Mô Hình Nuôi Lươn Sạch Không Cần Bùn

Ưu điểm mô hình là không đòi hỏi diện tích rộng nhưng thả nuôi với mật độ cao, khoảng 800 con/m2, lại không gây ô nhiễm môi trường.
Được sự giúp đỡ của Hội Nông dân huyện Diên Khánh (Khánh Hòa), Tổ liên kết nuôi lươn sạch không bùn Phú Lộc Tây 2, thị trấn Diên Khánh gồm 6 thành viên đã được thành lập tháng 9/2013.
Anh Trần Như Hổ, Tổ trưởng TLK nuôi lươn cho biết: “Sau khi được tham quan học tập mô hình nuôi lươn sạch không bùn ở huyện Hóc Môn (TP.HCM), chúng tôi về áp dụng ngay.
Với 2 hồ nuôi được xây dựng có kích thước 5 x 4 x 0,8 m/hồ, ban đầu thả 300 kg lươn, tương đương với 6.000 con giống. Sau 5 tháng thả nuôi, thu hoạch được 1,4 tấn, bán với giá 135 ngàn đồng/kg, sau khi trừ tất cả chi phí lãi gần 60 triệu đồng.
Đây là kết quả ngoài mong đợi của chúng tôi vì sản lượng thu hoạch rất đạt. Hiện chúng tôi thả nuôi lứa thứ 2 với 10.000 con giống được hơn 2 tháng tuổi. Lứa lươn này sinh trưởng và phát triển tốt, hứa hẹn cho thu hoạch lãi khá".
Dẫn PV tham quan mô hình nuôi lươn sạch của TLK, anh Hổ cho biết thêm, ưu điểm mô hình nuôi lươn sạch không bùn là không đòi hỏi diện tích rộng nhưng thả nuôi với mật độ cao, khoảng 800 con/m2, lại không gây ô nhiễm môi trường.
Sở dĩ nuôi mật độ dày là nhờ các vỉ nuôi được đóng bằng tre hay gỗ giống như các vạc giường có khoảng cách 2 thanh 5 x 5 cm được đặt trọn trong hồ để làm nơi trú ẩn cho lươn và tránh lươn ăn thịt lẫn nhau.
Mỗi hồ nuôi được đặt 4 lớp vỉ, mỗi vỉ nuôi được đặt chồng lên nhau với vỉ cách vỉ 10 cm. Cách chăm sóc lươn ăn cũng không tốn nhiều thời gian và công sức, mỗi ngày chỉ cần cho ăn 1 lần vào sáng sớm hay chiều tối. Thức ăn cho lươn là các loại cá tươi trộn với cám với tỷ lệ 7:3 được xay nhuyễn rồi vốn cục đặt trên vỉ.
Tuy nhiên nguồn nước nuôi lươn yêu cầu phải sạch, độ PH từ 5.8 - 6.2 và mỗi lần sau khi cho lươn ăn từ 2 - 3 tiếng là phải thay nước. Mực nước duy trì trong hồ nuôi khoảng 40 cm, nhiệt độ để lươn phát triển từ 22 - 27 độ C; hồ nuôi luôn được che mát và không cho nước mưa thấm làm ảnh hưởng đến lươn; xung quanh hồ nuôi và đáy hồ nuôi được lát gạch men hay bạt nhựa nhằm tránh cho lươn bị trầy xước da. Với lươn có trọng lượng 20 con/kg, từ khi nuôi đến thu hoạch khoảng 4 - 5 tháng.
Cũng theo anh Hổ, từ khi triển khai mô hình nuôi lươn sạch không bùn đến nay anh nhận thấy, mô hình này tiết kiệm được nhiều chi phí, dễ quản lý số lượng và dịch bệnh của lươn hơn so với cách nuôi có bùn.
Mô hình này bước đầu đạt hiệu quả kinh tế khá ổn định, tạo được việc làm với diện tích rất hạn chế, trong khi đó tạo ra sản phẩm sạch và nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng.
Mô hình này còn mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, nhất là trong thời điểm hiện nay người nông dân lúng túng chưa biết nuôi con gì cho phù hợp. Hơn nữa thị trường tiêu thụ lươn thương phẩm tại Khánh Hòa hút hàng, bởi từ trước đến nay chưa có cơ sở nuôi nào cung cấp, mà chủ yếu nhập lươn từ TPHCM.
Ông Nguyễn Phú, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Diên Khánh cho biết:"Nuôi lươn sạch không bùn là mô hình đầu tiên của tỉnh Khánh Hoà mà Hội Nông dân cũng như cán bộ Hội đóng vai trò quyết định để mô hình đạt hiệu quả cả về mặt kinh tế và xã hội.
Sau đợt nuôi thí điểm này này chúng tôi nhận thấy đây là mô hình có khả năng nhân rộng rất lớn. TLK đang hướng dẫn và cung cấp giống cho 3 mô hình nuôi trong tỉnh ở thị trấn Cam Đức (Cam Lâm); xã Phước Đồng và phường Phước Hải (TP Nha Trang)."
Có thể bạn quan tâm

Chi phí đầu tư thấp, hiệu quả kinh tế khá cao trong điều kiện môi trường tự nhiên thuận lợi cho nghề trồng rong sụn đang mở ra một hướng phát triển kinh tế mới cho người dân các địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Xã Ðông Minh (Tiền Hải - Thái Bình) có 450ha nuôi trồng thủy sản (NTTS) nước lợ, trong đó có 105ha được chuyển đổi từ diện tích làm muối theo quyết định của UBND tỉnh. Vụ xuân, hè năm 2015, trong vùng chuyển đổi nuôi thả 60ha với số lượng 12 triệu tôm sú, 35ha với số lượng 30 triệu tôm thẻ chân trắng.

Ban chỉ đạo sản xuất, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) vừa tổ chức hội nghị bàn giải pháp bảo vệ tôm nuôi vụ I/2015. Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn huyện, nông dân đã thả dứt điểm diện tích tôm nuôi nuôi vụ I được 23.100ha.

Khoảng 1 tháng qua, người tôm vùng hạ lưu sông Bàn Thạch, huyện Đông Hòa (Phú Yên) điêu đứng vì tôm “dính” dịch bệnh chết hàng loạt.

Theo thông tin từ Hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Cà Mau (CASEP), hiện giá tôm nguyên liệu trên địa bàn đang giảm mạnh, khiến người nuôi thua lỗ nặng. Chưa dừng lại ở đó, giá tôm giảm, dịch bệnh lại bùng phát, người nuôi bị thiệt hại “kép”.