Mô Hình Nuôi Lươn Sạch Không Cần Bùn

Ưu điểm mô hình là không đòi hỏi diện tích rộng nhưng thả nuôi với mật độ cao, khoảng 800 con/m2, lại không gây ô nhiễm môi trường.
Được sự giúp đỡ của Hội Nông dân huyện Diên Khánh (Khánh Hòa), Tổ liên kết nuôi lươn sạch không bùn Phú Lộc Tây 2, thị trấn Diên Khánh gồm 6 thành viên đã được thành lập tháng 9/2013.
Anh Trần Như Hổ, Tổ trưởng TLK nuôi lươn cho biết: “Sau khi được tham quan học tập mô hình nuôi lươn sạch không bùn ở huyện Hóc Môn (TP.HCM), chúng tôi về áp dụng ngay.
Với 2 hồ nuôi được xây dựng có kích thước 5 x 4 x 0,8 m/hồ, ban đầu thả 300 kg lươn, tương đương với 6.000 con giống. Sau 5 tháng thả nuôi, thu hoạch được 1,4 tấn, bán với giá 135 ngàn đồng/kg, sau khi trừ tất cả chi phí lãi gần 60 triệu đồng.
Đây là kết quả ngoài mong đợi của chúng tôi vì sản lượng thu hoạch rất đạt. Hiện chúng tôi thả nuôi lứa thứ 2 với 10.000 con giống được hơn 2 tháng tuổi. Lứa lươn này sinh trưởng và phát triển tốt, hứa hẹn cho thu hoạch lãi khá".
Dẫn PV tham quan mô hình nuôi lươn sạch của TLK, anh Hổ cho biết thêm, ưu điểm mô hình nuôi lươn sạch không bùn là không đòi hỏi diện tích rộng nhưng thả nuôi với mật độ cao, khoảng 800 con/m2, lại không gây ô nhiễm môi trường.
Sở dĩ nuôi mật độ dày là nhờ các vỉ nuôi được đóng bằng tre hay gỗ giống như các vạc giường có khoảng cách 2 thanh 5 x 5 cm được đặt trọn trong hồ để làm nơi trú ẩn cho lươn và tránh lươn ăn thịt lẫn nhau.
Mỗi hồ nuôi được đặt 4 lớp vỉ, mỗi vỉ nuôi được đặt chồng lên nhau với vỉ cách vỉ 10 cm. Cách chăm sóc lươn ăn cũng không tốn nhiều thời gian và công sức, mỗi ngày chỉ cần cho ăn 1 lần vào sáng sớm hay chiều tối. Thức ăn cho lươn là các loại cá tươi trộn với cám với tỷ lệ 7:3 được xay nhuyễn rồi vốn cục đặt trên vỉ.
Tuy nhiên nguồn nước nuôi lươn yêu cầu phải sạch, độ PH từ 5.8 - 6.2 và mỗi lần sau khi cho lươn ăn từ 2 - 3 tiếng là phải thay nước. Mực nước duy trì trong hồ nuôi khoảng 40 cm, nhiệt độ để lươn phát triển từ 22 - 27 độ C; hồ nuôi luôn được che mát và không cho nước mưa thấm làm ảnh hưởng đến lươn; xung quanh hồ nuôi và đáy hồ nuôi được lát gạch men hay bạt nhựa nhằm tránh cho lươn bị trầy xước da. Với lươn có trọng lượng 20 con/kg, từ khi nuôi đến thu hoạch khoảng 4 - 5 tháng.
Cũng theo anh Hổ, từ khi triển khai mô hình nuôi lươn sạch không bùn đến nay anh nhận thấy, mô hình này tiết kiệm được nhiều chi phí, dễ quản lý số lượng và dịch bệnh của lươn hơn so với cách nuôi có bùn.
Mô hình này bước đầu đạt hiệu quả kinh tế khá ổn định, tạo được việc làm với diện tích rất hạn chế, trong khi đó tạo ra sản phẩm sạch và nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng.
Mô hình này còn mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, nhất là trong thời điểm hiện nay người nông dân lúng túng chưa biết nuôi con gì cho phù hợp. Hơn nữa thị trường tiêu thụ lươn thương phẩm tại Khánh Hòa hút hàng, bởi từ trước đến nay chưa có cơ sở nuôi nào cung cấp, mà chủ yếu nhập lươn từ TPHCM.
Ông Nguyễn Phú, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Diên Khánh cho biết:"Nuôi lươn sạch không bùn là mô hình đầu tiên của tỉnh Khánh Hoà mà Hội Nông dân cũng như cán bộ Hội đóng vai trò quyết định để mô hình đạt hiệu quả cả về mặt kinh tế và xã hội.
Sau đợt nuôi thí điểm này này chúng tôi nhận thấy đây là mô hình có khả năng nhân rộng rất lớn. TLK đang hướng dẫn và cung cấp giống cho 3 mô hình nuôi trong tỉnh ở thị trấn Cam Đức (Cam Lâm); xã Phước Đồng và phường Phước Hải (TP Nha Trang)."
Có thể bạn quan tâm

Nhiều người dù gắn bó với nông nghiệp vẫn không khỏi bất ngờ khi xem tận mắt, sờ tận tay những củ khoai tây vỏ đỏ, to nần nẫn chừng 3-7 lạng/củ đang được thu hoạch trên cánh đồng của HTX Cấp Tiến (Tiên Lãng, Hải Phòng). Anh Cao Văn Ngọ- chủ ruộng khoai bảo tôi: "Mới chỉ thu lúc khoai chưa xuống hết củ cho các bác tham quan thôi mà đã được trên 1 tấn/sào, nếu để tuần sau dỡ chắc chắn phải được thêm 1 tạ nữa".

Chi cục Quản lý chất lượng và nguồn lợi thủy sản TP HCM vừa tìm thấy chất cấm Trifluralin trong một loại cá nước ngọt, bán tại chợ đầu mối Bình Điền. Điều này cho thấy, chất cấm vẫn có thể tồn tại trong thủy sản.

Dọc con đường từ TX Trà Vinh đi huyện Duyên Hải, rải rác trong các ao tôm cạn queo đang xử lý đáy chờ chính vụ là những ao tôm ngập nước nhưng quạt guồng lặng im tang tóc. Anh Hải, đại lý phân phối trùn quế Tài Lộc tại Trà Vinh, người hướng dẫn chúng tôi đi thăm vùng nuôi tôm Duyên Hải giải thích: Cứ thấy ao nước mà guồng im là biết tôm vừa chết.

Không ai có thể ngờ, anh nông dân chân chất có cái tên rất hoa mỹ Nguyễn Văn Đẹp đã từng kinh qua nghề "gõ đầu trẻ", sau đó chuyên kinh doanh phụ tùng xe gắn máy. Anh chỉ mới "biến thành" nông dân hơn… 2 năm nay nhưng những "bô lão" nông dân hàng đầu tại vùng đất này cũng phải thán phục kỹ thuật trồng cà chua trong nhà lưới kỹ thuật cao của anh. Nhiều người nói, Đẹp mới vào nghề nông mà chẳng hiểu sao lại rất am hiểu về đất, độ ẩm, nhiệt độ, giống má…, cứ y như là nhà khoa học vậy!

Anh Phạm Văn Vũ (SN 1968), ngụ tại ấp Xóm Trại, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi (TP.HCM) là một trong những ND đầu tiên nuôi bò sữa và làm giàu từ vật nuôi này.