Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Mô Hình Phát Triển Lâm Nghiệp Bền Vững Tại Ban Quản Lý Rừng Phòng Hộ Lang Chánh

Mô Hình Phát Triển Lâm Nghiệp Bền Vững Tại Ban Quản Lý Rừng Phòng Hộ Lang Chánh
Ngày đăng: 15/11/2014

Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp, đổi mới các nông lâm trường, từ năm 2006, Lâm trường Lang Chánh được chuyển thành Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Lang Chánh (gọi tắt là BQL) với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và tổ chức sản xuất, kinh doanh trên diện tích 8.850,08 ha rừng và đất lâm nghiệp (trong đó có 3.936,838 ha rừng sản xuất, còn lại là rừng phòng hộ).

Việc chuyển từ một doanh nghiệp Nhà nước sang một đơn vị sự nghiệp có thu đã tạo điều kiện thuận lợi mở ra hướng phát triển mới về lâm nghiệp tại BQL. Điểm nhấn là mô hình tổ chức, quản lý, kinh doanh rừng bền vững đang được triển khai hiệu quả tại đơn vị.

Có thể xem mô hình phát triển lâm nghiệp bền vững tại BQL là một quy trình khép kín, liên tiếp từ khâu ươm giống đến trồng rừng, chăm sóc, khai thác, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ rừng trồng sản xuất. Quy trình này tạo được sự chủ động trong suốt quá trình sản xuất của BQL vì không bị phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài như nguồn giống cây trồng, nguồn gỗ đầu vào cho khai thác, chế biến.

Trong khi đó, vẫn giữ được rừng tự nhiên, còn rừng sản xuất lại được bảo vệ tốt hơn khi có sự tham gia của các chủ rừng thông qua hình thức giao khoán đất rừng cho người dân địa phương.

Để khai thác hiệu quả các tư liệu sản xuất, BQL đã chủ động áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng rừng sản xuất theo hướng thâm canh, có sử dụng phân bón lót và bón phân cho cây trồng trong thời gian chăm sóc nên gần 1.000 ha diện tích trồng mới từ năm 2007 đến nay (chủ yếu là cây keo tai tượng, lát, luồng) đều sinh trưởng, phát triển tốt và bắt đầu cho khai thác với năng suất trung bình đạt 156m3 gỗ/ha.

Để nâng cao hơn nữa về chất lượng và giá trị trên một diện tích rừng trồng, đơn vị đã đề xuất và được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng ý cho chuyển đổi từ mô hình kinh doanh rừng gỗ nguyên liệu sang hướng kinh doanh rừng trồng gỗ lớn đối với cây keo tai tượng.

Mô hình bắt đầu triển khai từ năm 2012 với diện tích 10 ha tập trung tại xã Trí Nang, theo hình thức tỉa thưa, từ 1.300 cây để lại khoảng 730 cây/ha.

Tham gia vào mô hình này, anh Nguyễn Văn Long (cán bộ của BQL) đã chuyển đổi 5 ha rừng keo tai tượng sắp cho khai thác sang kinh doanh rừng gỗ lớn, cho biết: Sau 2 năm theo dõi thì chất lượng rừng đã thay đổi căn bản, năng suất rừng tăng lên từ 20,2m3 gỗ lên gần 30m3 gỗ/ha/năm. Theo giá thị trường trên địa bàn tỉnh hiện nay, gỗ nguyên liệu loại có đường kính từ 12 đến dưới 20cm có giá bán khoảng 1 triệu đồng/m3.

Nếu đạt đường kính từ 20 đến 25cm sẽ có giá khoảng 1,8 triệu đồng/m3 và từ 25cm trở lên sẽ có giá khoảng 2,8 triệu đồng/m3. Như vậy, theo phương pháp tính hiện nay, đối với mô hình gỗ lớn với chu kỳ kéo dài khoảng 12 năm thì sản lượng có thể đạt 400m3 gỗ/ha (trong đó, gỗ lớn chiếm tới 60%).

Theo đó, giá trị một ha rừng chuyển đổi của anh Long có thể lên tới hàng tỷ đồng sau 5 đến 6 năm tới. Tuy nhiên, mô hình chuyển đổi rừng nguyên liệu sang rừng gỗ lớn cũng gặp phải một số trở ngại do cây keo tai tượng dễ bị đổ khi gặp lốc, bão, quá trình chăm sóc lại kéo dài nên chủ rừng khó huy động vốn trong khi Nhà nước lại chưa có chính sách hỗ trợ cho việc triển khai mô hình này.

Để bao tiêu toàn bộ sản phẩm từ diện tích rừng giao khoán cho các hộ dân và gia tăng giá trị trên đơn vị sản phẩm rừng trồng, BQL đã đầu tư lắp đặt dây chuyền chế biến gỗ với công suất 30.000 m3/năm. Nguyên liệu đầu vào là sản phẩm từ rừng trồng được khai thác theo kế hoạch sản xuất hàng năm của đơn vị.

