Minh Quang Hối Hả Làm Mùa

Vụ lúa mùa năm nay, xã Minh Quang (Chiêm Hóa) có kế hoạch gieo cấy 412 ha (cao nhất huyện). Để đảm bảo sản xuất đúng khung thời vụ, góp phần nâng cao sản lượng lương thực của huyện, cán bộ Trạm Khuyến nông huyện phối hợp với UBND xã chỉ đạo bà con nông dân khẩn trương làm đất và gieo cấy lúa..
Thời điểm này, bà con nông dân xã Minh Quang đang tập trung ra đồng cày, cấy. Vụ lúa xuân vừa qua, năng suất lúa trung bình cả xã đạt 61 tạ/ha, là năm được mùa lớn nên bà con nông dân rất phấn khởi. Thu hoạch đến đâu, bà con nhanh chóng bắt tay vào cày bừa, triển khai sản xuất vụ mùa đến đấy. Chị Ma Thị Son, thôn Nà Mè đang mải miết cấy nốt khoảnh còn lại trên diện tích hơn 1.000 m2 của gia đình, cho biết: “Tranh thủ thời tiết mát mẻ, từ 4 rưỡi sáng bà con ở đây đã ra đồng làm việc”. Ở các thửa ruộng khác, bà con nông dân cũng tập trung nhân lực, máy cày và trâu hối hả làm đất và gieo cấy.
Tính đến hết ngày 16-6, cả xã Minh Quang đã cày lật đạt trên 90% diện tích; cấy được gần 10 ha. Anh Ma Phúc Khứu, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Chiêm Hóa cho biết, toàn huyện phấn đấu cấy xong trước ngày 25-6. Vụ mùa này, Trạm Khuyến nông huyện tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất phân nén cung cấp đầy đủ cho các địa phương; khuyến khích, vận động bà con nông dân trong xã sử dụng phân viên nén dúi sâu vào sản xuất. Riêng xã Minh Quang phấn đấu đưa diện tích sử dụng phân nén lên trên 50% diện tích.
Tuy nhiên, trên đồng ruộng xã Minh Quang năm nay xuất hiện khá nhiều ốc bươu vàng. Nhiều người cho biết, chiều hôm trước nhặt được đầy chậu, sáng hôm sau, ốc lại theo nước tràn vào mặt ruộng. Anh Ma Công Tịnh, thôn Nà Mè cho biết, gia đình có hơn 3.000 m2 ruộng, đã huy động nhân lực bắt tay mà không xuể, nên ngay sau khi cấy xong, anh sẽ chủ động phun thuốc diệt ốc, bảo vệ lúa vừa cấy cho đến khi đẻ nhánh.
Minh Quang là địa phương có truyền thống gieo trồng 3 vụ, nên xã rất chú trọng việc áp dụng các giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn vào sản xuất; áp dụng biện pháp gieo mạ sân và gieo mạ trên nền đất cứng. Cơ cấu giống trong vụ mùa của xã chủ yếu vẫn là các giống lúa lai LS1, Tạp giao 1, lúa thuần BC15 và các giống ngắn ngày cho năng suất cao khác như Việt lai 20, QR1...
Theo dự báo vụ mùa năm nay, thời tiết tiếp tục có diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến sản xuất, xã đã phối hợp thực hiện tốt sự chỉ đạo của huyện làm tốt công tác phòng chống giảm nhẹ thiên tai; tổ chức rà soát lại các chân ruộng thường xuyên ngập úng để triển khai gieo mạ dự phòng đảm bảo khung thời vụ, tạo điều kiện kịp thời gian bố trí sản xuất cây vụ đông. Chú trọng khâu kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sâu, bệnh kịp thời và tổ chức các biện pháp phòng trừ, tránh lây lan ra diện rộng.
Có thể bạn quan tâm

Ở thời điểm này, hồ tiêu có giá hơn 190 nghìn đồng/kg. Cây tiêu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn các loại cây trồng khác như cao su, cà phê, điều. Do lợi nhuận cao, nhiều hộ nông dân ở Bình Phước chặt bỏ điều, thậm chí cao su và đua nhau trồng tiêu, vừa tạo ra cơn sốt nọc tiêu, vừa có nguy cơ phá vỡ quy hoạch của ngành nông nghiệp.

Riêng cô Huỳnh Kim Đào quyết tâm tìm hiểu, dự hội thảo về khoa học kỹ thuật, tự tích lũy kinh nghiệm để tiếp tục theo đuổi cây nấm linh chi. Mặt khác, cô tự tìm đến các công ty sản xuất phôi để tìm phôi giống, đồng thời lo luôn đầu ra cho sản phẩm.

Với việc triển khai Đề án cơ giới hóa đã góp phần đáng kể trong việc giảm chi phí, giảm giá thành, tăng lợi nhuận cho người trồng lúa (bình quân giảm 4,3 triệu đồng/ha so với thu hoạch thủ công). Tổng nguồn vốn mà người dân vay để mua máy gặt đập liên hợp là 34,227 tỉ đồng.

Chanh lai bông tím là loại cây khá dễ trồng, thời gian sinh trưởng ngắn, tỷ lệ đậu trái và năng suất cao, đặc biệt được thị trường ưa chuộng. Chanh lai bông tím được xem là giải pháp tốt giúp bà con nhà vườn huyện Châu Thành (Đồng Tháp) phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch chổi rồng trên nhãn.

Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng điện chong đèn kích thích thanh long ra hoa trái vụ trên tỉnh Bình Thuận liên tục tăng với tốc độ cao. Trước sự tăng trưởng của phụ tải thanh long, ngoài việc nỗ lực đầu tư của ngành điện, Điện lực Bình Thuận (PC Bình Thuận) đã có nhiều chương trình hỗ trợ tích cực cho nông dân.