Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Mô Hình Nuôi Ếch Thái Lan Ở Hải Ninh (Nam Định)

Mô Hình Nuôi Ếch Thái Lan Ở Hải Ninh (Nam Định)
Ngày đăng: 19/03/2014

Thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân, đầu những năm 2000, xã Hải Ninh (Hải Hậu - Nam Định) đã chuyển đổi 50ha đất trồng lúa sang nuôi thủy sản. Tại đây, nhiều hộ đã đưa giống ếch Thái Lan về nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Chúng tôi đến gia đình ông Nguyễn Văn Tân, xóm 7 là người đầu tiên đưa ếch Thái Lan về nuôi tại địa phương. Ông Tân cho biết, qua nhiều lần tham quan, tìm hiểu các mô hình nuôi thủy sản, ông tâm đắc nhất mô hình nuôi ếch Thái Lan vì thấy phù hợp với điều kiện của gia đình. Năm 2007, ông vào Hà Tĩnh mua ếch giống về nuôi. Do chưa có kinh nghiệm nên ông chỉ nuôi thử nghiệm khoảng 700 con ếch thương phẩm.

Sau gần 3 tháng, ông xuất bán lứa ếch đầu tiên có lãi, ông tiếp tục tăng số lượng đàn ếch thương phẩm, đồng thời tiếp tục học hỏi để ương dưỡng, sản xuất ếch giống cho vụ nuôi tiếp theo. Khi đã làm chủ hoàn toàn công nghệ sản xuất ếch giống, ông mở rộng quy mô sản xuất nhằm phục vụ nhu cầu nuôi cho bà con trong và ngoài xã. Từ 100 cặp đôi ếch sinh sản, ông đã sản xuất lứa giống đầu tiên cho thu lãi 50 triệu đồng.

Hiện nay, ông Tân đã chọn lọc và phát triển đàn ếch sinh sản lên 400 cặp đôi bố mẹ. Trung bình mỗi năm ông sản xuất 50-60 vạn con ếch giống, với giá bán từ 1.200-1.500 đồng/con; cùng với xuất bán 2,5 tấn ếch thương phẩm, trừ chi phí mỗi năm ông thu về lợi nhuận trên 300 triệu đồng.

Thấy hiệu quả rõ rệt từ mô hình nuôi ếch của ông Tân, nhiều hộ nông dân trong xã cũng chuyển sang nuôi ếch ghép với nuôi các loại cá truyền thống bằng hình thức nuôi ếch trong lồng cước với kích thước rộng 2m, dài từ 3-4m, cao 1m, đáy có lót xốp và được thả với mật độ 40-50 con/m2. Theo các hộ nông dân ở đây, ếch Thái Lan dễ nuôi, ít bệnh, thời gian nuôi ngắn, lợi nhuận cao.

Giống ếch này không cần diện tích lớn, chi phí đầu tư cho nuôi ếch thương phẩm thấp, mất ít thời gian cho ăn, thức ăn được sử dụng chủ yếu là cám công nghiệp có hàm lượng đạm cao. Nuôi ếch Thái Lan cần lưu ý bệnh đường ruột, bệnh trướng hơi; đặc biệt phải nắm vững quy trình, kỹ thuật nuôi và thay nước thường xuyên để đảm bảo vệ sinh, giữ môi trường nuôi luôn ổn định, hạn chế dịch bệnh, nhất là bệnh ghẻ ở ếch.

Lợi thế của việc nuôi ếch thả ghép với cá là người nuôi có thể tận dụng được thức ăn dư thừa và phân của ếch để làm thức ăn cho cá, vừa làm sạch nước và môi trường ao nuôi. Để tăng hiệu quả nuôi ếch, nhiều hộ nông dân còn xây bể xi măng có trang bị đầy đủ hệ thống cấp, thoát nước. Ông Trần Văn Cường, xóm 1 cho biết, gia đình ông đã đầu tư 6 triệu đồng xây 10 bể xi măng, mỗi bể có diện tích 10m2.

Nhờ chủ động được nguồn nước và thức ăn cho ếch, ông đã tăng mật độ nuôi thả lên tới 80 con/m2. Mỗi lứa ông nuôi 8 nghìn con ếch, hầu hết đàn ếch nhà ông không bao giờ bị bệnh và cho thu lãi tới 32 triệu đồng/lứa. Đến nay, toàn xã có hơn 50 hộ tham gia nuôi ếch. Ếch được nông dân Hải Ninh thả nuôi tập trung từ tháng 4 đến tháng 12, một năm có thể nuôi từ 2-3 lứa, mỗi lứa nuôi khoảng từ 60-65 ngày thì cho thu hoạch.

