Mô Hình Trồng Dưa Hấu Xen Cao Su Ở Tân Phú (Nghệ An)

Đến xã Tân Phú (huyện Tân Kỳ - Nghệ An) những ngày cuối tháng 4, dưới ánh nắng vàng trải đều trên những cánh đồng dưa nằm xen giữa những vườn cao su, dẫn chúng tôi đi, anh Hồ Sỹ Vân - Chủ tịch xã vui mừng cho biết: "Thêm một vụ dưa hấu mang lại thu nhập cao cho người nông dân, khi thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đây là năm thứ hai, người dân Tân Phú trồng dưa hấu xen cao su".
Dừng chân cánh đồng dưa hấu trải dài bên cạnh những dãy cao su mới trồng của gia đình anh Trần Xuân Công ở xóm Tân Yên, giới thiệu với chúng tôi, anh Công cho biết: Hai năm trước, 2 ha đất của gia đình anh nhận khoán của Công ty Nông nghiệp nông trường Sông Con để trồng cao su chuẩn bị cho thu hoạch. Nhưng do mưa lớn, làm đỗ gãy cao su. Gia đình anh mất trắng. Anh trăn trở tìm hướng đi mới để có thêm thu nhập khi cây cao su còn nhỏ, mà không làm ảnh hưởng đến chất lượng đất. Bắt tay làm lại từ đầu, hiện nay, 1.100 cây cao su của gia đình anh Công mới được 1 năm tuổi, đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản.
Qua học hỏi kinh nghiệm, anh quyết định trồng dưa hấu xen lẫn cao su. Năm 2011, anh trồng thử nghiệm dưa hấu ở vùng đất trống xen cây cao su. Dù chỉ làm thời vụ với mục đích chính là tận dụng đất đai, năm qua, gia đình anh Công đã có một vụ dưa bội thu, dưa vừa được mùa vừa được giá, thương lái tìm đến tận vườn thu mua, mang lại cho gia đình anh trên 50 triệu đồng. Vụ dưa thứ hai, anh quyết định đầu tư 40 triệu đồng tiền giống, phân bón trồng dưa hấu trong diện tích trồng cao su. Ngoài ra, còn trồng xen cây dứa dưới các gốc cao su, tận dụng đất trống lúc cây cao su chưa khép tán vừa tạo đường đồng mức chống xói mòn cho cây. Vụ thu hoạch vừa qua, gia đình anh Công thu nhập 100-150 triệu đồng từ cây dưa hấu, cộng thêm cây dứa trồng xen 1 năm cũng bán được 50 triệu đồng. Tổng thu nhập từ 1ha trồng xen gia đình anh thu về 200 triệu đồng!
Khi những vườn cao su còn chưa vươn cao, người dân Tân Phú cũng đã tận dụng những vùng đất trống trồng xen dưa hấu, dứa và các loại cây ngắn ngày. Toàn xã Tân Phú hiện có gần 560 ha trồng cây cao su, trong đó diện tích cao su đã đưa vào kinh doanh khai thác là 250 ha. Còn lại hơn 200 ha đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản, một số diện tích mới được trồng lại sau cơn bão số 3 năm 2010. Anh Nguyễn Ngọc Thuần - Trưởng Ban Nông nghiệp xã Tân Phú cho biết: "Cao su là cây công nghiệp dài ngày, thời gian kiến thiết cơ bản từ lúc mới trồng cho đến khi khai thác mủ lần đầu khá dài, thường phải mất 5 - 6 năm.
Do trồng ở những nơi đất có tầng dày, giàu mùn và dinh dưỡng, thời gian này, khi cao su chưa khép tán rất thuận lợi cho việc trồng xen canh thêm nhiều loại cây trồng khác nhằm tăng thêm thu nhập". Từ đặc điểm đó, năm 2011, xã Tân Phú đã chỉ đạo triển khai mô hình trồng xen dưa trên 130 ha cao su trong thời kỳ kiến thiết cơ bản. Hiện nay, ở Tân Phú, hộ trồng dưa nhiều nhất từ 2 ha trở lên, hộ ít cũng có 5 sào. Diện tích trồng dưa xen cao su nằm tập trung ở các xóm Tân Phong, Yên Lương, Tân Xuân, Tân Yên… Dưa hấu là một loại cây mới lần đầu tiên đưa vào đồng đất Tân Phú, vì thế trước lúc triển khai đề án, xã đã mở các lớp tập huấn về KHKT, hướng dẫn cách trồng, chăm bón và phòng trừ sâu bệnh trên cây dưa cho bà con nông dân. Ban Nông nghiệp và các ban, ngành, đoàn thể tập trung xuống các xóm chỉ đạo bà con xã viên xây dựng mô hình.
Giống dưa hấu mà xã Tân Phú chọn trồng là giống Phù Đổng, quả to, có trọng lượng 5 - 6 kg, ruột đỏ, vị ngọt đậm, thương lái các nơi tìm đến thu mua ngay tại ruộng với giá khá cao. Dưa hấu là giống cây sinh trưởng ngắn ngày, thời tiết thuận lợi nên chỉ khoảng 3 tháng sau, bà con đã có thu hoạch. Trung bình một sào dưa chi phí đầu tư khoảng 6 - 7 trăm ngàn đồng gồm giống và phân bón, không tính công làm đất và chăm sóc, vì nếu thời gian này không trồng và chăm sóc dưa thì bà con cũng phải mất công làm cỏ cho cao su.
Với 130 ha trồng dưa xen cao su, năng suất đạt 13 tấn/ha, vụ dưa vừa qua xã Tân Phú đã thu về 12 tỷ đồng, bình quân 1 ha đạt 100 - 150 triệu đồng. Hiệu quả từ cây dưa hấu trồng xen trên đất cao su đã được khẳng định, thời gian tới địa phương tiếp tục khuyến khích người dân mở rộng mô hình này, nhất là trong điều kiện quỹ đất của địa phương ngày càng hạn hẹp.
Có thể bạn quan tâm

