Mô Hình Nuôi Sò Huyết Rừng Phòng Hộ

Rừng phòng hộ ven biển huyện An Minh có vai trò rất quan trọng trong việc chắn sóng, gió, bảo vệ tuyến đê bao trên biển, bảo vệ khu vực sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản bên trong. Với diện tích rừng phòng hộ 3.028ha; hiện đã giao khoán 2.166 ha cho 728 hộ dân trong vùng chăm sóc bảo vệ và được phép sử dụng 30% diện tích rừng giao khoán để sản xuất tạo thu nhập. Sò huyết là đối tượng nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ dân trong vùng và hiện mô hình này đang được nhân rộng.
Trong năm 2010; tại huyện An Minh đã có nhiều chương trình được triển khai như chương trình tạo thu nhập thay thế thuộc dự án GTZ Kiên Giang; chương trình nuôi sò huyết trong ao của Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư (KNKN) nhằm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi, hỗ trợ vốn sản xuất… giúp hộ nuôi hạn chế rủi ro, khó khăn trong qúa trình nuôi
Ghé tham quan điểm nuôi sò của anh Nguyễn Hoàng Lương, ấp Xẻo Lá A, xã Tân Thạnh, huyện An Minh. Sau khi kiểm tra trọng lượng sò, môi trường nước ao nuôi, kỹ sư Danh Nhiệt – Cán bộ kỹ thuật của Trung tâm KNKN – người trực tiếp triển khai chương trình nhận xét: sò huyết phát triển tốt, tăng trọng nhanh nhờ môi trường ao nuôi tốt, thức ăn đấy đủ…
Tìm hiểu thêm thông tin từ hộ nuôi, được biết: Toàn bộ ao nuôi của gia đình là 5,4 ha, trong đó có 1 ha được Trung tâm KNKN hỗ trợ 40% tiền con giống, một số chế phẩm sinh học để cải tạo môi trường nước và tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho sò. Sau khi cải tạo ao, lựa con nước tốt lấy nước vào ao; anh Lương mua sò cám về ương trong vèo, sau đó thả xuống ao nuôi.
Sò huyết là đối tượng dễ nuôi, có giá bán ổn định,…là loài ăn lọc nên trong quá trình nuôi không tốn tiền mua thức ăn. Vì thế phù hợp với những hộ nuôi ít vốn đấu tư nhưng có công lao động và đặc biệt là điều kiện môi trường dưới tán rừng phòng hộ phù hợp cho sò huyết phát triển. Nếu toàn bộ 30% diện tích rừng phòng hộ được tận dụng nuôi sò huyết hiệu quả thì đời sống của người dân trong vùng từng bước được nâng lên.Tuy nhiên, không phải ao nuôi nào cũng tốt, cũng đạt; cách đó không xa, một hộ nuôi khác thả giống sau anh một tuần, cỡ giống 3.200 con/kg nhưng đến nay sò mới đạt 1.000 con/kg. Kỹ sư Danh Nhiệt giải thích nguyên nhân trên: Hộ nuôi chưa nắm vững kỹ thuật; chưa xử lý và cải tạo ao tốt nên nền đáy rất dơ; chưa quản lý tốt môi trường nước, ao nuôi thiếu thức ăn tự nhiên nên sò phát triển chậm. Hơn nữa, chất lượng giống cũng là yếu tố quan trọng quyết định tỷ lệ sống và sự phát triển của sò.
Vì thế, để phát triển mô hình nuôi sò huyết dưới tán rừng đạt hiệu quả và ổn định; người nuôi cần trang bị tốt về “Kỹ thuật nuôi sò huyết” với đầy đủ các nội dung như: cải tạo ao nuôi, thiết kế ao nuôi, kỹ năng kiểm tra các yếu tố môi trường, lựa chọn con giống, phòng trị một số địch hại và cách chăm sóc quản lý tốt ao nuôi.
Hỏi về những khó khăn, anh Lương tâm sự: “Khó khăn nhất là nguồn sò và chất lượng sò giống, hai là thị trường tiêu thụ; thuê mướn lao động và đặc biệt là tệ nạn “sò tặc” hiện nay địa phương chưa có biện pháp ngăn chặn. Cứ chạng vạng là phải ra chòi canh rồi, nếu không thì đến khi thu hoạch không còn gì để bán ”
Anh đề xuất thêm: các cấp chính quyền cần kiểm soát tốt chất lượng con giống, nên chăng cấp giấy kiểm dịch cho sò huyết để người dân nuôi sò không mua phải sò “dỏm”, hạn chế được rủi ro khi mua giống kém chất lượng. Bên cạnh đó cần nghiên cứu sản xuất giống nhân tạo để giảm bớt áp lực, khó khăn về con giống. Đặc biệt là tìm thị trường ổn định để người dân an tâm sản xuất, kinh tế ổn định, đời sống được cải thiện … thì khi ấy màu xanh của rừng phòng hộ được người dân chăm sóc, bảo vệ tốt hơn.
Có thể bạn quan tâm

Những năm gần đây, tỉnh Ninh Bình có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển nuôi trồng thuỷ sản nói chung và nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt nói riêng. Những kết quả đạt được về nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, góp phần tích cực vào thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Sau khi Nhà máy thủy điện Bá Thước 2 đi vào vận hành, hơn 400 hộ dân huyện miền núi Bá Thước (Thanh Hóa) đã tận dụng mặt nước phát triển nghề nuôi cá lồng.

Chăn nuôi trên đệm lót bằng trấu, mùn cưa, men sinh học không chỉ an toàn, thân thiện môi trường, mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Vườn cà phê moka rộng 2,4ha ở Trại Hầm, Đà Lạt được chủ nhân giữ lại chỉ để thu hoạch mỗi năm vài, ba trăm ký hạt nhân. Sau năm đầu đưa chồn về ăn trái tươi và đưa ngỗng về ăn cỏ, cho phân, vườn moka đã tăng giá trị lên hàng trăm lần.

Không làm rau giá bằng đậu xanh, bà Nguyễn Thị Thành ở xã An Vĩnh, Lý Sơn (Quảng Ngãi) làm rau giá bằng đậu ngự. Những cọng giá đậu ngự gieo nổi trên cát “phổng phao” gấp nhiều lần so với cọng giá làm theo cách thông thường khiến du khách đặc biệt ấn tượng khi được thưởng thức. Không những thế, loại rau này còn là thực phẩm thiết yếu vào mỗi mùa mưa bão, khi rau xanh đất liền không thể theo tàu ra đảo.