Mô Hình Nuôi Gà Thả Vườn

Năm 2004 anh Nguyễn Văn Nhân ở ấp Tân Lễ 2, xã Tân Trung, huyện Mỏ Cày Nam đã tiếp nhận chương trình nuôi gà an toàn sinh học đưa vào nuôi thí nghiệm. Bước đầu gặp không ít khó khăn nhưng anh Nhân luôn tin chắc rằng ở những lần nuôi tiếp theo anh sẽ có nhiều thuận lợi hơn, qua nhiều năm phát triển mô hình nuôi gà thả vườn gia đình anh đã khá hẳn lên.
Bước đầu anh Nhân chọn nuôi 500 con gà, nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật hạn chế được hao hụt, sau 4 tháng đàn gà phát triển nhanh, khi xuất chuồng bình quân 1,5kg/con, sau khi trừ đi chi phí anh còn lãi 15.000 đồng/kg. Tổng thu nhập từ 500 con anh thu lãi trên 10 triệu đồng. Ngoài áp dụng đúng kỹ thuật trong chăn nuôi, bản thân anh Nhân còn tìm tòi học hỏi cách sử dụng nguồn nguyên liệu tự nhiên áp dụng vào thực tế chăn nuôi như: ngâm rượu xử lí cúm khi thời tiết chuyển mùa và các loại cỏ dại có chứa chất đề kháng cao giã nhuyễn phối trộn vào thức ăn hay nước uống cho gà, từ đó đàn gà của anh khỏe mạnh phát triển nhanh và không có dịch bệnh xảy ra. Trong quá trình nuôi đảm bảo cho gà uống nước sạch, trong vuờn nuôi anh Nhân còn trồng thêm cỏ và chuối để tăng chất xơ đàn gà cứng cáp và mau lớn.
Kết quả sau 5 năm thực hiện mô hình nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học đạt hiệu quả kinh tế cao. Từ đó anh Nhân đã mở rộng chuồng trại chăn nuôi, mỗi đợt anh thả nuôi 2.000 con/lần, cứ cách 2 tháng anh lại thả một lần. Mỗi năm anh quay vòng 6 lần, tổng đàn gà xuất chuồng trong năm là 12.000 con, bình quân theo thời giá trừ các khoản chi phí gia đình anh có mức thu nhập gần 150 triệu đồng. Lượng phân gà ngoài việc bón cho cây trồng, anh còn sử dụng nuôi cá trê mỗi năm có thêm thu nhập gần 20 triệu đồng.
Anh Nhân chia sẽ: “Nguyên tắc trong nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học là đàn gà phải được nuôi trong một môi trường đảm bảo vệ sinh, trong suốt quá trình chăn nuôi phải xử lí nền chuồng tránh gây ô nhiễm và được chăm sóc tốt, vì thế đàn gà phát triển nhanh khỏe mạnh, tỷ lệ sống đạt trên 96%. Đây là mô hình đem lại hiệu quả cao cho nông dân”.
Từ mô hình nuôi khép kín hiệu quả kinh tế cao trong nhiều năm qua, gia đình anh Nhân đã có cuộc sống ổn định. Ngoài việc chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao, anh Nhân còn hỗ trợ kỹ thuật cho cán bộ hội viên nông dân nghèo ở địa phương kinh nghiệm trong nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học, giúp hộ nghèo biết cách vươn lên phát triển kinh tế làm giàu./.
Có thể bạn quan tâm

Được trồng làm nguyên liệu giấy từ năm 2004, đã 10 năm trôi qua kể từ ngày đưa vào trồng, hơn 60ha cây luồng đến thời kỳ khai thác không có người đến thu mua, tưởng chừng sẽ chẳng để làm gì, nay luồng đã bắt đầu đem lại một nguồn thu nhập đáng kể cho người trồng ở xã Mỹ Phương (Ba Bể).

Nhằm giải quyết vấn đề đầu ra cho nông sản, giúp nông dân yên tâm sản xuất, Đồng Tháp đang nỗ lực tổ chức lại sản xuất để đưa nông sản vào hệ thống phân phối. Thế nhưng, trong khi các siêu thị có nhu cầu rất lớn đối với nhóm hàng rau, củ, quả tươi sống thì nông dân trong tỉnh lại chưa thể tham gia vào hệ thống này...

Từ đầu năm 2014 đến nay, huyện Cao Lãnh đã đầu tư trên 1 tỷ đồng để xây dựng các đê bao khép kín diện tích vườn với chiều dài trên 15,5km, tập trung tại các xã ven quốc lộ 30. Đến thời điểm này, các công trình trên đều cơ bản hoàn thành, bảo vệ hơn 5.000ha vườn cây ăn trái trên địa bàn huyện.

Khi nước lũ ở đầu nguồn đổ về mạnh, nhiều nông dân tìm mua các loại cá giống để thả nuôi trong mùa lũ, nên hiện nay sức mua các loại cá giống ở huyện Tam Nông đang bắt đầu tăng mạnh.

Ngày 19/8, tại hội trường UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương có buổi làm việc với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ nội dung liên quan đến báo cáo công tác khuyến nông về ứng dụng công nghệ sau thu hoạch và chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh (lúa, cây ăn trái, rau quả).