Mô hình trồng chuối già cấy mô cho lợi nhuận cao

Sau hơn 1 năm trồng thí điểm, các hộ trồng chuối già cấy mô đã thu hoạch được hơn 30 tấn chuối từ khu đất rộng 2 ha. Ông Võ Văn Đời ở ấp 3, xã Thới Hưng phấn khởi, cho biết: "Tham quan mô hình thực tế, tôi thấy rất hiệu quả, nên mạnh dạn mua 3.000 cây chuối giống về trồng trên diện tích 2 ha, chi phí ban đầu bỏ ra khoảng 70 triệu đồng. Sau 10 tháng trồng, chuối bắt đầu cho thu hoạch, được thương lái đến tận vườn thu mua với giá 4.200 đến 4.500 đồng/kg. Tính ra, nếu thu hoạch thêm 20 tấn nữa sẽ cho lợi nhuận trên 150 triệu đồng".
Theo ông Đời, mỗi héc-ta chuối bỏ ra chi phí đầu tư từ 35 đến 40 triệu đồng. Chuối sau khi thu hoạch xong, các bụi tiếp tục cho chuối non nên chỉ khoảng 6 tháng sau là có thể thu hoạch đợt tiếp theo. Vì thế trồng một lần nhà vườn thu hoạch được đến hơn 2 năm. Trung bình mỗi bụi chuối sẽ cho sản lượng từ 6 - 7 buồng, năng suất từ 20 - 25kg/buồng. Nhờ vậy những đợt sau tiết kiệm đến 50 đến 60% chi phí.
Cũng nhờ cây chuối mà với diện tích đất khiêm tốn vẫn cải thiện được cuộc sống gia đình, ông Đặng Hồng Thảo có 300 bụi chuối, vui mừng cho biết: "Trồng chuối này đem lại nguồn lợi nhuận cao gấp 3 – 4 lần so với trồng lúa, đến đợt thu hoạch là có thương lái tới tận vườn thu mua. Bán với giá 4.000 đồng/kg là nhà vườn đã có lãi. Chuối không chỉ được thương lái nội địa thu mua mà còn có doanh nghiệp mua xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc".
Nói về kỹ thuật trồng chuối cấy mô, ông Đời chia sẻ: "Sau khi làm đất và bón phân lót, tiến hành trồng chuối theo hàng với khoảng cách mỗi hàng 2 – 2,5m, cây cách cây 2m. Sau khi trồng, cách nhau 3 ngày sẽ tưới nước để giữ ẩm cho cây. Để chuối ra buồng đạt chất lượng như mong muốn thì nên tiến hành tỉa chồi và bẻ bắp khi trổ buồng".
Để triển khai cho nông dân, cán bộ, đảng viên xã được triển khai thực hiện trước để làm gương, khi hiệu quả sẽ nhân rộng cho bà con. Hiện sản lượng chuối được trồng ở Thới Hưng đều được doanh nghiệp ở Đồng Nai ký hợp đồng mua xuất khẩu với giá thấp nhất là 4.000 đồng/kg, đảm bảo người trồng chuối có đầu ra và lợi nhuận. Không những vậy, các hộ trồng chuối còn được hỗ trợ giống. Tuy nhiên chuối phải được trồng theo quy hoạch và xuống giống đồng loạt để thu hoạch cùng lúc.
Nói về hiệu quả bước đầu từ việc trồng chuối cấy mô mang lại, ông Phạm Thanh Hồng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thới Hưng, cho biết: "Chuối già cấy mô mang lại hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương nên đầu năm 2014, Đảng ủy, UBND xã đã tổ chức cho một số cán bộ, nông dân sản xuất giỏi đi tham quan mô hình trồng chuối cấy mô tại Đồng Nai. Qua khảo sát thấy đây là mô hình dễ thực hiện và đạt hiệu quả cao, Hội Nông dân đã triển khai thì có 19 hộ đăng ký tham gia thực hiện mô hình với diện tích 20 ha để làm điểm, đến nay loài cây này cho nguồn thu nhập ổn định. Hiện địa phương đang chuẩn bị mở rộng thêm 100 ha nữa".
Có thể bạn quan tâm

Mùa sau nên trồng gì để “được mùa - tốt giá”, làm cách nào để nâng cao chất lượng sản phẩm, đủ chuẩn xuất khẩu, thương lái và các doanh nghiệp hỗ trợ thu mua giá cao, không phụ thuộc vào thương lái Trung Quốc? Những câu hỏi thường trực đó rất nhiều nông dân phải xoay xở giải đáp khi chuẩn bị bắt tay vào vụ mùa kế tiếp ngay khi tình hình xuất khẩu nông sản từ đầu năm đến nay còn gặp nhiều khó khăn…

Đầu tư hơn 50 triệu đồng chi phí giống và vật tư ban đầu, sau hơn 2 năm trồng thử nghiệm, đến nay vườn thanh long ruột đỏ của gia đình bà Lê Thị Nguyệt, ở khu phố 3, phường 1, thị xã Quảng Trị đã bắt đầu cho thu hoạch với năng suất, sản lượng cao. Bà Nguyệt ước tính dự kiến vụ này sẽ thu về gần một tấn quả, lợi nhuận từ loại cây trồng kinh tế này mang lại cho gia đình nguồn thu đáng kể.

Hiện một ký cá, tôm phải chịu gần 10 loại phí khác nhau trước khi lên tàu xuất khẩu đi các thị trường - đó là ý kiến phản ánh của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) trong công văn gửi Bộ Công thương.

Mấy ngày này, đi từ hướng thành phố Tây Ninh về Bến Cầu, vừa qua cầu Gò Chai chừng trăm mét, nhìn hướng tay phải tỉnh lộ 786, nhiều người thấy một vùng xanh um điên điển, lại thấy lấp loá ánh vàng của những chùm hoa vừa nở. Nếu để ý kỹ, người qua đường sẽ thấy vùng điên điển này gồm nhiều hàng thẳng tắp, như được trồng tỉa chứ không phải mọc tự nhiên trong mùa nước nổi như một số nơi khác.

Theo một số hộ dân ở Cam Lâm (Khánh Hòa), nuôi sá sùng kết hợp với một vài đối tượng khác trong ao không mất nhiều công chăm sóc và chi phí, lại có thêm thu nhập. Tuy nhiên, họ chưa mặn mà bởi không chủ động được khâu thu hoạch...