Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Miến dong Bình Lư lộc trời trên miền biên ải

Miến dong Bình Lư lộc trời trên miền biên ải
Ngày đăng: 21/09/2015

Nông đặc sản địa phương mang giá trị bản địa, một khi được phát hiện và có hướng phát triển đúng, sẽ đem lại lợi ích đáng kể cho cộng đồng sở tại cũng như người tiêu dùng rộng rãi...

Câu chuyện về thương hiệu miến dong Bình Lư (Tam Đường, Lai Châu) là một ví dụ.

Không phải đến hôm nay, khi làng nghề miến dong Bình Lư được công nhận thương hiệu có tiếng người ta mới biết đến cái tên Nguyễn Thế Chuyền - Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) miến dong Bình Lư, mà hàng chục năm qua, người dân Bình Lư đã quý trọng ông – một người lăn lộn và gắn bó với nghề miến dong ở đất này.

“Lộc trời” trên miền biên ải

Nghề miến dong đến với đất này từ những năm đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước.

Khi ấy người dân bản Thống Nhất, xã Bình Lư làm miến dong chỉ đơn giản là vì nỗi nhớ bát miến quê hương và muốn thử nghiệm cái củ dong có hợp với đất này, cái tay nghề làm miến sau những năm xa quê có bị mai một?

Ông Chuyền kể:

Dân bản Thống Nhất chúng tôi hầu hết là người dân Thái Bình, lên đây theo 2 con đường chính: Bộ đội ở lại sau chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 và những nông dân đi xây dựng vùng kinh tế mới Tây Bắc. Bình Lư ngày ấy buồn lắm, đói lắm, chỉ có sương mù và giá lạnh.

Ông Nguyễn Thế Chuyền thăm vườn nguyên liệu miến dong của HTX Duy Sơn ở xã Bình Lư.  

Trong cái đói khổ ấy, nỗi nhớ quê hương làm người dân Bình Lư thèm bát canh miến nấu riêu cua ấm áp ở quê nhà.

Thế là họ trồng củ dong, vừa ăn cho đỡ đói, rồi làm thêm miến. Nào ngờ củ dong ở đây rất tốt, đặc biệt là chất bột rất nhiều.

Bột dong Bình Lư khi làm miến vừa trong, vừa dẻo, sợi miến làm ra dài tới mấy mét mà không đứt gãy. Miến nấu lên vừa mềm, vừa dai và trơn mát, ngon hơn hẳn sợi miến ở quê nhà.

Nhưng nghề miến ở Bình Lư cũng chỉ an phận “nghề vặt” trong mấy thập kỷ bao cấp, bởi nó không được nâng cấp, giao lưu thương mại.

Người Bình Lư cứ giữ nghề như om lửa trong nhà. Phải tới những năm cuối của thập kỷ 90, khi giao thương hàng hóa phát triển mạnh, ông Chuyền mới giật mình nhận ra: Cái nghề làm miến dong ở Bình Lư là cả một “mỏ vàng”.

Ông Chuyền kể: “Tôi đề xuất nghề làm miến với bố tôi – khi ấy là cán bộ xã vừa nghỉ hưu, ông cụ nhất trí rất cao. Vậy là trong nhà đã ổn. Sang bàn với mấy ông bạn cùng bản, ông nào cũng gật gù tâm đắc. Nhưng để miến dong thành nghề thì chưa ai biết phải làm thế nào.

Tôi trở về và trăn trở mãi, rồi quyết định bỏ công đi học hỏi ở nhiều làng nghề khác trong cả nước.

Sau mấy năm trời lang thang từ Bắc tới Nam, tôi hiểu rằng làm nghề miến dong không đơn giản, khó nhất là khâu tiêu thụ. Vì thế cả nước này cũng chỉ có mấy làng nghề làm miến và tôi đã đến cả”.

Nhưng chính trong cái khó khăn ấy, ông lại tự tin: Không ở đâu có nguồn nguyên liệu làm miến dong ngon như ở Bình Lư.

Đấy là cái lộc của trời, của đất ban cho người dân nơi đây. Miến Bình Lư ngon không phải chỉ do giống củ dong mà còn bởi chất đất Bình Lư khác, khí hậu Bình Lư khác, nguồn nước ở Bình Lư cũng khác và con người Bình Lư  cũng có những cách làm miến dong khác với nhiều nơi.