Sau 2 năm thực hiện chuyển giao công nghệ, hỗ trợ giống và tập huấn kỹ thuật trồng nấm ăn, nấm thương phẩm cho bà con một số xã trong huyện Điện Biên, giúp bà con phát triển mô hình trồng nấm tại nhà, đến nay mô hình trồng nấm hộ gia đình theo hướng dẫn của Trung tâm Nấm (thuộc Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Điện Biên) đã phát huy hiệu quả.

Từ năm 2010, giống thanh long này mới được một số gia đình ở huyện Xuyên Mộc đưa về trồng thử đến nay đã phát triển ra nhiều hộ trồng với quy mô lớn. Nhìn chung, giống thanh long “Long Định 1” thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh, sinh trưởng tốt, ra hoa tập trung và có tỷ đậu trái cao, chất lượng hơn hẳn giống thanh long thông thường.

Một hai năm trở lại đây, tình hình xuất khẩu ở tỉnh không thuận, nhất là ở nhóm hàng nông, thủy sản. Việc sụt giảm kim ngạch, gián đoạn thị trường hoặc mất thị trường đã xảy ra.

Qua kiểm tra, phần lớn các cơ sở đều chấp hành các quy định của pháp luật, tuy nhiên, đoàn cũng đã nhắc nhở 4 cơ sở cần phải thường xuyên kiểm tra lại hàng hóa, kịp thời phát hiện các mặt hàng đã hết hạn sử dụng để tiêu hủy hoặc trả về cho doanh nghiệp, đồng thời niêm yết giá đúng theo thị trường, mua bán phải xuất hóa đơn, chứng từ rõ ràng, tránh mua bán các mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và Tiêu thụ rau an toàn xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự đang liên kết tiêu thụ với Siêu thị Vinafood Mart TP.Cao Lãnh với số lượng 30 - 50kg rau củ an toàn các loại mỗi ngày. Đồng thời, đơn vị cũng hướng đến hợp đồng cung cấp nông sản cho Siêu thị Coop Mart TP.Hồ Chí Minh với số lượng vài chục kí rau màu mỗi ngày.