Mô Hình Nuôi Trồng Thủy Sản 3 Trong 1 Hạn Chế Dịch Bệnh Đạt Hiệu Quả Cao Tại Sóc Trăng

Năm 2014, dịch bệnh tôm nuôi nước lợ trên cả nước lên đến gần 60.000 ha, riêng tỉnh Sóc Trăng thiệt hại cao nhất lên đến gần 20.000 ha. Tuy nhiên, cũng nằm trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có một cơ sở nuôi tôm rất hiệu quả. Chúng tôi xin giới thiệu để bà con tham khảo mô hình nuôi tôm trên 10 năm chưa bị dịch bệnh, đó là Hợp tác xã Hòa Nghĩa, xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng với 17 xã viên.
Ông Tăng Văn Tuối, Chủ nhiệm hợp tác xã cho biết: Trước kia nuôi tôm sú, sau đó thấy nuôi tôm thẻ chân trắng hiệu quả hơn nên Hợp tác xã chuyển sang nuôi tôm thẻ. Để hạn chế dịch bệnh hợp tác xã có sự chỉ đạo thống nhất cho tất cả các xã viên là 5 cùng (cùng chuẩn bị ao, cùng lấy nước, cùng thả giống, cùng chế độ chăm sóc quản lý và cùng phòng trừ dịch bệnh), đồng thời thông báo cho nhau biết tình trạng tôm nuôi hàng ngày. Ông Tuối cho biết các bước thực hiện như sau:
Bước 1: Chuẩn bị nước vào ao lắng:
Cả hợp tác xã có 53 ha, cứ 5 - 8 ha lại có một ao lắng để cấp nước đã qua xử lý cho các ao nuôi tôm, theo chỉ đạo của Hợp tác xã, khi con nước lớn và sạch mới lấy nước vào ao lắng, sau đó khử trùng bằng Iodine, sau 5 - 7 ngày mới lấy nước vào ao nuôi tôm, tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để xử lý ao nuôi và ao lắng.
Bước 2: Gây màu nước tại ao nuôi:
Sau khi đã chuẩn bị ao chu đáo (tháo cạn, vét bùn, phơi khô, khử trùng), chăng lưới ngăn cua, còng, cáy… lấy nước vào qua túi lọc bằng vải dày nhằm loại bỏ ấu trùng, tôm, cua, còng cáy, cá tạp, côn trùng. Trước khi lấy nước vào ao nuôi kiểm tra và bổ sung đầy đủ các thông số cần thiết phù hợp với môi trường tôm sinh trưởng.
Khi đã đưa nước vào ao nuôi, tiến hành gây màu nước theo nước công thức 3:2:1, tức là 3 kg cám + 2 kg bột đậu nành + 1 kg bột cá, ủ hỗn hợp này khoảng từ 24 - 36 tiếng, sau khi đã lên men, té xuống ao để gây màu nước với liều lượng 3 – 4 kg/1000m3 nước, té liên tục trong 3 ngày là màu nước lên đẹp, đảm bảo cho tôm phát triển tốt.
Bước 3: Chọn và thả tôm giống:
- Chọn tôm giống: Thả tôm giống PL12 trở lên, tôm có màu sắc tươi sáng, đều cỡ, khỏe mạnh, được các cơ sở sản xuất có uy tín cung ứng. Đặc biệt không mua tôm giá rẻ, bán trôi nổi, tôm giống phải có cơ quan chuyên môn xác định âm tính về các bệnh: MBV, đốm trắng, đầu vàng, IMNV, gạn tụy…
- Thả đúng mùa vụ, chọn thời điểm mát để thả (chiều tối hoặc sáng sớm), ngâm túi 20 - 30 phút trước khi thả, mật độ 50 con/m2.
- Trước khi thả tôm, Hợp tác xã tiến hành thả cá kèo, cá rô phi trực tiếp xuống ao, mật độ cá rô phi là 5 con/100m2, cỡ cá 20 - 30 con/kg; cá kèo thả mật độ 4 con/10m2, cỡ cá kèo 30 – 40 con/kg, thả cá kèo và cá rô sau 7 - 10 ngày thì thả tôm. Thả cá kèo và rô phi là để cải tạo môi trường nước, không nhằm mục đích tăng doanh thu từ 2 đối tượng này.
Bước 4: Chăm sóc, quản lý:
- Cho ăn: 20 ngày đầu khi thả tôm có tính thêm thức ăn cho cá kèo và cá rô phi, lượng thức ăn cho cá kèo và cá rô phi tương đương 2% khối lượng cá thả. Sau 20 ngày chỉ tính thức ăn cho tôm, không cho rô phi và cá kèo ăn nữa, vì chúng đã có chất thải của tôm và thức ăn dư thừa.
