Miền Trung Khan Hiếm Tôm Hùm Giống

Do khan hiếm, giá tôm hùm giống có thời điểm lên đến 350.000 đồng/con và dự kiến sẽ còn tăng lên nữa vì số tôm hùm giống bắt được ngoài tự nhiên đang ngày càng giảm. Cơ quan quản lý và chính quyền các địa phương có nghề nuôi tôm hùm đang tính tới việc cấm bắt tôm hùm giống vào một số tháng trong năm nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác quá mức.
Theo Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN – PTNT), nguồn tôm hùm giống cung cấp cho người dân nuôi ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên đều phải bắt từ biển bằng lưới mành, bẫy chà, lặn... rất công phu mà “năng suất” thấp.
Do tôm hùm giống bán được giá cao nên người dân tận thu, bắt cả những con tôm có kích thước rất nhỏ; cách thức vận chuyển, lưu giữ và ương tôm giống lại chưa phù hợp khiến tỷ lệ hao hụt tôm hùm giống lên đến 50%.
Sự khan hiếm con giống ảnh hưởng tiêu cực đến việc phát triển nghề nuôi tôm hùm. Theo Sở NN – PTNT Khánh Hòa, năm 2012 tỉnh có gần 23.560 lồng nuôi tôm hùm, sản lượng đạt 853 tấn/năm, sang năm 2013 chỉ còn 18.242 lồng.
Nguyên nhân là do người nuôi không mua được tôm giống và giá con giống quá cao. Đại diện Sở NN – PTNT Khánh Hòa cho biết, nguồn tôm hùm giống đánh bắt của tỉnh chỉ đáp ứng được tối đa 30-40% nhu cầu, số còn lại phải mua từ các tỉnh khác hoặc nhập khẩu từ Philippines, Indonesia với nhiều thủ tục nhiêu khê.
Theo Tổng cục Thủy sản, tình trạng khan hiếm tôm hùm giống cũng xảy ra ở Ninh Thuận, Bình Thuận.
Để chủ động được nguồn tôm hùm giống, Sở NN – PTNT Phú Yên đã từng mời một doanh nghiệp Mỹ đến đầu tư sản xuất, đã từng đặt hàng Bộ NN – PTNT và Bộ Khoa học và Công nghệ sản xuất con giống nhưng đều bị từ chối.
Theo TS Nguyễn Hữu Dũng, Trường đại học Nha Trang, hiện các nhà khoa học trên thế giới vẫn chưa “sản xuất” được tôm hùm giống nên dễ hiểu vì sao các nhà khoa học, cơ quan quản lý khoa học từ chối đơn đặt hàng của Sở NN – PTNT Phú Yên.
Để ngăn chặn tình trạng đáng bắt tôm giống quá mức, tỉnh Ninh Thuận đã có lệnh cấm đánh bắt tôm hùm giống trong 5 tháng, từ tháng 4 đến 9 hằng năm. Còn theo ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN – PTNT, sắp tới bộ sẽ có quyết định chỉ cho phép đánh bắt tôm hùm giống vài tháng trong một năm để bảo nguồn tôm hùm giống ngoài tự nhiên, tránh bị khai thác quá mức như thời gian qua.
Ngày 31-3, tại Phú Yên, Bộ NN-PTNT đã tổ chức diễn đàn quản lý và phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm tại các tỉnh duyên hải miền Trung. Mục đích của diễn đàn là tìm giải pháp để giúp người dân tăng được sản lượng nuôi nhưng giảm được bệnh tật cũng như ô nhiễm môi trường.
Theo Tổng cục thủy sản, ở Việt Nam tôm hùm phân bố từ Quảng Bình đến Bình Thuận nhưng tập trung nhiều ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Nghề nuôi tôm hùm bằng lồng bắt đầu phát triển từ năm 2.000. Hiện cả nước có khoảng 43.000 lồng, nhiều nhất là Phú Yên và Khánh Hòa.
Giá bán tôm hùm trong năm 2013 trung bình là 1,6 triệu đồng/kg. Thời gian nuôi tôm hùm từ 18-24 tháng. Tôm hùm được nuôi chủ yếu là tôm hùm bông vì lớn nhanh, màu sắc đẹp, dễ xuất khẩu, tiếp đến là tôm hùm đá, tôm hùm sỏi.
Có thể bạn quan tâm

Cây chanh bông tím đã bén rễ cả chục năm nay trên đất Nhị Bình (Châu Thành - Tiền Giang) với diện tích vài chục ha. Người trồng ít một vài công đất, nhiều nhất cũng khoảng 7 - 8 công. Nhờ cây chanh bông tím mang lại lợi nhuận cao, giúp một số hộ dân thoát nghèo và tiến dần lên khá. Trong số này có anh Phạm Hoàng Minh (ấp Đông A).

Trong những năm gần đây xã Quảng Minh (Hải Hà - Quảng Ninh) đang có sự bứt phá mạnh mẽ về phát triển kinh tế - xã hội, từ những mô hình kinh tế điển hình của các hộ dân trong xã mở ra hướng đi mới để thoát nghèo, trong đó có gia đình anh Đào Văn Thắm ở thôn 4.

Trong điều kiện bất lợi của thời tiết, nghề nuôi tôm sú bị thua lỗ hoặc chỉ có lãi ít, nhiều người đã chuyển sang nuôi cua xen trong ao nuôi tôm quảng canh. Tại huyện Thạnh Phú (Bến Tre), nhiều nông dân đã khấm khá nhờ nghề nuôi cua “nhướng”. Cua “nhướng” là tên gọi của người dân địa phương, vì lúc thả nuôi con cua còn rất nhỏ, người xem phải nhướng mắt lên thì mới nhìn thấy nó được.

Gia đình anh Phạm Văn Bình ở thôn Tân Lập (xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar, Dak Lak) có 5 sào đất trồng cà phê. Qua tìm hiểu tư liệu thông tin và được tham gia lớp tập huấn kỹ thuật thâm canh cây cà phê do Hội Nông dân tổ chức, năm 2006, anh quyết định mua 30 cây bơ ghép về trồng thử nghiệm trên rẫy. Kết quả cây bơ lớn nhanh, đồng thời tạo điều kiện cho cây cà phê thêm xanh bởi cây bơ che bóng mát và giữ độ ẩm đất tốt, nhất là vào các tháng mùa khô.

Suốt 3 năm thử nghiệm mô hình nuôi cá chiên nơi nước tĩnh, ông Chu Đức Minh, thị trấn Na Hang, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang đã thành công ngoài mong đợi...