Mô Hình Nuôi Gà VietGAP

Những năm qua, ông Bùi Việt Tín (thôn Mỹ Cang, xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) và các thành viên trong Tổ hợp tác Mười Tín phát triển trang trại nuôi gà theo tiêu chuẩn VietGAP và thu được kết quả khả quan.
Từng là cán bộ của một hợp tác xã nông nghiệp, ông Tín đã quen dần với những kỹ thuật mới về nuôi gà. Khi đã về hưu, ông tiếp tục phát triển nghề chăn nuôi này. Ông nói: “Thấy diện tích đất cát bỏ hoang hóa nhiều quá, bỏ thì phí nhưng làm mùa thì không đạt hiệu quả.
Vậy là tôi dựng trại nuôi gà. Vừa xa khu dân cư, đảm bảo vệ sinh môi trường lại tránh được khi dịch bệnh có thể lây lan. Cứ thế mà làm, lấy ngắn nuôi dài…”.
Khu trang trại nuôi gà của ông hiện nay phát triển thành tổ hợp tác, chuyên nuôi gà ta trên diện tích 10ha với sự tham gia của 5 hộ dân. Khu trại được xây dựng trên trảng cát trắng, cách xa khu dân cư. “Trước đây, chỉ làm theo cách nuôi thông thường, có biết chi là VietGAP đâu.
Chỉ khi có cán bộ của Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 2 vào rồi chỉ cho mình cách nuôi gà theo VietGAP thì mới làm theo. Lúc đầu, thấy rắc rối quá cũng nản, nhưng nghĩ mình có thể đưa ra thị trường một sản phẩm “sạch” nên cứ làm thôi. Riết rồi thấy cách này rất hiệu quả, an toàn, mang lại thương hiệu cho trang trại của mình…” - ông Tín cho biết.
Đó là vào năm 2011, Tổ hợp tác Mười Tín bắt đầu nuôi gà theo quy trình của tiêu chuẩn VietGAP. Ông Trần Minh Tâm, thành viên Tổ hợp tác Mười Tín cho biết: “Nuôi gà VietGAP không như nuôi gà bình thường, bởi nó đòi hỏi cao về nguồn giống, thức ăn, thuốc cho đến cách nuôi.
Tất cả đều có quy trình, quy chuẩn. Như con giống, chúng tôi lấy từ Bình Định thì phải có kiểm dịch xác nhận gà không bị dịch bệnh, có hợp đồng và cam kết thỏa thuận giữa 3 bên (bên cung cấp giống, đơn vị nuôi và đơn vị kiểm tra) để khi xảy ra sự cố thì có hướng xử lý kịp thời và quy rõ trách nhiệm”.
Không chỉ chọn kỹ lưỡng về con giống mà cả thức ăn, thuốc, vắc xin cho gà cũng được kiểm định rất khắt khe. Trong quá trình nuôi, đàn gà sẽ được theo dõi hàng ngày, có sổ nhật ký ghi lại những triệu chứng cụ thể, qua đó tiến hành báo cáo để có cách xử lý. “Có bao nhiêu con gà chết, chết vì triệu chứng gì, sau khi chết thì phải tiêu hủy ra sao…chúng tôi đều được tập huấn kỹ càng.
Thường thì các cán bộ của Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 2 liên tục có những chuyến kiểm tra đột xuất đối với cơ sở của chúng tôi. Nhiều yếu tố được đặt ra như an toàn dịch bệnh, môi trường cho khu dân cư…, nếu sai sẽ bị xử lý ngay” - ông Tín nói thêm.
Những nỗ lực của những thành viên trong Tổ hợp tác Mười Tín đã được đền đáp với Giấy chứng nhận VietGAP do Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 2 cấp vào ngày 26.12.2013.
Những năm qua, tổ hợp tác liên tục phát triển đàn gà, hiện trang trại luôn có từ 8 - 10 nghìn con/lứa (1 năm 3 lứa), tổng thu 1 lứa khoảng 700 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lãi 250 - 300 triệu đồng/năm. Trăn trở của ông Tín là thị trường tiêu thụ hiện thiếu ổn định, sản phẩm gà “sạch” bị đánh đồng với những sản phẩm nuôi theo quy trình thông thường.
Theo ông Tín, mặc dù đã được chứng nhận là sản phẩm sạch theo tiêu chuẩn của VietGAP, nhưng khi sản phẩm ra thị trường thì người tiêu dùng vẫn không thể biết được đâu là gà “sạch”, đâu là gà nuôi theo cách thông thường.
“Chính việc lẫn lộn giữa các sản phẩm với nhau nên giá của thị trường hầu như là ngang nhau. Như vậy con gà của mình nuôi kỳ công, tốn kém nhưng vẫn ngang với người ta. Hơn nữa, nếu người ta trộn lẫn gà không an toàn với gà của mình để bán thì mang tiếng cho gà của mình quá…” - ông Tín nói.
Có thể bạn quan tâm

Gần đây, diện tích rừng trống, đồi núi trọc trên địa bàn các xã miền núi được phủ xanh bởi những cánh rừng tràm, rừng cao su bạt ngàn. Từ đây, nhiều hộ dân phát triển mô hình nuôi ong mật mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, tiềm năng này của Thừa Thiên Huế vẫn đang bị lãng phí.

Hoa lài là loại cây có hoa màu trắng và hương thơm có thể trồng được quanh năm, nhưng tốt nhất là vào thời điểm trước và sau mùa mưa. Ngoài tác dụng làm thuốc, hòa lài còn được sử dụng chế biến ướp trà. Những năm gần đây, nhiều tỉnh thành trong cả nước đã đưa cây lài vào mô hình có hiệu quả kinh tế cao trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó Trà Vinh là tỉnh có điều kiện khí hậu và đất đai thích hợp loại cây trồng này.

Tỉnh Tiền Giang đã triển khai Dự án "Cải thiện sinh kế cho nông hộ nghèo ở huyện Tân Phú Đông" với sự tham gia của Tổ chức Heifer, Tổ chức Liên minh Na uy tại Việt Nam (NMA). Dự án có tổng kinh phí trên 18,2 tỉ đồng, trong đó UBND tỉnh Tiền Giang đầu tư 4 tỉ đồng. Thời gian thực hiện trong vòng 5 năm từ 1/7/2013 đến hết tháng 6/2017.

Năm nay là vụ thứ 3 tỉnh Bắc Kạn đưa dong riềng vào cơ cấu cây trồng mũi nhọn với quy mô đại trà, nhờ đó diện tích cây trồng này đã nhanh chóng được mở rộng lên tới gần 3.000ha, trong khi kế hoạch năm 2013 mới chỉ là 2.100ha. Sản lượng củ dong năm nay ước đạt 193.000 tấn.

Nhờ chịu khó, ham học hỏi, anh Lê Thành Đô, ở ấp 8, xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy (Hậu Giang) có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm từ mô hình nuôi ếch thịt và ếch giống.