Thức ăn cho tôm có độ đạm từ 32 - 38%, có nhãn mác rõ ràng, có uy tín, cho ăn 4 đúng (đúng chất lượng, đúng số lượng, đúng thời gian, đúng địa điểm), kích cỡ thức ăn theo độ tuổi của tôm. Ngày cho ăn 5 lần (sáng, gần trưa, đầu giờ chiều, chiều tối, 21 giờ đêm), đặc biệt phải chú ý dùng quạt nước 24/24 giờ để tôm đủ oxy.
Trong quá trình nuôi, cứ 10 ngày lại dùng 5 kg đường mật + 4 lít Super vs, bón cho 1.000 m3 để ổn định pH (tùy theo màu nước để quyết định bón bổ sung). Ông Tăng Văn Tuối cho biết, khi nuôi tôm xen với cá kèo, cá rô phi (mô hình 3 trong 1 này), chúng hỗ trợ nhau, các chất hữu cơ, thức ăn thừa được chúng sử dụng hết , …nên đáy ao sạch, ổn định màu nước, ức chế các vi sinh vật có hại, thúc đẩy các vi sinh vật có lợi phát triển, tăng sức khỏe cho tôm, do đó tôm lớn nhanh, ít bệnh, hiệu quả cao hơn hình thức nuôi khác rất nhiều do tỷ lệ tôm sống rất cao, thường đạt trên 90%.
- Chăm sóc: Trong quá trình nuôi phải luôn quan sát màu nước và sức khỏe tôm để xứ lý hàng ngày (quyết định số lượng thức ăn, chế phẩm sinh học, bổ sung nước…). Thường xuyên bổ sung khoáng vào môi trường nước và thức ăn cho tôm, ngoài ra còn phải cho tôm ăn thêm vitamin C, bổ gan, cho ăn liên tục từ khi tôm được 20 ngày tuổi cho đến lúc thu hoạch
- Quản lý môi trường nước: Hàng ngày phải tiến hành đo các yếu tố như nhiệt độ, pH, DO, NH3, độ mặn để xử lý kịp thời, riêng độ kiềm khi nuôi cùng cá kèo thì rất ổn định, không bao giờ phải lo về độ kiềm. Độ sâu của nước tốt nhất duy trì từ 1,2 - 1,4 m.
Bước 5: Thu hoạch (trong suốt quá trình nuôi không sử dụng bất kỳ một loại kháng sinh, hóa chất nào để phòng trị bệnh, nhưng có nuôi luân canh cá rô phi để cải tạo chất đáy). Sau 90 ngày nuôi, tôm đạt cỡ 40 con/kg thì tiến hành thu hoạch, chú ý không thu hoạch vào thời kỳ tôm lột xác, trước khi thu hoạch phải tăng độ kiềm cho tôm cứng vỏ, chất lượng và giá bán sẽ cao hơn. Năng suất đạt bình quân 21 tấn/ha/năm, giá bán bình quân 160.000 – 180.000 đồng/kg, doanh thu 3,5 tỷ đồng/ha/năm, trừ hết chi phí còn lãi 1,78 tỷ đồng/ha/năm.
Mặc dù hợp tác xã phát triển ổn định sau 12 năm thành lập, các xã viên phấn khởi làm ăn, tuy nhiên để nghề nuôi tôm phát triển bền vững, Hợp tác xã xin kiến nghị với Bộ Nông nghiệp & PTNT và tỉnh Sóc Trăng như sau:
- Nuôi tôm nhỏ lẻ, tự phát gây ô nhiễm môi trường, năm sau trầm trọng hơn năm trước, nguyên nhân do nuôi tôm xả thải bừa bãi thiếu kiểm soát, tỉnh cần có biện pháp xử lý kịp thời.
- Nên tuyên truyền vận động để các hộ nuôi tôm thành lập các hợp tác xã hoặc tổ nhóm liên kết cộng đồng để công tác quản lý thuận lợi hơn.
- Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để có đường giao thông thuận lợi và đảm bảo đủ điện 24/24 phục vụ cho sản xuất.
Thiết nghĩ, để nuôi tôm đạt hiệu quả cao và bền vững có nhiều cách, nhưng muốn trở thành “tỷ phú tôm”, ngoài kỹ thuật chung ra thì người nuôi phải có phương pháp và cách đi riêng, trong đó cần có nhiều sự sáng tạo. Nhờ có sự sáng tạo và phương pháp nuôi hiệu quả mà HTX Hòa Nghĩa đã nuôi tôm thành công.
Có thể bạn quan tâm

