Mô Hình Trồng Cây Tam Thất Ở Xã Ninh Ích (Khánh Hòa)

Xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) là địa phương có nhiều vùng đất cát, trồng hoa màu kém hiệu quả. Tận dụng những vùng đất nhỏ, trồng hoa màu không hiệu quả nhiều hộ dân ở xã Ninh Ích đã trồng cây tam thất để tăng thu nhập.
Tam thất là cây thuốc thuộc họ Ngũ gia bì, có nhiều tác dụng, được dùng trong ngành dược liệu và có giá trị kinh tế. Mặc dù là cây có thời gian sinh trưởng ngắn, nhưng nông dân vẫn chưa mạnh dạn mở rộng diện tích trồng bởi việc khó khăn về đầu ra.
Không có nhiều diện tích để trồng hoa màu, năm 2010 khi phong trào trồng tam thất ở xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa phát triển, ông Nguyễn Dâng đã trồng vài chục gốc. Sau 1 năm trồng, cây tam thất sinh trưởng tốt, ra nhiều củ. Đến nay, ông Dâng đã trồng được hơn 100 gốc.
Tam thất là cây thân mềm, rất dễ sống, có thể trồng bằng củ hay cây con ở những nơi đất cát, xốp, có nhiệt độ thoáng mát, ít nắng. Chỉ cần đặt xuống đất mềm, tưới ít nước là cây sống. Nếu chăm sóc, bón phân thì cây lớn nhanh, củ to. Trồng dưới 1 năm, củ có thể đạt 1,5 lạng; hơn 1 năm, nếu đất tốt có thể đạt 2 - 3 lạng.
Mỗi năm ông thu hoạch từ 40-50 kg củ. Với giá bán từ 350.000-400000 đồng/kg sau khi trừ chi phí, ông Dâng thu lãi 300.000 đồng/kg. Ngoài việc bán củ, ông Dâng còn có thêm nguồn thu từ việc bán lá và hoa của cây tam thất.
Ông Nguyễn Dâng cho biết trồng xuyên tam thất hiệu quả bởi nó chịu được đất cát biển, có lợi thế là ở gò cao, đất cao trồng cũng được, miễn sao đừng để thúi rễ chết cây. Nếu dùng cây con, cây mẹ củ kết cục lại, chỉ cần tách nhẹ củ sẽ rời ra. Trồng bằng củ thì chú ý cắt củ thành từng phần nhỏ phải còn liền da thì mới nảy mầm ra cây con.
Ở Ninh Ích, vùng đất thuộc các thôn: Ngọc Diêm, Tân Thành, Tân Ngọc là những nơi có nguồn gốc đất cát ven biển, rất thích hợp cho việc trồng loại cây này. Ở khu vực này, xuyên tam thất cho cây tương tốt, củ to. Hiện toàn xã có gần 1 ha trồng tam thất phần lớn trồng trong đất vườn, một số hộ trồng quy mô bằng cách lên luống để phát triển kinh tế gia đình.
Do thời gian sinh trưởng nhanh, có giá trị về kinh tế nên xuyên tam thất là cây được xem là có tiềm năng xóa đói giảm nghèo cho người dân. Mặc dù có nhiều ưu điểm về đất đai, điều kiện thỗ nhưỡng nhưng hiện tại diện tích trồng xuyên tam thất ở địa phương này vẫn chưa được mở rộng bởi đầu ra của sản phẩm khá bấp bênh phụ thuộc vào thương lái, giá cả thị trường.
Ông Trương Quốc Tường – Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Ích – thị xã Ninh Hòa khẳng định nếu mô hình này có đầu ra ổn định thì hiệu quả sẽ nhanh thấy bởi cây này rất dễ trồng. Đất đai thỗ nhưỡng ở Ninh Ích không trồng lúa được thì có thể chuyển sang trồng tam thất.
Trong y học cổ truyền, các bộ phận của cây tam thất đều được dùng làm thuốc. Ngoài củ tam thất là một loại dược liệu quý, hạt tam thất dùng để làm giống, hoa tam thất dùng làm trà thanh nhiệt, rễ tam thất cũng có giá trị kinh tế rất cao.
Chính từ ưu điểm của mô hình này mà Hội Nông dân xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa đang xem xét để khuyến khích người dân gây trồng như một nguồn lợi để phát triển kinh tế. Tuy nhiên nếu không có chính sách khuyến khích, hỗ trợ, thông tin về sản phẩm, giá cả thị trường thì cây tam thất cũng như nhiều nông sản khác sẽ rơi vào tình trạng được mùa mất giá.
Có thể bạn quan tâm

Kiểm soát độc quyền, nâng cao cạnh tranh lành mạnh trong thị trường thức ăn chăn nuôi và có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi nhỏ là những kiến nghị được đưa ra tại hội thảo “Cấu trúc ngành chăn nuôi và lợi ích của người chăn nuôi nhỏ tại Việt Nam” diễn ra sáng nay (18/11), tại Hà Nội.

Gia đình ông Vũ Quang Huy ở thôn 14 hiện có hơn 1.000 trụ tiêu và 1 ha đất trồng các loại cây ngắn ngày; hàng năm, luôn có mức thu nhập từ 600 triệu đồng trở lên. Về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, theo ông Huy thì đối với tiêu, nếu như trước đây thường có tâm lý bón phân, phun xịt thuốc bảo vệ thực vật một cách tràn lan thì nay, cách làm của gia đình đã khác.

Sau 5 tháng triển khai nuôi, tỉ lệ cá sống đạt 90%, trọng lượng đạt 0,5 kg/con, lợi nhuận đạt 20 triệu đồng/sào. Trong quá trình nuôi, các hộ dân đã tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật. Cán bộ của Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư thị xã Gia Nghĩa đã phổ biến kỹ thuật và phát tài liệu về kỹ thuật nuôi một số loại cá cho các hộ dân và khuyến nông viên.

Xã Mường Mùn, huyện Tuần Giáo có 2.300ha rừng, chủ yếu là rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Hầu hết diện tích rừng nằm trong khu vực phòng hộ sông Đà nên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần bảo vệ môi trường sống con người... Những năm qua xã Mường Mùn luôn xác định bảo vệ và phát triển rừng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của chính quyền và nhân dân trên địa bàn.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, những năm qua, huyện Điện Biên Đông luôn nỗ lực chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) cho người dân. Thông qua các hình thức chuyển giao đào tạo, bồi dưỡng; trực tiếp hướng dẫn nông dân áp dụng KHKT vào sản xuất thông qua các mô hình trình diễn... Đó là yếu tố quan trọng nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.