Minh Thanh Phát Triển Kinh Tế Rừng

Xã Minh Thanh (Sơn Dương) có diện tích rừng chiếm 2/3 diện tích đất tự nhiên. Nhân dân đã tập trung phát triển kinh tế rừng, thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ và phát triển rừng, coi đây là mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương..
Toàn xã có trên 2.400 ha rừng, trong đó trên 750 ha rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, còn lại là rừng sản xuất. Diện tích rừng trải đều ở 13 trong 14 thôn. Xác định phát triển và bảo vệ rừng là nhiệm vụ trọng tâm, cấp ủy, chính quyền xã và các đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực phát triển trồng rừng, bảo vệ rừng, không vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng... vì vậy, những năm gần đây, trên địa bàn xã không có hiện tượng trồng cây trái phép trên đất lâm nghiệp, hay xảy ra cháy rừng...
Hằng năm, UBND xã đều chỉ đạo kiện toàn Ban phát triển rừng của xã và các thôn. Căn cứ vào kết quả rà soát đất lâm nghiệp, giao chỉ tiêu trồng rừng cho từng thôn; xây dựng phương án chủ động phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR); kiểm tra hoạt động của các tổ PCCCR ở các thôn.
Anh Hoàng Văn Trưởng, Phó trưởng thôn Đồng Đon, thành viên tổ PCCCR của thôn cho biết, thôn có 46 ha rừng, trong đó có 17,9 ha rừng sản xuất. Nhiều năm nay, thôn đều duy trì hoạt động của tổ PCCCR, với gần 10 thành viên, có tổ trưởng, tổ phó. Hằng năm, tổ được cấp phát một số dụng cụ cần thiết cho công tác PCCCR như dao, câu liêm, giầy…
Các thành viên trong tổ còn phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể thôn vận động bà con thực hiện trồng rừng đúng kế hoạch. Năm 2014, thôn được giao trồng mới 4 ha rừng, đến nay đã hoàn thành 100% kế hoạch.
Năm 2012, UBND xã đã phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ Tân Trào vận động nhân dân trồng mới 91 ha rừng. Hằng năm, công tác trồng rừng đều được chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu vụ, các hộ có diện tích trồng rừng mới đều được tuyên truyền, vận động trồng hoàn thành kế hoạch.
Năm 2014, theo kế hoạch toàn xã trồng mới 81 ha rừng, đến giữa tháng 7 đã thực hiện được trên 81% kế hoạch. Do thời gian đầu vụ nắng nóng kéo dài đã gây ảnh hưởng đến tiến độ trồng rừng, hiện nay thời tiết đang thuận lợi, bà con đã tập trung trồng rừng, phấn đấu hoàn thành trước 30-7.
Trên địa bàn xã có nhiều hộ trồng rừng lâu năm, gắn bó với rừng, luôn thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng. Từ kinh tế rừng đã mang nguồn thu khá cho các hộ, giúp nhân dân ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo. Gia đình ông Đỗ Văn Khan, thôn Đồng Đon có hơn 3 ha rừng đã trồng từ nhiều năm nay.
Năm 2013, gia đình ông khai thác 3 ha, thu được 140 triệu đồng. Ngay sau khai thác, ông đã trồng mới 3 ha rừng, vừa phát triển kinh tế gia đình, vừa góp phần giữ gìn môi trường sống trong lành.
Theo UBND xã Minh Thanh, cùng với công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trồng rừng đạt kế hoạch năm 2014, xã vẫn đang tiếp tục rà soát diện tích đất lâm nghiệp để chủ động xây dựng kế hoạch trồng rừng năm 2015. Hiện nay, hầu hết diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn xã đều đã được cấp sổ bìa đỏ, đây không chỉ là cơ sở pháp lý để người dân thực hiện nghiêm công tác trồng và bảo vệ rừng, mà còn giúp người dân yên tâm phát triển kinh tế rừng hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm

Từ ngư dân chính hiệu, họ tự tìm tòi, học hỏi đã trở thành những người nuôi tôm giỏi, vươn lên làm giàu trên vùng cát quê hương. Tạm gọi họ là những “kỹ sư” chân đất.

Dọc vùng ven biển Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa), những cánh rừng ngập mặn đã bắt đầu vươn lên xanh tốt. Dưới tán rừng, các loài thủy sản được người dân thả nuôi đang mang lại hiệu quả cao.

Ngày 19/7, kỹ sư Phạm Duy Phượng, giảng viên Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa (Phú Yên), cho biết, sau hơn nửa năm chế tạo thành công bộ thiết bị gây tê cá ngừ đại dương bằng điện, đến nay, ông đã chế tạo được hơn 30 bộ gây tê cá ngừ, cung cấp cho ngư dân trong tỉnh và ngoài tỉnh. Giá mỗi bộ thiết bị 25 triệu đồng, thấp hơn ba lần so với thiết bị cùng loại do Nhật Bản sản xuất.
Báo cáo của Chi cục Thủy sản cho thấy, nuôi cá lồng bè phát triển ổn định cả sản lượng và giá cả, trong khi nuôi cá tra tiếp tục thua lỗ.

Từ thổ nhưỡng thuận lợi và kinh nghiệm sẵn có, nông dân xã Phú Thuận (An Giang) đang phục hồi, mở rộng vùng nuôi tôm càng xanh 502 héc-ta, trở thành vùng chuyên canh lúa-tôm lớn nhất tỉnh.