công xoài cát Hòa Lộc, hiện xoài trong giai đoạn thu hoạch, thương lái vào tận vườn thu mua với giá 30.000đ/kg đối với xoài bao trái, tăng từ 3.000-5.000 đ/kg so với xoài không bao trái. Với 4.200 trái xoài, sản lượng khoảng 1,7 tấn, theo ước tính vụ này có lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng. Vụ xoài vừa qua, vườn xoài của bà Sáu không bao trái, năng suất chỉ đạt khoảng 1 tấn trái, xoài bán với giá 25.000đ/kg, sau khi trừ chi phí gia đình chỉ thu được 18 triệu đồng.Còn ông Bùi Văn Tích, cùng ở ấp 3B, chia sẻ: “Nhờ bao trái xoài mà gia đình tiết kiệm được chi phí sản xuất khoảng 4-5 triệu đồng/vụ. Khi xoài được 45 ngày tuổi thì tôi tiến hành bao trái để tránh sâu bệnh tấn công nên giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật từ 3-5 lần/vụ”. Tuy mới sử dụng túi bao trái cho vụ xoài đầu tiên, nhưng hiệu quả mang lại khá cao vì năng suất và chất lượng xoài được nâng lên, vỏ sáng đẹp, bóng láng không xuất hiện tỳ vết bám bẩn do rầy và rệp gây ra. Bên cạnh đó, xoài sử dụng túi bao trái sẽ giảm được lượng thất thoát sau khi thu hoạch, nhất là do ruồi đục trái. Đặc biệt, kéo dài được thời gian bảo quản nên thương lái mua với giá cao hơn so với xoài không bao trái. Ông Tích dự định đến vụ xoài kế tiếp sẽ mở rộng diện tích và bao trái toàn bộ 5 công xoài của mình để đưa kinh tế gia đình phát triển.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Tổ trưởng Tổ Kỹ thuật nông nghiệp thị trấn Bảy Ngàn, cho biết: Tổng diện tích trồng xoài của toàn thị trấn khoảng 120ha, chủ yếu tập trung ở các ấp 2A, 2B, 3B. Trung bình năng suất đạt từ 5-7 tấn/ha. Hiện nay, địa phương đang kết hợp với Trường Đại học Cần Thơ tổ chức hội thảo triển khai mô hình bao trái xoài cho khoảng 60 nông dân ở thị trấn và xã Tân Hòa để mọi người nhận biết được những ưu điểm mà mô hình mang lại. Đồng thời, trong thời gian tới ngành sẽ kết hợp với Trạm khuyến nông, Phòng nông nghiệp huyện tổ chức buổi trình diễn để khuyến khích, tuyên truyền, vận động các nhà vườn tham gia nhân rộng mô hình nhằm thu được hiệu quả cao trong quá trình canh tác. Lúc đầu, đối với địa phương đây là mô hình mới, lạ do đó mọi người còn lo ngại, chưa an tâm. Nhưng sau vụ xoài nghịch vừa qua, nhận thấy được hiệu quả từ việc sử dụng túi bao trái, các nhà vườn đã phấn khởi và hưởng ứng cao. Theo đánh giá của các nhà khoa học, việc áp dụng mô hình bao trái không chỉ giúp cho nhà vườn tiết kiệm được chi phí sản xuất, còn tăng chất lượng của trái, bảo vệ được sức khỏe cho bà con nông dân, hạn chế được ô nhiễm môi trường.
Có thể bạn quan tâm

Mô hình nuôi tôm quảng canh truyền thống trong thời gian qua gặp nhiều rủi ro do thời tiết, dịch bệnh. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu sản xuất của Huyện ủy Năm Căn, năm 2012, UBND xã Hàng Vịnh (Cà Mau) phát động nhân dân thực hiện mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến.

Ngày 01-3, tại xã Nhơn Hải (Ninh Hải), Ban quản lý Dự án Cạnh tranh nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Trung tâm tư vấn và phát triển công nghệ (Viện nghiên cứu bông và phát triển nông nghiệp Nha Hố) tổ chức Hội thảo đầu bờ Mô hình sản xuất tỏi theo hướng an toàn.

Ngày nay, trong sản xuất nông nghiệp, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Long An đã biết hạn chế sử dụng thuốc hóa học, chuyển sang hướng sinh học có lợi hơn cho môi trường. Họ đã không ngại khó, chủ động nuôi nấm xanh để phòng trừ rầy nâu trên lúa, góp phần giảm chi phí, nâng cao giá trị sản phẩm trong sản xuất.

Những năm qua, phong trào nuôi trồng thủy sản ở Kiến Xương (Thái Bình) ngày càng phát triển với nhiều đối tượng vật nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó phải kể đến ba ba. Nhờ mạnh dạn đưa ba ba vào nuôi, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Ngày 5-10, UBND TP Phan Rang – Tháp Chàm (Ninh Thuận) đã tổ chức lực lượng cưỡng chế, tháo dỡ hàng loạt bè nuôi tôm trái phép tại khu vực gần bãi tắm Bình Sơn - Ninh Chữ.