Mô Hình Tổ Hợp Tác Trong Chăn Nuôi Vịt Thịt Năng Suất Cao Theo Hướng An Toàn Sinh Học

Anh Phan Thanh Bình Ấp Mỹ Á, xã Núi Voi, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang thành lập trang trại chăn nuôi vịt từ năm 2003 trên diện tích khu đất 20.000 m2. Trong đó: có 2 ao thả vịt, với diện tích mặt nước ao là 12.000 m2, còn lại là diện tích chuồng trại, sân chơi cho vịt và bờ rào.
Trong chuồng nuôi thường xuyên trung bình 3000 con vịt giống bố, mẹ siêu thịt để lấy trứng và ấp tại cơ sở của mình; trung bình sản xuất 200.000 trứng/năm và ấp nở ra 110.000 vịt con. Nguồn vịt giống này cung cấp cho bà con chăn nuôi quanh vùng. Bên cạnh đó, anh nuôi thêm vịt hướng thịt với số lượng dao động từ 1.000 – 4.000 con/lứa và nuôi gối đầu nhau, mỗi lứa cách nhau từ 2 tuần đến 1 tháng, vì thế tôi thường xuyên có vịt xuất chuồng. Quy mô đàn lớn hay nhỏ tùy thuộc vào ước tính thời điểm giá cả vịt thịt cao hay thấp mà tăng hay giảm đàn.
Đặc biệt anh kết hợp thả cá tra nuôi lấy thịt bình quân 100.000 con/đợt trong 2 ao, nhằm tận dụng thức ăn rơi vải, phân của vịt và làm sạch môi trường nước, giúp giảm chi phí xử lý nước trong ao. Trong suốt 12 tháng nuôi cá anh chỉ cho cầm chừng (cung cấp ít thức ăn cho cá) ăn tăng cường vào những lúc giảm đàn vịt và cho ăn thúc trước khi thu hoạch 2 tháng. Theo phương pháp nuôi như trên, hàng năm sau khi trừ chi phí anh còn lãi bình quân 150 triệu đồng.
Qua thực tế sản xuất trên lĩnh vực chăn nuôi vịt thịt, anh nhận thấy để tạo được sức mạnh và giảm bớt rủi ro thì các hộ chăn nuôi phải tập hợp lại với nhau, nhằm giảm bớt chi phí, giảm giá thành sản phẩm và tăng lợi nhuận cho người chăn nuôi. Từ đó, anh nảy sinh ý tưởng thành lập tổ hợp tác chăn nuôi vịt Thuận Lợi, vào ngày 9/2/2009. Ban đầu chỉ có 3 thành viên, sau đó nhiều hộ quanh vùng thấy được hiệu quả hoạt động của tổ, nên xin gia nhập và hiện nay có 15 thành viên.
Thành viên của Tổ là những hộ chăn nuôi vịt thịt theo hướng an toàn sinh học, tức là nuôi theo hình thức tập trung có kiểm soát chặt chẽ về vệ sinh thú y và tiêm phòng nghiêm ngặt. Quy mô chăn nuôi của mỗi hộ từ 300-500 con vịt/đợt. Tổ hợp tác được thành lập trên cơ sở những hộ chăn nuôi có cùng mục tiêu cung cấp cho thị trường sản phẩm thịt vịt an toàn, giảm thiểu rủi ro và tăng tối đa lợi nhuận. Thành viên của Tổ nằm rải rác ở các xã Núi Voi, Tân Lập, An Cư, An Nông và thị trấn Nhà Bàng của huyện Tịnh Biên.
Theo ý kiến của các tổ viên thì nghề chăn nuôi vịt của họ rất bấp bênh, rủi ro cao cả về kỹ thuật lẫn giá cả đầu ra. Nhưng từ khi tham gia tổ hợp tác được chia sẻ kinh nghiệm và được giúp đỡ kỹ thuật của cán bộ chăn nuôi thì vịt nuôi mau lớn và tỷ lệ hao hụt rất thấp. Đặc biệt, tiết kiệm khoảng chênh lệch về con giống, thức ăn, thuốc thú y, … do mua với số lượng lớn, nhờ đó mà giảm giá thành sản phẩm. Hơn nữa, do kết hợp nhiều hộ nên bán sản phẩm cho thương lái lớn với giá cả cao hơn từ 1.000-3.000đồng/kg vịt thịt, do đó lợi nhuận của các tổ viên tăng lên rất đáng kể.
Để tìm hiểu thêm về mô hình này, xin liên hệ anh Phan Thanh Bình, Ấp Mỹ Á, xã Núi Voi, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, điện thoại di động: 0913197069 hay email: vitcon_online4818@yahoo.com.
Có thể bạn quan tâm

Do hiệu quả kinh tế của việc trồng lúa vụ xuân hè không cao nên nhiều hộ gia đình ở các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang... đã thay thế vụ lúa xuân hè hoặc hè thu sớm bằng một vụ đậu nành sau khi thu hoạch lúa đông xuân.

Sau thắng lợi của vụ tôm năm 2011, năm 2012 diện tích thả nuôi tôm càng xanh mùa lũ ở huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) đã tăng lên. Cụ thể, năm 2012 toàn huyện có 185,66 ha thả nuôi tôm, tăng 34 ha tập trung các xã: Mỹ An Hưng B, Vĩnh Thạnh... Tuy nhiên, năm nay vụ tôm càng xanh mùa lũ ở huyện đạt năng suất thấp, nhiều hộ nuôi không có lời, thậm chí bị thua lỗ.

Do nhu cầu tiêu thụ trên thị trường và giá bán trái cao nên thanh long ruột đỏ đang được nhà vườn đầu tư phát triển làm nhánh giống trở nên khan hiếm. Nhánh thanh long giống ruột đỏ nhà vườn bán với giá từ 3.000 - 4.000 đồng/nhánh có kích thước từ 30 - 40 cm. Thương lái mua trái tại nhà vườn với giá từ 23.000 - 24.000 đồng/kg, vào thời điểm hút hàng, giá cao nhất là 52.000 đồng/kg.

Xu hướng nông nghiệp đô thị ngày càng phát triển, tiếp thu những ứng dụng hiệu quả trong chăn nuôi, trang trại (TT) ông Trần Văn Lý (ấp 1, xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo) đã bắt đầu ứng dụng đệm lót sinh học trong nuôi heo, góp phần tích cực vào việc hạn chế ô nhiễm môi trường, bảo đảm an toàn dịch bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng khả năng cạnh tranh về giá thành.

Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh Quảng Ninh đã đặt ra mục tiêu đến năm 2015 có từ 40-60 sản phẩm địa phương được thương mại hóa, đáp ứng yêu cầu của quá trình xây dựng “Mỗi làng một sản phẩm”. Theo đó, rất nhiều địa phương trong tỉnh đã khai thác các tiềm năng, thế mạnh để phát triển các nghề nuôi, trồng đưa những loại đặc sản trở thành thương phẩm trên thị trường. Trong số đó, có nghề nuôi rắn ở xã Thống Nhất (Hoành Bồ).