Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Mở Cửa Cho Bắp Biến Đổi Gien

Mở Cửa Cho Bắp Biến Đổi Gien
Ngày đăng: 27/11/2014

Bộ TN-MT đã phê duyệt và cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học (GCNATSH) cho hai giống bắp ngô biến đổi gien tại VN, bao gồm GA21 của Công ty TNHH Syngenta VN và NK603 của Công ty TNHH Dekalb VN (Monsanto). 

Cần tổ chức tốt khâu tiêu thụ để có thể nhanh chóng phát triển cây bắp, thay thế nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu - Ảnh: Q.T

Trước đó, Bộ NN-PTNT cũng cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi cho các loại bắp BĐG NK603 và MON 89034 của Công ty Dekalb VN; GA21 và MIR162 của Công ty Syngenta VN. Như vậy các quy trình cấp phép đã gần như hoàn tất và những giống bắp biến đổi gien có thể đưa vào sản xuất đại trà từ năm 2015.

Chuyển đổi cây bắp trên toàn quốc

Bắp biến đổi gien NK603 đã được 11 quốc gia phê chuẩn, giống GA21 đã được 9 quốc gia cấp phép phóng thích vào môi trường. Trong đó có thể kể đến các quốc gia phát triển như Mỹ, Canada, Nhật Bản. Chỉ còn trải qua một đợt trồng khảo nghiệm trên diện rộng nữa là giống bắp sẽ được đưa vào trồng phổ biến tại VN từ năm 2015.

Theo Bộ TN-MT, các loại bắp được cấp GCNATSH đều mang đặc tính chống chịu thuốc trừ cỏ. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường hiệu quả kiểm soát cỏ dại bởi nông dân có thể phun thuốc trừ cỏ gốc glyphosate trực tiếp trên ruộng bắp trước và sau khi trồng mà không gây ảnh hưởng đến cây bắp.

Trên thế giới, công nghệ biến đổi gien chống chịu thuốc trừ cỏ đã được chứng minh là mang lại hiệu quả lâu dài trong việc tăng thu nhập cho nông dân, giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững. Trong giai đoạn 1996-2012, thu nhập tăng thêm nhờ ứng dụng bắp biến đổi gien chống chịu thuốc trừ cỏ trên toàn cầu là hơn 5 tỉ USD. Lợi nhuận tăng thêm này đến từ hai nguồn chính gồm tăng năng suất cây trồng và giảm chi phí sản xuất; lượng thuốc trừ cỏ được sử dụng cũng đã giảm 203.000 tấn.

Theo các chuyên gia, tới thời điểm này hành lang pháp lý đã đầy đủ, nhiều nhà quản lý, nhà khoa học và người dân đều đồng thuận chính là cơ hội thuận lợi để chính thức ứng dụng cây trồng biến đổi gien. Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNN cũng đã có kế hoạch chuyển đổi cây bắp trên toàn quốc giai đoạn 2015 - 2020. Theo đó, đến năm 2015 chuyển hơn 120.000 ha lúa kém hiệu quả sang trồng bắp; năm 2020 chuyển hơn 183.000 ha lúa sang trồng bắp.

Cần có sự vào cuộc mạnh mẽ để giúp nông dân

Về đầu ra cho bắp nói chung, ông Chainan Nuphet, Phó tổng giám đốc cấp cao của Công ty chăn nuôi C.P VN, cho biết: “Chúng tôi sẵn sàng thu mua bởi chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước sẽ tốt hơn là nhập khẩu với giá cả và nguồn hàng không ổn định. Tuy nhiên, chúng tôi không có hệ thống thu gom. Thị trường phải tự hình thành hệ thống đại lý thu gom bắp, đảm bảo nguyên liệu có chất lượng đồng đều thì chúng tôi mới có thể mua”.

Theo TS Lê Quý Kha, Phó viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, cây bắp ở VN chưa thể cạnh tranh được với bắp nhập khẩu, chỉ có áp dụng cơ giới hóa thì giá thành mới giảm được. “Hiện nay các mô hình trồng bắp áp dụng cơ giới chưa đồng bộ.Ở Cần Thơ, nông dân áp dụng được máy tẽ hạt, chưa có máy lên liếp, chưa có lò sấy. Ở Long An, nông dân mới có máy tách hạt. Nông dân ở tất cả các tỉnh đều chưa được nhìn thấy máy thu hoạch 2 hàng bắp, chưa biết tận dụng lò sấy lúa thành lò sấy bắp. Hầu hết máy móc do nông dân tự chế, chưa có máy móc đồng bộ đưa vào sản xuất”, TS Kha nói.

