Mít Siêu Sớm Cho Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Những năm qua, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, các hội, đoàn thể ở xã Suối Rao (huyện Châu Đức) đã vận động, định hướng cho nông dân thực hiện nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, mô hình trồng mít siêu sớm đang được nhân rộng, mang lại thu nhập cao cho bà con nông dân.
Sau gần 2 năm trồng thử nghiệm với 450 cây mít siêu sớm, vườn mít của gia đình ông Nguyễn Văn Nhàn, ở ấp 4, xã Suối Rao đã cho thu hoạch lứa trái đầu tiên. Ông Nhàn cho biết, qua nhiều lần chuyển đổi cây trồng, ông quyết định chọn mít siêu sớm bởi giá trị kinh tế hơn hẳn nhiều loại cây trồng khác. Loại mít siêu sớm có múi dày, mùi thơm nhẹ, ngon ngọt đang được thị trường ưa chuộng. Mỗi cây mít cho từ 4-5 trái, mỗi trái có trọng lượng từ 12-15kg, giá bán trên thị trường hiện tại khoảng 10.000 đồng/kg. Tính ra một cây cho thu hoạch từ 500-700.000 đồng, mỗi mùa thu hoạch ông thu nhập hơn 100 triệu đồng. Đến nay, ông Nhàn đã mạnh dạn chặt bỏ 1ha điều để đầu tư trồng mít siêu sớm. Ông Nhàn cho biết thêm, so với các loại cây ăn trái khác, mít siêu sớm có nhiều ưu điểm: Dễ trồng, ít sâu bệnh, chi phí phân, thuốc thấp, năng suất, lợi nhuận cao, một cây mít ở độ tuổi 2 năm trở lên cho thu hoạch bình quân 100kg trái/năm. Để cây cho năng suất cao, cần chú trọng bón phân chuồng kết hợp phân hóa học, liều lượng hợp lý, nhằm hạn chế xơ đen, trái nứt, cơm vàng, ngọt, thị trường ưa chuộng. Tuổi thọ của mít rất ngắn, không quá 10 năm tuổi, vì thế muốn cây phát triển tốt nên tỉa bớt trái non và không để rong xanh bám vào cây, phải thường xuyên kiểm tra cắt tỉa cành hư và chà rửa những vết rong bám vào thân cây. Trung bình 10 ngày phun thuốc 1 lần nhằm phòng trừ sâu đục cuống và tăng cường thuốc dưỡng để trái non phát triển tốt.
Ông Lê Văn Chí, ở ấp 4, xã Suối Rao, là một trong những nông dân đầu tiên trồng cây mít siêu sớm cho biết, trước đây với 1,2ha đất, ông trồng đủ các loại cây như: cam, quýt, bưởi… nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2007, ông cùng với người bạn xuống Tiền Giang và mang giống mít siêu sớm về trồng. Đến nay, vườn mít của ông có hơn 500 gốc.Theo tính toán của ông Chí, chi phí đầu tư cho vườn mít mỗi năm chỉ tốn từ 4-5 triệu đồng tiền phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, ít hơn 10 lần so với các loại cây trồng như: tiêu, cà phê. Tuy nhiên, trồng giống mít này phải thường xuyên chăm sóc, bón phân và theo dõi các loài sâu đục trái, thối trái và bệnh nấm cây. Ngoài ra, cần chú ý tưới nước thường xuyên cho cây, nhưng không được để ngập úng, nhất là khi cây ra trái, nếu không múi mít bị sượng. Ông Chí đã đầu tư giàn tưới phun sương tự động, tiết kiệm được thời gian, nhân công và lượng nước tưới không bị lãng phí. Đến nay, tại xã Suối Rao đã có hơn 70 hộ chuyển đổi từ vườn cây trồng kém hiệu quả sang trồng mít siêu sớm.
Theo ông Phạm Văn Hinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Suối Rao, mặc dù là xã có 98% người dân sống bằng nông nghiệp, nhưng thời gian qua, địa phương vẫn không có loại cây trồngchủ lực để sản xuất hàng hóa, chưa đóng góp nhiều vào phát triển ngành nông nghiệp. Do đó, với những mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, xã Suối Rao đang từng bước nhân rộng theo hướng phát triển bền vững, an toàn và hiệu quả.Xã Suối Rao đã triển khai chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, mùa vụ, đồng thời khai thác có hiệu quả quỹ đất nông nghiệp trên địa bàn. “Chúng tôi nhận định các mô hình như trồng mít siêu sớm, chăn nuôi bò, dê đang có hiệu quả kinh tế cao nên vận động bà con nhân rộng mô hình trồng mít siêu sớm, phát triển trồng cỏ chăn nuôi bò đem lại lợi nhuận kinh tế cao cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp” - ông Phạm Văn Hinh nói.
Có thể bạn quan tâm

Đến cuối tháng 9-2014, Tiền Giang đã thu hoạch được trên 73.000 ha/77.000 lúa hè thu. Năng suất bình quân 50,9 tạ/ ha, tăng hơn 0,6 tạ/ha so với vụ hè thu năm trước và sản lượng đạt trên 372.000 tấn lúa . Hiện nay, tỉnh đang chỉ đạo các huyện trong vùng ngập lũ khẩn trương thu hoạch nhanh gọn lúa hè thu còn lại, không để thiệt hại do lũ lụt gây ra.

Sau thời gian hoành hành, dịch cúm A/H5N1 tạm lắng thì mới đây, gia cầm lại bị phát hiện nhiễm loại vi rút cực độc cúm A/H5N6, trong khi Cục Thú y cũng chưa xác định được loại vắc xin phù hợp để phòng cúm A/H5N6 trên đàn gia cầm… Vì vậy, công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi được ngành thú y tích cực triển khai.

Trên vùng đất nông nghiệp khá xa xôi, hẻo lánh ở thôn Đông Hòa, xã Tân Hà, Hàm Tân bây giờ đã hình thành cơ sở nhân hạt giống các loại cây trồng nông nghiệp nổi tiếng trong nước mang tên Đồng Tiền Vàng. Chính người con của vùng đất khô cằn này sau khi tốt nghiệp đại học cùng người bạn thân của mình đã quay về gầy dựng nên thương hiệu cho quê nhà…

Từ đầu mùa lũ đến nay, nông dân các tỉnh miền Tây Nam Bộ tất bật ra đồng bắt ốc bươu vàng (OBV) đem về luộc, sơ chế để bán cho các chủ vựa rồi xuất sang Trung Quốc.

Trước đó, vào tháng 8, Chính phủ Thái cũng đấu thầu cung cấp 167.000 tấn gạo, nhưng số gạo được bán ra chỉ đạt 73.000 tấn, do giá thầu nhận được thấp hơn giá sàn quy định.