Mô Hình Làm Giàu Từ Mít Nghệ Ở Lâm Đồng

Bên cạnh hai cây trồng chủ lực là chè và cà phê, cây mít nghệ cũng đang là loại cây trồng mới đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nơi xã nghèo Lộc Bảo (huyện Bảo Lâm).
Giữa năm 2011, Phòng Nông nghiệp huyện Bảo Lâm đã tiến hành khảo sát điều kiện tự nhiên tại Lộc Bảo nhằm lựa chọn một số giống cây trồng có khả năng phát triển tốt và cho năng suất cao tại đây.
Trong số những giống cây trồng mới được đưa ra, nhiều hộ dân đã chọn giống mít nghệ làm cây trồng thí điểm. Từ 10 đến 20 cây trồng thử ban đầu, đến nay nhiều gia đình đã tự mua thêm cây giống để sản xuất trên diện tích nhiều hécta.
Gia đình chị Trịnh Thị Xuân - thôn 1 (xã Lộc Bảo), là một trong những hộ tiêu biểu đã làm giàu thành công từ mô hình trồng cây mít nghệ, loại cây mà từ trước đến nay vẫn được xem là cây trồng xen để lấy trái ăn tươi.
Sau khi trồng thí điểm, nhận thấy thế mạnh của loại cây này, gia đình chị đã dành nguyên 3ha đất đồi để trồng chuyên canh mít nghệ. Sau gần 3 năm chăm sóc, đã cho thu hoạch lứa đầu tiên với năng suất rất cao.
“Hiện tại, giá mít bán cho thương lái tại vườn dao động từ 5.000 - 6.000 đồng/1kg. Sau khi trừ tiền công và phân bón, mỗi mùa gia đình thu về hơn 150 triệu đồng trên 900 gốc mít. Ngoài ra, việc cung cấp cho các thị trường nhỏ lẻ tại Bảo Lộc, Đà Lạt … cũng cho gia đình tôi thêm thu nhập vài triệu đồng một tháng”, chị Xuân cho biết thêm.
Nhờ trồng chuyên canh trên diện tích lớn nên mỗi đợt thu hoạch đều được thương lái đến thu hái và mua ngay tại vườn. Sắc vàng, múi to và dày cùng vị ngọt thơm của mít nghệ Lộc Bảo đã thu hút thương lái gần xa tìm đến.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại sản lượng mít ở Lộc Bảo không đủ bán cho các vựa ở Bảo Lộc và nhất là những doanh nghiệp ở Đồng Nai lên mua.
Đối với mít loại 1 thương lái thu mua để xuất khẩu, các loại còn lại chủ yếu cung cấp cho nhà máy mít sấy khô. Sản phẩm mít thích hợp thị trường ăn tươi và chế biến khô nên ít rủi ro khi tiêu thụ. Tuy nhiên, như hiện nay, việc trồng và bán mít vẫn còn phụ thuộc nhiều vào giá cả thị trường.
Anh Nguyễn Thế Đăng - một hộ dân khác ở xã Lộc Bảo có diện tích trồng mít trên 3ha chia sẻ: Khác với một số huyện lân cận như Đạ Huoai, Đạ Tẻh mít thường bị ruồi vàng đục làm thối trái, thì mít nghệ Lộc Bảo hoàn toàn không bị xâm hại bởi loài vật này.
Mít thích hợp nhất với khoảng cách cây 5m, để trái có trọng lượng lớn, hình dáng đẹp, bán được giá cao, nhà vườn cần tỉa bỏ bớt khi trái còn nhỏ, tùy theo độ tuổi của cây mà chừa trái cho thích hợp. Khi thu hoạch, trái mít có trọng lượng từ 5 đến 10kg là chuyện bình thường.
Giữa chu kỳ của hai lần thu hoạch, gia đình anh Đăng tiến hành từ 2 đến 3 lần bón phân cho cây, với trung bình khoảng 5 tạ/lần. Sau khi thu hoạch cây được cắt tỉa cành để cây khỏe, không bị nấm, sâu và ra trái tốt ở vụ sau.
Đã nhiều năm trồng cà phê, chè và nhiều loại cây trồng khác, anh Đăng nhận thấy trồng mít cho thu nhập cao hơn nhiều nhờ chi phí thấp, sử dụng phân, thuốc ít và tốn ít công chăm sóc, thu hoạch.
Ông Ngô Trường Hận - cán bộ nông-lâm-thủy xã Lộc Bảo cho biết: Theo số liệu thống kê của Hội Nông dân xã Lộc Bảo, hiện nay, trên toàn xã có hơn 500ha trồng mít, trong đó hơn 50ha là mít của người dân tự trồng, còn lại là diện tích mít của Công ty TNHH Lê Dương thuê đất trồng tại xã.
Ở xã nghèo Lộc Bảo, không chỉ gia đình chị Xuân, anh Đăng mà còn nhiều hộ dân nữa đang hy vọng đầu ra của sản phẩm sẽ ổn định hơn, để mít nghệ sớm trở thành loại cây chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nơi đây.
Có thể bạn quan tâm

Lần đầu tiên xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt cột mốc gần 1,5 tỉ USD, tăng gần 500 triệu USD so với năm 2013. Kim ngạch mặt hàng này những năm tới sẽ còn cao hơn nữa bởi hiện các DN không chỉ xuất tươi mà còn tập trung chế biến thành những sản phẩm có giá trị gia tăng.

Về phía người dân, phải thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thủy sản; tuân thủ mùa vụ thả, nuôi theo hướng dẫn của cơ quan chức năng; quản lý tốt nguồn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản. Trong quá trình chăn nuôi thủy sản, người dân cần sử dụng thức ăn, chế phẩm sinh học, thuốc kháng sinh, hóa chất nằm trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và PTNT công bố, sử dụng con giống có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch của cơ quan thú y…

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) triển khai thực hiện sau 4 năm trên địa bàn tỉnh ta đã đạt được những kết quả khả quan, với nhiều dấu ấn tích cực; tạo bước tiến dài và là cơ sở vững chắc để tỉnh ta hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu theo đúng lộ trình đề ra trong giai đoạn 2011 - 2015 dù còn không ít gian nan, thách thức...

Trong năm 2014, Ban chỉ đạo giảm nghèo đã tổ chức tập huấn kỹ thuật về cây trồng, vật nuôi cho 662 hộ nghèo được bình xét trên địa bàn 38 xã. Nhờ có chương trình, đa số các hộ trồng trọt chăn nuôi đều có hiệu quả, nâng cao thu nhập, từng bước thoát nghèo.

Điều cốt lõi của nông thôn mới là nâng cao chất lượng sống của nông dân, thể hiện rõ nhất ở mức thu nhập. Trong đó, 2 địa phương “đột phá” trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh đã đạt những con số ấn tượng: TX.Long Khánh đạt thu nhập bình quân 38,6 triệu đồng/người/năm (tăng hơn 2 lần so với năm 2009), Xuân Lộc đạt 37,6 triệu đồng/người/năm (tăng gấp 3 lần so với năm 2008).