Các sản phẩm sau chế biến nhằm phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Trung bình mỗi năm, BQL khai thác 189 ha rừng trồng sản xuất phục vụ cho dây chuyền chế biến.

Rừng khai thác đến đâu được tiến hành trồng lại tới đó, với giống cây được cung cấp ngay từ vườn ươm của BQL (đạt 1,4 triệu cây/năm, gồm cây keo tai tượng, luồng, lát, xoan và một số cây thuốc nam) đã tạo ra chu kỳ sản xuất bền vững tại đơn vị.

Minh chứng là từ đầu năm tới nay, Chính phủ cho đóng cửa rừng, không khai thác rừng tự nhiên đã khiến nhiều lâm trường trong cả nước gặp khó khăn do khan hiếm nguồn nguyên liệu đầu vào, kéo theo nhiều khó khăn trong việc sắp xếp cán bộ, cân đối thu, chi. Riêng BQL vẫn bảo đảm việc làm và thu nhập ổn định cho 42 cán bộ, công nhân viên của đơn vị và giải quyết việc làm cho khoảng 150 lao động địa phương.

Đánh giá về hiệu quả của mô hình rừng gỗ lớn của BQL rừng phòng hộ Lang Chánh, ông Nguyễn Thành Công, giám đốc BQL, cho biết: Đến thời điểm này, mô hình trên là phù hợp với hoạt động sản xuất lâm nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng mà đơn vị được giao.

Theo mô hình này, đơn vị đang tiến hành đấu mối thuê tư vấn từ Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng để xây dựng và được cấp chứng chỉ rừng FSC. Từ đó, mở ra cơ hội đưa sản phẩm vào thị trường khó tính như châu Âu, châu Mỹ.

Nguồn bài viết: http://www.baothanhhoa.vn/vn/kinh-te/n131528/Mo-hinh-phat-trien-lam-nghiep-ben-vung-tai-Ban-Quan-ly-rung-phong-ho-Lang-Chanh


Có thể bạn quan tâm

Nhiều Thách Thức Đầu Vụ Tôm Mới Nhiều Thách Thức Đầu Vụ Tôm Mới

Theo lịch thời vụ năm nay của Sở NNPTNT các tỉnh ven biển ĐBSCL, niên vụ tôm sẽ bắt đầu từ tháng 2, 3 - thời điểm thả giống tốt nhất. Tuy vậy, những ngày này, người nuôi tôm vẫn phấp phỏm lo lắng.

17/02/2012
Bật Dậy Nhờ Nghề Biển Bật Dậy Nhờ Nghề Biển

Chỉ có chiều dài 15 km bờ biển nhưng hàng năm tổng sản lượng đánh bắt từ biển của ngư dân huyện Gio Linh chiếm 50% toàn tỉnh Quảng Trị. Gio Linh đã mạnh lên rất nhiều nhờ khai thác thế mạnh kinh tế biển.

15/03/2012
Trồng Nấm Rơm Cho Lợi Nhuận Cao Trồng Nấm Rơm Cho Lợi Nhuận Cao

Nấm rơm được bà con trồng ngay trong sân vườn và tận dụng nguồn rơm từ ruộng nhà nên chi phí rất ít. Một chai meo hiện có giá từ 1.200 – 1.400 đồng, nếu ủ tốt có thể cho thu hoạch 2kg nấm. Theo tính toán của anh Danh Việt ở ấp Hoà Mỹ thì với 2.200 chai meo gia đình đang trồng, sau hơn 1 tháng chăm sóc sẽ cho thu nhập khoảng 23-24 triệu đồng. Hiện nấm rơm Định Hòa được thương lái ngoài tỉnh đến tận nơi thu mua với giá từ 11.500-13.000 đồng/kg.

17/05/2012
Tăng Cường Sử Dụng Kho Lạnh Trong Việc Bảo Quản Khoai Tây Giống Tăng Cường Sử Dụng Kho Lạnh Trong Việc Bảo Quản Khoai Tây Giống

Bảo quản củ giống khoai tây bằng kho lạnh là biện pháp tiên tiến hiện nay, do có nhiều ưu điểm như tổn thất trong kho ít, củ giống trẻ, cây phát triển khoẻ, giảm sự thoái hoá giống, khi trồng cho nhiều củ to, tăng năng suất thu hoạch từ 10% đến 15%.

16/03/2012
Nguyên Tắc Canh Tác Nông Nghiệp Hữu Cơ Là Cơ Nguyên Tắc Canh Tác Nông Nghiệp Hữu Cơ Là Cơ

Nông nghiệp nước ta đang đứng trước nhiều thách thức như ô nhiễm môi trường, đất đai bạc màu, suy giảm đa dạng sinh học, ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật ở người. Xây dựng một nền nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường và sức khỏe con người là một đòi hỏi bức thiết

02/08/2011