Mô Hình Nuôi Cua Biển Quảng Canh

Ven biển ĐBSCL, cua biển là đối tượng thủy sản thích nghi trong môi trường sinh thái tự nhiên, tăng trưởng tốt ở vùng đất lung trũng, phèn chua... Cua biển rất thích hợp với vùng nước có độ mặn từ 0-30%o, dễ nuôi, vốn đầu tư không nhiều, sản xuất không đòi hỏi kỹ thuật cao, ít bệnh, nguồn giống có nhiều ở rừng ngập mặn ven biển và sản xuất nhân tạo, thức ăn chủ yếu là các loại cá biển rẻ tiền, chi phí thấp có thị trường tiêu thụ ổn định, hiệu quả kinh tế khá, cho thu nhập từ 25-28 triệu đồng/ha/vụ.
Hiện nay, toàn vùng có khoảng 20.000 ha nuôi cua biển, chủ yếu tập trung luân canh dưới chân ruộng muối, artemia, ao nuôi tôm sú và dưới tán cây rừng. Nuôi cua biển trong các mô hình trên thường bắt đầu từ tháng 4 - 7, thường nuôi loại cua yếm vuông cỡ 8-10 con/kg (khoảng 650-800 con/ha là phù hợp nhất). Nói về qui trình kỹ thuật nuôi cua biển, anh Thạch Hạt ở HTX tôm - muối Lai Hoà (huyện Vĩnh Châu – Sóc Trăng) cho biết: “Do ruộng sản xuất (tôm, muối) bằng phẳng nên không cải tạo nhiều, chỉ xiết cạn nước từ 7-10 ngày, bón vôi CaCO3 với 100 - 150 kg/ha, quan trọng nhất trong nuôi cua biển là phải xây dựng hàng rào bằng lưới cước cao từ 0,8 - 1 mét để không cho cua bò đi.
Thả mật độ bình quân từ 1 - 1,5 m2/con là phù hợp nhất. Cua giống phải đồng cỡ, màu sáng đều không bị dị tật; luôn giữ mực nước ổn định từ 0,8 - 1 mét, độ pH từ 7 - 8,5, ao nuôi phải có nhiều bó chà các loại cây để cua trú ngụ trong thời gian lột xác; thức ăn là các loại cá tạp xay nhuyễn hoặc chặt khúc rửa sạch để trong sàn ăn (chiếm từ 8 - 10% trọng lượng cua), thường xuyên thay nước mới theo chu kỳ con nước kém để kích thích cua lột xác và giảm khẩu phần ăn trong thời kỳ cua lột xác”.
Còn anh Võ Thanh Ước, chủ nhiệm Hợp tác xã tôm-muối-artemia Vĩnh Phước (huyện Vĩnh Châu – Sóc Trăng), người đã đi đầu và khá thành công từ mô hình nuôi cua biển cho biết: “Năm nay là năm thứ 4 HTX triển khai mô hình nuôi cua biển trên ruộng muối và artemia từ vài ha ban đầu với năng suất 140 kg/ha đến nay đã nâng lên khoảng 300 ha với năng suất bình quân 260-290 kg/ha. Sau trên 4 - 5 tháng nuôi tất cả cua biển đều đạt 80% loại 1 (cua y), bán cho thương lái từ 100 - 120 ngàn đồng/kg, có thị trường tiêu thụ ổn định và xuất khẩu”.
Theo ông Nguyễn Hồng Thái, Chủ tịch UBND xã Ninh Thạnh Lợi A (huyện Hồng Dân – Bạc Liêu): “Dự kiến, năm nay, xã có trên 3.000ha (trong số 4.000ha đất sản xuất của xã) được bà con thả cua nuôi kết hợp với tôm sú. Mô hình tôm - cua kết hợp đang trở thành sự lựa chọn tối ưu của đa số nông dân với kết quả mang lại rất khả quan: tôm nuôi ít xảy ra dịch bệnh, cua tăng trưởng phát triển tốt. Mô hình này đã được nhân rộng ở nhiều địa phương trong vùng chuyển đổi của huyện”.
Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm là nguồn giống nuôi chưa đáp ứng đủ nhu cầu do diện tích nuôi cua ngày càng mở rộng. Do cung không đủ cầu nên giá cua giống ngày một tăng cao. Cua giống thiên nhiên ở khu vực bãi bồi ven biển, khu vực cửa biển, cửa sông, trên các kênh rạch… trước đây rất nhiều, nhưng do người dân khai thác bừa bãi làm nguồn cua giống dần cạn kiệt. Để chủ động nguồn giống đáp ứng nhu cầu thả nuôi của người dân, Khoa thuỷ sản (Trường Đại học Cần Thơ) chủ động phối hợp với các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu nghiên cứu ương và thử nghiệm sinh sản cua biển giống nhưng vẫn chưa mang lại kết quả như mong muốn
Có thể bạn quan tâm

Gần 2 tháng nữa, Kỳ Sơn (Nghệ An) mới bước vào mùa thu hoạch gừng, nhưng đã có rất nhiều thương lái, doanh nghiệp tìm đến phố núi Mường Xén để tìm nguồn hàng. Hiện nay, giá gừng tươi chất lượng tốt tại Mường Xén lên đến 34 ngàn đồng/kg…

Được coi là một loại cây dược liệu quý, cây trinh nữ hoàng cung đã được một số hộ dân ở xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn, Ninh Thuận) trồng theo hướng thâm canh, thu lá và hoa phơi khô để bán cho một số đầu mối thu mua, chế biến dược liệu. Nhưng từ khoảng một năm nay, do không tiêu thụ được nên người trồng điêu đứng.

Đến nay, toàn tỉnh đã thu hoạch hơn 461ha mía, năng suất bình quân 100-115 tấn/ha, tập trung ở huyện Phụng Hiệp và TX.Ngã Bảy. Do giá đường trên thị trường đang ở mức thấp (12.000-12.100 đồng/kg) nên giá thu mua mía nguyên liệu đầu vụ không cao, nông dân có lợi nhuận ít nên không mấy phấn khởi.

Những ruộng mía, vườn chuối trăm triệu là nguồn thu nhập trông đợi cả năm trời bỗng chốc đổ rạp cùng với nỗi lo đè nặng lên vai người nông dân Gia Bình (Bắc Ninh) sau cơn bão số 3. Thiệt hại bão gây ra cho sản xuất nông nghiệp của địa phương này là không nhỏ và những biện pháp khắc phục, cứu vớt tài sản đang được chính quyền và người dân Gia Bình khẩn trương thực hiện.

Để phát triển kinh tế, khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, mặt nước, nhân lực... góp phần tăng thu nhập cho người dân khu vực nông thôn, UBND huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương trên địa bàn tập trung mở rộng diện tích, đa dạng hình thức nuôi trồng thủy sản theo hướng phát triển bền vững.