Ông Nguyễn Hồng Chính, Giám đốc đối ngoại Công ty Dekalb VN (Monsanto) làm phép tính: “Nếu kế hoạch phát triển diện tích trồng bắp lên 120.000 ha trong 3 năm thì ít nhất mỗi năm chúng ta phải tiếp cận tập huấn chuyển giao cho khoảng 30.000 nông dân với 400 - 500 lớp tập huấn cho 1 năm. Đây là việc rất lớn và rất quan trọng, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ từ Cục Trồng trọt, Trung tâm khuyến nông quốc gia và các địa phương”.

Theo ông Chính, quy hoạch vùng sản xuất là điều kiện vô cùng quan trọng, cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương để hình thành những vùng sản xuất đáp ứng được yêu cầu sản xuất hàng hóa. Ngoài ra Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đầu ra, như đặt cơ sở thu mua, miễn giảm thuế để họ mạnh dạn đầu tư nơi thu mua, tạo nên vùng nguyên liệu.

Kiểm tra nghiêm ngặt đầu ra

Theo nhiều chuyên gia trong ngành nông nghiệp, việc các bộ ngành liên quan áp dụng quy trình đánh giá, thẩm định kỹ lưỡng, khoa học cho các sản phẩm bắp biến đổi gien và bắt buộc các công ty được cấp phép sử dụng phải tổ chức quản lý, giám sát an toàn sinh học là cần thiết. Nhưng đó mới là đầu vào sản xuất, cần phải tăng cường hậu kiểm chắc chắn để đảm bảo chất lượng nghiêm ngặt đầu ra thị trường đối với thực phẩm biến đổi gien nhằm đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.

Hiện nay Bộ NN-PTNT đang phối hợp với các bộ liên quan để hoàn thiện cơ sở pháp lý, trong thời gian tới sẽ ra thông tư hướng dẫn việc dán nhãn trên nông sản biến đổi gien.

Nguồn bài viết: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20141127/mo-cua-cho-bap-bien-doi-gien.aspx


Có thể bạn quan tâm

Ca Cao Cứu Vườn Dừa Ở Vĩnh Long Ca Cao Cứu Vườn Dừa Ở Vĩnh Long

Từ một loại cây trồng xen, “núp bóng” dừa để tăng thu nhập, thì nay ca cao đã dần khẳng định chỗ đứng khi giá dừa còn quá bấp bênh.

24/09/2012
Lập Nghiệp Từ Xoài Lập Nghiệp Từ Xoài

Ở tuổi 27, anh Nguyễn Văn Nhã (sinh năm 1985, xã Cam Hiệp Bắc, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) đã là chủ nhân của vườn xoài hơn 7 năm tuổi (diện tích 6 sào), mỗi năm cho thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng. Anh còn trồng thêm mía, mì; dự định mở rộng vườn tược thực hiện mô hình kinh tế trang trại.

24/09/2012
Hạ Lang Phát Triển Chăn Nuôi Dê Hàng Hóa Hạ Lang Phát Triển Chăn Nuôi Dê Hàng Hóa

Mấy năm gần đây, nhân dân huyện Hạ Lang đã phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương đầu tư phát triển đàn dê trở thành hàng hóa, góp phần tích cực trong công tác xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập.

19/06/2013
Diện Tích Sả Tăng Đột Biến Diện Tích Sả Tăng Đột Biến

Toàn huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) có trên 450 ha trồng sả, tăng gấp 10 lần so với đầu năm 2013, chủ yếu tập trung tại xã: Phú Thạnh, Phú Đông và Phú Tân. Nhiều bà con nơi đây cho biết, trồng sả mang lại lợi nhuận kinh tế cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa và nông dân hiện trồng xen canh 1 vụ sả, 1 vụ lúa. Giá sả thương phẩm hiện tại được các thương lái từ Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn đến mua với giá 5.500 đồng/kg, lúc cao điểm giá lên tới 7.500 đồng/kg. Sau 3 tháng trồng sả, bà con nơi đây thu lãi gần 10 triệu đồng/1.000 m2 đất.

06/08/2013
Vườn Cây Ăn Trái Kêu Cứu Vườn Cây Ăn Trái Kêu Cứu

Nhiều vườn cây ăn trái như vú sữa, xoài, sa pô chê… ở Tiền Giang, Đồng Tháp… đang bị suy kiệt, lão hóa, thậm chí “chết đứng” do thối rễ, khô lá, chết nhánh, làm cho nhà vườn lo lắng. Theo một số nhà quản lý, do chủ vườn, thương lái “bắt” cây ra trái quá mức nên cây mới suy kiệt, chết. Còn các nhà vườn lại bảo cây chết là do bón nhầm phân giả, nên nguồn nước, đất vườn bị ngộ độc làm hại cho cây…

06/08/2013