Mô Hình Trồng Rau Bó Xôi Thu Bạc Tỉ

Nhà ở TP.Đà Lạt, nhưng ông Nguyễn Văn Thi (44 tuổi) đã vào tận vùng rừng núi thuộc thôn Đạ Nghịt (Xã Lát, Lạc Dương, Lâm Đồng) trồng rau bó xôi, thu tiền tỉ mỗi năm.
Ông Thi cho hay, hơn 15 năm trước, ông cùng gia đình sống bằng nghề trồng rau, cây rau bó xôi vốn gắn bó với ông từ nhỏ. Dù vậy, tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” cứ lặp đi lặp lại, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Đã vậy, khi lập gia đình, bố mẹ cho mượn 3 sào đất để sản xuất cũng bị giải tỏa, ông đành cùng vợ đi buôn bán rau kiếm sống. Gom góp được ít vốn, năm 1999, ông vào thôn Đạ Nghịt tìm mua đất sản xuất.
“Thời gian này giá cà phê đang xuống rất thấp, nên mình mới dễ tìm mua được 1,2 ha đất đang trồng cà phê khoảng 5 năm tuổi của một gia đình nông dân ở đây.
Lúc ấy, vùng đất này còn hẻo lánh, nên khi mình vào tìm mua đất, bà con nội ngoại ai cũng phản đối, nói mình bị hâm hay sao mà vào tận đây. Tuy nhiên, mình nghĩ có đất rồi sẽ có tất cả, nên quyết tâm mua. Mua xong hết vốn, mình cho chủ đất cũ mượn đất sản xuất tiếp, còn mình về tiếp tục đi buôn và 3 năm sau mới lấy lại đất đầu tư trồng rau bó xôi”, ông Thi kể lại.
Vào mùa nắng, cây phát triển tốt, nhưng vào mùa mưa thì cây bị dập tơi tả, hỏng hết. Ông tìm hiểu kinh nghiệm các mô hình trồng rau bó xôi khác và nhận thấy nhiều người thành công khi trồng rau trong nhà kính. Gom góp tiền và mượn thêm của người thân, ông đầu tư 7 sào nhà kính để trồng và dần dần thành công.
Đến nay ông đã hoàn thiện cả 1,2 ha nhà kính, phần lớn có khung bằng sắt và hệ thống tưới tự động với vốn đầu tư lên đến hơn 1 tỉ đồng. Có nhà kính, trồng rau theo mô hình sạch đã khó khăn nhưng để ổn định đầu ra còn khó hơn. Sản phẩm của ông chủ yếu vẫn phải chuyển về bán ở TP.HCM, thu nhập bấp bênh.
“Thậm chí có lần mình giao hàng cho một đầu mối rồi bị họ xù mất sạch hơn 300 triệu đồng. Chán nản nhưng vẫn phải làm, đến năm 2007 tình cờ gặp người quen giới thiệu, rau bó xôi của mình vào được hệ thống METRO ở TP.HCM, hai năm sau siêu thị Big C cũng tìm đến đặt hàng, từ đó đến nay đầu ra luôn ổn định”, ông Thi nói.
Vừa trồng vừa rút kinh nghiệm, ông Thi đã tìm ra quy trình trồng rau bó xôi tốt nhất. Hiện mỗi ngày ông cung cấp 600 - 700 kg rau bó xôi cho hệ thống hai siêu thị này. Nhờ đó, mỗi năm ông thu về hơn 1 tỉ đồng tiền lãi, tạo việc làm cho 15 lao động với mức lương 4 - 5 triệu đồng/tháng.
Có thể bạn quan tâm

Thuộc nhóm những mô hình phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá có hiệu quả cao trên địa bàn xã Bảo Nhai (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai), mô hình chăn nuôi thỏ sinh sản của gia đình anh Phạm Lê Binh, thôn Khởi Xá Ngoài là một trong những điển hình trong cách tư duy, cách làm mới, được cấp ủy chính quyền địa phương đánh giá cao.

Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do rệp sáp bột hồng trên cây mì gây ra, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành kết hợp cùng Chi cục BVTV tỉnh Tây Ninh tổ chức thả ong ký sinh để phòng trừ rệp sát bột hồng.

Anh Phạm Văn Hùng, ngụ ấp Thanh An, xã Thanh Lương (TX. Bình Long, Bình Phước) đã thành công với mô hình trồng xen cây chanh trong hơn 2 ha cao su của gia đình. Nhờ nắm bắt kỹ thuật, chăm sóc tốt nên chanh luôn đạt năng suất và cho thu nhập cao.

Sam biển là một loại đặc sản vùng biển được nhiều thực khách ưa thích do lạ mắt, thịt ngon chẳng kém gì cua. Tuy nhiên, khi vào mùa sam biển có nhiều trường hợp ăn nhầm “so biển” (có hình dạng gần giống sam biển, mang chất độc) dẫn đến bị ngộ độc, thậm chí bị tử vong.

Tính đến tháng 2.2014, tổng đàn gia súc của huyện Đồng Văn có trên 70.800 con đang phát triển ổn định. Mặc dù trải qua nhiều đợt rét đậm, rét hại kéo dài, nhiều vùng còn có băng giá, tuyết rơi, song toàn huyện không có trâu, bò bị chết do đói, rét. Kết quả đó là do huyện Đồng Văn đã có kế hoạch, phương án triển khai phòng, chống rét cho gia súc hiệu quả, được người dân hưởng ứng thực hiện.