Bây giờ muốn thành làng nghề, muốn có thương hiệu thì phải tìm tòi, cải tiến thêm thì sản phẩm sẽ có sức cạnh tranh lớn...

Đưa miếng ngon tới rộng rãi người tiêu dùng

 "Bây giờ chúng tôi đã có thương hiệu, có nguồn

nguyên liệu, có quy trình sản xuất ngày một hiện đại và tiết kiệm hơn. Xã viên tham gia với chúng tôi ngày một nhiều.

Chúng tôi đã mang sản phẩm miến đi tham dự ở nhiều hội chợ trong cả nước và được đánh giá rất cao. Vì thế, chúng tôi mong muốn có những bạn hàng tiêu thụ các nguồn hàng của chúng tôi như: Củ dong, bột dong, miến dong”. 


Ông Nguyễn Thế Chuyền

Nghĩ đã thấu, tìm hiểu đã kỹ, năm 2008, ông Chuyền quyết tâm thành lập HTX Duy Sơn với nghề làm miến dong ở bản Thống Nhất. “Khi ấy, tuy là trụ cột của hợp tác xã nhưng lại đang là cán bộ xã nên tôi không được tham gia vào ban quản trị.

Nhưng rồi trao đổi, bàn bạc, trình bày mãi, cấp trên cũng thấy nếu vắng tôi thì HTX sẽ gặp nhiều khó khăn, vì vậy các anh ấy chấp nhận đưa tôi vào làm Phó Chủ nhiệm HTX để tiện tham gia lãnh đạo, chỉ đạo xã viên” – ông Chuyền kể lại.

Mất mấy năm trời gây dựng HTX, tìm tòi nghiên cứu thêm để nghề miến dong của HTX Duy Sơn nâng cao sức cạnh tranh, ông Chuyền cũng đã thành công rất cao.

Từ 8 xã viên buổi ban đầu, bây giờ HTX đã có hàng chục xã viên tham gia vào quy trình sản xuất từ khâu trồng nguyên liệu tới chế biến sản phẩm.

Diện tích vùng nguyên liệu của của HTX tăng nhanh, chất lượng nguyên liệu tốt.

Trong sản xuất miến dong, HTX Duy Sơn chú trọng 2 yếu tố mang tính quyết định: Ngon và sạch.

Về ngon thì miến Duy Sơn đã có những yếu tố của “lộc trời cho” rồi. Nhưng không an phận vào lộc trời, HTX Duy Sơn của ông Chuyền cũng không ngừng tìm kiếm, sáng tạo để cho ra những sản phẩm ngon nhất, rẻ nhất và an toàn nhất với người tiêu dùng.

Trong chế biến, ông đã nghiên cứu, cải tiến hệ thống vận hành để có thể cùng lúc ép ra hàng trăm sợi miến với độ dài và độ đồng đều cao.

Hệ thống điện cũng được cải tiến để giảm 50% điện năng tiêu thụ trong khâu xay, ép, giúp giá miến giảm hơn mà năng suất lao động lại cao hơn.

Hệ thống lắng bột của HTX Duy Sơn cũng được cải tiến theo kiểu dân làng biển làm muối, vừa sạch, vừa tiết kiệm lại gắn với hệ thống xử lý nước thải đảm bảo vệ sinh môi trường. “Nghề miến dong ở HTX Duy Sơn này được cả thiên thời – địa lợi – nhân hòa” – ông Chuyền phấn khởi cho hay.

Đặc biệt, trong cách bảo quản bột nguyên liệu, HTX Duy Sơn chú trọng bảo quản theo cách bột khô chứ không áp dụng kiểu ngâm nước để bột dong giữ nguyên chất liệu, đủ nguyên liệu sản xuất quanh năm mà vẫn có hàng hóa ngon. 

“Chúng tôi gắn sản xuất miến với nghề chăn nuôi gia súc và thủy sản. Vì thế những phụ phẩm của quá trình làm miến được tận dụng cao, vừa mang lại giá trị kinh tế đa nguồn, giúp giá thành của miến thấp hơn và đảm bảo môi trường xanh-sạch-đẹp. Năm 2015, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm và ăn bát miến dong ở nhà tôi, ông khen miến ngon...