Hiện nay, nhu cầu thịt ếch trên thị trường ngày càng tăng, đặc biệt là nhu cầu nguyên liệu cho chế biến thủy sản xuất khẩu nên thị trường tiêu thụ không đáng lo. Theo tính toán, mỗi con ếch từ lúc thả tới lúc thu hoạch nặng khoảng 200-250g, nuôi 1.000 con, mỗi lứa trừ chi phí cho thu lãi từ 3-3,5 triệu đồng.

Hiện nay, các hộ nuôi ếch ở Hải Ninh nuôi với quy mô từ 2-3 nghìn con, nhiều hộ nuôi tới 1-1,5 vạn con. Trong năm 2013, sản lượng ếch toàn xã đạt 120 tấn. Nhiều hộ thu lãi từ 60-100 triệu đồng/năm, tiêu biểu như hộ các ông Phạm Văn Tĩnh, Cao Văn Trường, bà Vũ Thị Hưng…

Để liên kết các hộ trong xã tương trợ nhau trong việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi ếch, cung ứng con giống, thức ăn, tìm kiếm thị trường tiêu thụ…, xã đã thành lập CLB nuôi ếch Hội Nông dân xã Hải Ninh. Hiện nay, CLB đã thu hút 32 hộ nuôi ếch tại địa phương tham gia.

Để CLB hoạt động hiệu quả, các hội viên trong CLB thường xuyên sinh hoạt để chia sẻ những thuận lợi, khó khăn và rút kinh nghiệm kỹ thuật. CLB còn tư vấn, tham gia, tổ chức hội nghị đầu bờ cho các hội viên để trao đổi kinh nghiệm trong quá trình nuôi, chăm sóc, bảo vệ ếch.

Hoạt động của CLB nuôi ếch của Hội Nông dân xã Hải Ninh đã góp phần nâng cao hiệu quả cho các hộ nuôi trong xã. Qua hợp tác sản xuất, các thành viên trong CLB đã tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, số lượng lớn, đáp ứng nhu cầu của thị trường.


Có thể bạn quan tâm

Dừa Ninh Đa Sắp Có Thương Hiệu Dừa Ninh Đa Sắp Có Thương Hiệu

Hy vọng, việc xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho quả dừa Ninh Đa được triển khai thuận lợi để quả dừa không bị tư thương ép giá, sản phẩm tiêu thụ nhanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

31/05/2014
Phú Thuận (An Giang) Thả Nuôi Gần 160 Héc-Ta Tôm Càng Xanh Phú Thuận (An Giang) Thả Nuôi Gần 160 Héc-Ta Tôm Càng Xanh

UBND xã Phú Thuận (An Giang) cho biết, nông dân trên địa bàn đã thả nuôi 19 triệu con giống, trên diện tích gần 160 héc-ta, trong đó khoảng 10 héc-ta tôm toàn đực.

31/05/2014
Toàn Tỉnh Đã Thu Hoạch 30.000 Ha Lúa Hè Thu Sớm Toàn Tỉnh Đã Thu Hoạch 30.000 Ha Lúa Hè Thu Sớm

Các địa phương thu hoạch lúa hè thu sớm tập trung nhiều ở huyện Tháp Mười, Cao Lãnh và Tân Hồng. Dự kiến vào cuối tháng 7, toàn tỉnh Đồng Tháp sẽ thu hoạch dứt điểm hơn 194.000ha lúa hè thu.

31/05/2014
Thả 2000 Con Giống Điệp Quạt Tại Vùng Biển Ven Bờ Xã Phước Thể (Bình Thuận) Thả 2000 Con Giống Điệp Quạt Tại Vùng Biển Ven Bờ Xã Phước Thể (Bình Thuận)

Vào lúc 7h, 29/5/ 2014, tại vùng biển ven bờ xã Phước Thể, huyện Tuy Phong (Bình Thuận). Ban quản lý dự án Điệp cùng đại diện các cơ quan chức năng và 50 ngư dân đã thả 2000 con giống Điệp xuống biển để tái tạo nguồn lợi. Giống điệp quạt này được lấy từ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản Nha Trang.

02/06/2014
Ngư Dân Nhơn Lý (Bình Định) Trúng Đậm Cá Nục Gai, Cá Giò Ngư Dân Nhơn Lý (Bình Định) Trúng Đậm Cá Nục Gai, Cá Giò

Từ ngày 26.5 đến nay, hàng trăm tàu thuyền của ngư dân xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn - Bình Định) hành nghề mành trủ trúng đậm cá nục gai, cá giò; có thuyền trúng lớn đến 26 tấn cá. Giá cá nục gai ngày đầu 90 ngàn đồng/két (1 két 12 kg), cá giò 50 ngàn đồng/két, do sản lượng đánh bắt nhiều hiện giá cá nục gai giảm còn 70 - 75 ngàn đồng/két và 40 - 45 ngàn đồng/két cá giò.

02/06/2014