Mô Hình Liên Minh Trồng Táo Ở Nhơn Hải

Một ngày giữa tháng 8, chúng tôi đến thăm Câu lạc bộ trồng táo xã Nhơn Hải (Ninh Hải). Với nụ cười rạng rỡ, tay bắt mặt mừng, ông Nguyễn Phế, Chủ nhiệm CLB lại thông báo thêm một tin vui: “Được sự hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh, ngày 9-8 vừa qua, chúng tôi đã thành lập HTX trồng táo Mỹ Khánh, với sự tham gia của 20 xã viên vốn là các thành viên của CLB trồng táo trước đây, với tổng diện tích trồng táo là 13 ha”.
Có thể nói, sự ra đời của HTX Mỹ Khánh là bước tiến quan trọng đánh giá cao hiệu quả sau gần 1 năm hoạt động của CLB trồng táo xã Nhơn Hải, thể hiện nhận thức đúng đắn của bà con về tính cộng đồng, tinh thần đoàn kết, lợi ích thiết thực, lâu dài trong liên minh hợp tác sản xuất. Dẫn chúng tôi tham quan hơn 4 sào táo xanh tốt trĩu quả của gia đình, ông Lê Thái, xã viên HTX Mỹ Khánh, với thâm niên hơn 10 năm trồng táo, cho biết: “Từ khi tham gia CLB trồng táo của xã, tôi cũng như bà con trong CLB được tổ chức đi tập huấn nâng cao kiến thức quy trình kỹ thuật, áp dụng khoa học- kỹ thuật chăm sóc cây táo.
Từ những kiến thức học được, bà con đã dần bỏ hình thức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ trước đây, cùng nhau hợp tác thực hiện các công đoạn như cắt cành, thu hoạch sản phẩm… theo đúng thời vụ, chính vì vậy hạn chế tối đa tình trạng sâu bệnh, năng suất, chất lượng sản phẩm vì thế cao hơn hẳn”. Trung bình mỗi vụ táo, bà con thu hoạch từ 4-6 tấn/sào, cá biệt có vụ lên đến 10 tấn/sào.
Với giá trung bình 5.000 đồng như hiện nay, mỗi ha táo cho thu nhập trên 200 triệu đồng/vụ. Không chỉ được nâng cao kiến thức, ngay sau khi thành lập, CLB còn được Quỹ Hỗ trợ Nông dân tỉnh cho vay 600 triệu đồng, trung bình 15 triệu đồng/hộ, để đầu tư chăm sóc cây táo, đồng thời triển khai mô hình tưới nước tiết kiệm theo phương pháp phun mưa tại gốc cho 10 hộ trồng táo thiếu nước sản xuất.
Để đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của cả hai mô hình, các thành viên, xã viên của CLB trồng táo xã Nhơn Hải và HTX Mỹ Khánh vẫn tiếp tục duy trì các buổi sinh hoạt lồng ghép. Thông qua đó tạo điều kiện cho các thành viên, xã viên có điều kiện giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất. Riêng HTX Mỹ Khánh, mặc dù mới đi vào hoạt động nhưng vừa qua, HTX đã liên kết với Công ty Phân bón Năm Sao và Công ty Phân bón Vạn Long mở đại lý cung cấp phân bón cho bà con, với giá thành thấp hơn giá thị trường. Đối với các xã viên gặp khó khăn về vốn có thể nhận phân bón trước, sau đó đến cuối vụ thanh toán cho HTX.
Hiện nay, cây táo là một trong những cây trồng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều bà con ở địa phương. Tuy nhiên, một khó khăn của những bà con trồng táo chính là đầu ra sản phẩm không ổn định, thường xuyên bị tiểu thương ép giá.
Ông Nguyễn Phế, Chủ nhiệm HTX Mỹ Khánh cho biết: “Ngoài việc vận động, thu hút bà con tham gia vào HTX, mục tiêu lâu dài của HTX Mỹ Khánh là sản xuất sản phẩm táo sạch cung ứng cho thị trường, nâng cao giá thành sản phẩm. Để làm được điều này, chúng tôi đang tiến hành tìm hiểu và đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ và Hội Nông dân tỉnh hướng dẫn quy trình thực hiện sản xuất táo theo tiêu chuẩn VietGap.
Bên cạnh đó, “tham vọng” của các xã viên là sẽ đầu tư hệ thống xử lý, làm sạch, bảo quản táo sau khi thu hoạch. Những việc làm này sẽ là điều kiện không những giúp tạo nên thương hiệu cho trái táo Ninh Thuận mà còn góp phần đáng kể đem lại thu nhập, nâng cao đời sống gia đình các xã viên”.
Có thể bạn quan tâm

Từ quyết tâm thoát nghèo, bằng ý chí và nghị lực kiên cường, chị Lâm Thị Nụ, tiểu khu 2, thị trấn Cao Phong (Cao Phong - Hòa Bình) đã mạnh dạn đầu tư vào cây cam. Vượt qua những khó khăn và thất bại, sau 10 năm gắn bó, cây không phụ lòng người, giúp gia đình chị thoát nghèo và trở thành tỷ phú.

Những năm gần đây, giá cam cam xoàn ở huyện Long Mỹ luôn đứng ở mức cao, từ 27.000 - 50.000 đồng/kg, trong khi chi phí đầu tư cho một công cam xoàn từ 10 - 15 triệu đồng, khoảng 2 năm là cho thu hoạch, mỗi năm 2 đợt trái với năng suất trung bình từ 20 đến 30 tấn/ha. Với giá như hiện nay, sau khi trừ chi phí người trồng cam còn thu lời từ 200 đến 300 triệu đồng mỗi héc-ta. Theo thống kê, huyện Long Mỹ hiện có hơn 300ha cam xoàn, trong đó có gần 100ha đang cho trái.

Bộ NN&PTNT cho biết, Chỉ thị được đưa ra bởi Ủy ban châu Âu có văn bản gửi Bộ thông báo tình trạng gia tăng đột biến các lô hàng thủy sản của Việt Nam bị cảnh báo vi phạm quy định về hóa chất kháng sinh và đề nghị phía Việt Nam phải có các biện pháp khắc phục khẩn cấp, thông báo lại cho phía họ trước ngày 9/1/2015.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ có chính sách hỗ trợ tiền xây dựng ao lắng cho người nuôi tôm. Theo đó, những hộ xây dựng ao lắng mới sẽ được hỗ trợ 70 triệu đồng/ha, 35 triệu đồng/ha cho những hộ thực hiện cải tạo lại ao với điều kiện các hộ phải trong tổ hợp tác, liên kết.

Bên cạnh đó, Sở cũng đã xây dựng, khuyến khích đầu tư các dự án nuôi trồng thủy sản, đảm bảo các điều kiện trong nuôi trồng thủy sản thâm canh, an toàn dịch bệnh; rà soát quy hoạch và nâng cao năng lực các cơ sở giống chất lượng, sạch bệnh, cung cấp đủ cho sản xuất; không ngừng kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở chế bến thủy sản đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.