Sau đó lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đến thăm và đã thưởng HTX chúng tôi nhiều món quà có ý nghĩa” – ông Chuyền vui vẻ kể.

Năm 2015, HTX Duy Sơn lại có thêm niềm vui mới bởi hàng chục hộ dân là người Thái, Mông, Dao, Dảy ở xã Thèn Xín thuộc TP.Lai Châu  đăng ký làm vùng nguyên liệu dong riềng cho HTX.

Như vậy là HTX không chỉ mở được thêm vùng nguyên liệu mà còn giúp được nhiều hộ nghèo có việc làm, tăng thu nhập. “Đấy cũng là một thành công lớn của làng nghề chúng tôi trong việc xóa đói nghèo ở đất Lai Châu nhiều gian khó này!”- ông Chuyền nói. 

Những người quan tâm có thể liên lạc và tìm hiểu về miến dong Bình Lư, HTX Duy Sơn trên các trang mạng, hoặc liên hệ trực tiếp với ông Nguyễn Thế Chuyền theo số ĐT: 0985 675 360. 


Có thể bạn quan tâm

Mô Hình Xen Canh Hiệu Quả Cho Vùng Bán Sơn Địa Bảy Núi Mô Hình Xen Canh Hiệu Quả Cho Vùng Bán Sơn Địa Bảy Núi

Vùng Bảy Núi (An Giang) với đặc điểm địa hình bán sơn địa, khá thích hợp với các mô hình đa canh và xen canh. Hơn nữa, vườn đồi, vườn rừng núi Cấm đa số trồng nhiều loài cây, như: Xoài, mít, vú sữa, sầu riêng…là những loại cây có thể tận dụng cho dây tiêu đeo bám.

25/11/2014
Phục Tráng Và Bảo Tồn Mía Tím Hòa Bình Phục Tráng Và Bảo Tồn Mía Tím Hòa Bình

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, hiện toàn tỉnh trồng khoảng trên 8.700 ha mía, trong đó, khoảng 6.000 ha mía tím, các địa phương trồng nhiều nhất là Cao Phong 2.492 ha, Kim Bôi 1.074 ha, Tân Lạc 1.515 ha, Yên Thủy 1.491 ha. Cây mía tím cho hiệu quả kinh tế cao, được coi là cây giảm nghèo của người nông dân trên địa bàn tỉnh.

25/11/2014
Vị Thủy (Hậu Giang) Trồng Hoa Sinh Thái Trên 220ha Lúa Vị Thủy (Hậu Giang) Trồng Hoa Sinh Thái Trên 220ha Lúa

Nhìn chung, mô hình vẫn áp dụng những kỹ thuật canh tác tiên tiến mà nông dân đã ứng dụng trước đó như: xuống giống lúa đồng loạt để “né” rầy, chương trình IPM, “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” kết hợp trồng các loại hoa màu sắc sặc sỡ trên bờ ruộng để dẫn dụ thiên địch ăn các loại côn trùng có hại như: rầy nâu, sâu cuốn lá, nhện gié…

25/11/2014
Vụ Thu Hoạch Mì Năm 2014 Mất Mùa, Rớt Giá Vụ Thu Hoạch Mì Năm 2014 Mất Mùa, Rớt Giá

Nhờ được cơ quan khuyến nông xây dựng mô hình sản xuất và chuyển giao các giống mì cao sản nên hầu hết diện tích mì ở đây được trồng các giống mì mới như: KM 94, KM 98, KM 140. Hiện nông dân Phù Cát đang vào chính vụ thu hoạch mì, nhưng giá mì tươi giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, làm người trồng mì rất lo lắng.

25/11/2014
Nỗ Lực Phục Hồi Lúa Mùa Nổi Nỗ Lực Phục Hồi Lúa Mùa Nổi

Dù thời gian canh tác kéo dài, năng suất thấp nhưng lúa mùa nổi đang cho thấy những lợi thế mà lúa cao sản ngắn ngày không có được. Đó là khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, làm nền cho canh tác màu theo hướng tạo ra nông sản sạch… Quan trọng hơn, nông dân hoàn toàn có thể nghĩ đến chuyện làm giàu trên ruộng lúa mùa nổi.

25/11/2014