Trong đó, gà lông gần 770 nghìn con, còn lại là gà chế biến. Thị trường tiêu thụ gà tương đối thuận lợi, giá từ 65 - 75 nghìn đồng/kg gà lông; 120 - 145 nghìn đồng/kg gà chế biến, người dân lãi từ 15 - 17 triệu đồng/1.000 con.

Về thôn Cấn Thượng, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, Hà Nội, anh Nguyễn Văn Lâm, chủ trang trại chăn nuôi hơn 500 con heo tươi cười cho biết năm nay là năm thắng lợi nhất từ trước tới nay đối với gia đình anh. Giá cả ổn định ở mức 43.000 đến 44.000 đồng/kg, có lúc lên tới 49.000 đến 50.000 đồng/kg nên gia đình anh có lãi khá cao. “Với hơn 500 con heo năm nay gia đình tôi để ra khoảng vài trăm triệu” – anh Lâm nói.

Trò chuyện với kỹ sư nông nghiệp trẻ Ngô Thị Hạnh, cán bộ khuyến nông xã Song Mai về việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chị cho biết: "Mấy ngày trước Tết, gia đình tôi thu hoạch 2 ha khoai tây Atlantic, sản lượng đạt 28 tấn, với giá 6 nghìn đồng/kg, thu được 168 triệu đồng, trừ chi phí lãi khoảng 80 triệu đồng. Doanh nghiệp đến thu mua tại ruộng. Sắp tới, gia đình tôi sẽ thu hoạch nốt 3 ha khoai tây còn lại, ước thu về hơn 250 triệu đồng".

Sau 9 ngày nghỉ tết, hôm 24.2 (mùng 6 Tết), các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã đồng loạt hoạt động trở lại, tiếp nhận mía của nông dân, phấn đấu đến cuối tháng 3.2015 sẽ kết thúc vụ thu hoạch, chế biến mía đường niên vụ 2014 - 2015, sớm hơn vụ chế biến năm ngoái khoảng gần một tháng.

Theo ngày tháng, các loại rau xanh cứ lặng lẽ từ nhà vườn ra chợ vào từng gian bếp, lên bàn ăn của mỗi gia đình. Từ gốc gác cội nguồn thảo mộc tự nhiên bước vào nền văn minh nông nghiệp khi được thuần hóa, trồng trọt trên thổ nhưỡng, nền nhiệt riêng biệt mà tạo ra những thứ rau đặc sản vùng miền.