Màu Xanh Trên Cát Trắng

Từ bao đời nay, trên dải cát nằm dọc bãi ngang ven biển xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh đến cả cỏ cây cũng khó sinh sống được. Thế nhưng, kể từ khi tỉnh Hà Tĩnh triển khai thực nghiệm dự án “Xây dựng mô hình rau củ quả trên đất cát hoang hóa bạc màu ven biển Hà Tĩnh” đã biến cả dãi cát này trở thành cánh đồng rau, củ, quả xanh tốt, cho thu nhập từ 100 đến hơn 200 triệu đồng/ha.
Học tập công nghệ cao
Có mặt tại xã Thạch Văn vào một ngày giữa tháng 6-2014 nắng như đổ lửa, chúng tôi thực sự ngạc nhiên bởi trước mắt là cả một màu xanh óng mượt ngút ngàn của những cánh đồng rau đã phủ kín dải cát trắng xóa hoang hóa bạc màu năm xưa.
Ông Đinh Quang Tuấn, Trưởng ban Quản lý dự án phấn khởi cho biết: “Sau bao công sức tìm tòi, nghiên cứu, thực nghiệm, đến nay, dự án trồng rau xanh tại vùng cát hoang hóa này đã thành công ngoài sức mong đợi. Hàng chục tấn rau, củ, quả sạch, chất lượng đã được thu hoạch, xuất bán cho các cơ sở trong và ngoài tỉnh, được người tiêu dùng đánh giá tốt.
Vùng cát Thạch Văn và sắp tới là các xã dọc ven biển Hà Tĩnh sẽ thực sự “thay da đổi thịt” trở thành những vùng đất trù phú cho các loại rau xanh phát triển, mang lại thu nhập cao và giải quyết việc làm cho nông dân”.
Năm 2013, sau khi tham quan, học tập kinh nghiệm, kỹ thuật từ những trang trại trồng rau, củ, quả trên vùng cát quanh khu vực khai thác mỏ tại Dongshan (Trung Quốc), Dự án “Xây dựng mô hình rau củ quả trên đất cát hoang hóa bạc màu ven biển Hà Tĩnh”, do Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại (Mitraco) Hà Tĩnh phối hợp với Sở NN-PTNT cùng Công ty TNHH Finepon (Hongkong) chính thức được hình thành và thực hiện thử nghiệm theo công nghệ cao của Dongshan, áp dụng trên diện tích vùng cát hoang hóa hơn 12ha ở xóm Tân Văn, xã Thạch Văn (đây là vùng cát có nhiều điểm tương đồng với Dongshan về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng…), với một số loại rau xanh như măng tây, hành tây, hành lá, cà rốt, khoai lang, củ cải trắng, cải bẹ, lạc, dưa hấu, dưa chuột, cải thảo, cà chua, đậu tứ quý, ớt Đà Lạt, bí ngòi Israel...
Phương pháp trồng rau sạch trên cát bạc màu theo công nghệ cao Dongshan ở Hà Tĩnh được thực hiện theo mô hình mới, nguồn nước tưới cho rau luôn được đảm bảo tại chỗ, kể cả trong mùa nắng đỉnh điểm, các hồ nước được đào nhân tạo trữ lượng 5.000 - 10.000m³, tưới nước bằng hệ thống phun mưa bán tự động (vừa tiết kiệm nước tưới vừa hạn chế tình trạng cây ngã đổ), sử dụng phân vi sinh được chế biến từ rác ở Nhà máy rác Cẩm Xuyên.
Các giống, rau, củ đều được kiểm tra chặt chẽ trước khi trồng, đảm bảo an toàn giúp cây phát triển nhanh, khoảng 60 - 70 ngày đã có thu hoạch...
Thu nhập khá
Đến nay các loại rau, củ, quả này đều phát triển tốt, cây khỏe, thân mập, rau lá xanh đều và dày. Đặc biệt, một số đã cho thu hoạch năng suất rất cao (củ cải trắng đạt từ 20 - 22 tấn/ha, cà rốt 8 - 10 tấn/ha, cà chua 10 - 12 tấn/ha, cải bẹ 3,2 - 3,5kg/m²…).
Sản phẩm sau thu hoạch thông qua kênh dịch vụ của Mitraco được tiêu thụ rộng rãi tại các khu chợ trung tâm đầu mối, khu công nghiệp, siêu thị ở tỉnh Hà Tĩnh, ngoài ra còn bán sang các tỉnh Nghệ An, Hà Nội… mang lại giá trị kinh tế cao, bình quân thu nhập từ 100 đến hơn 200 triệu đồng/ha.
Sau thành công bước đầu của dự án, dự kiến trong năm 2014, Mitraco và Sở NN-PTNT tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục nhân giống, trồng mới thêm hơn 60ha rau, củ quả theo công nghệ cao. Và đến 2015 sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trên 200ha, với trên 50 loại giống rau, củ, quả tại các vùng đất cát hoang hóa bạc màu ở các huyện bãi ngang ven biển Thạch Hà, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh…
Tỉnh Hà Tĩnh cũng đã có quyết định tạm thời về một số chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đi đầu triển khai thực hiện mô hình cải tạo đất cát hoang hóa, bạc màu tại các xã ven biển để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh rau, củ, quả công nghệ cao.
Theo đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí giống, phân bón, đào tạo, chuyển giao công nghệ hỗ trợ từ 50% - 80% kinh phí đầu tư san lấp mặt bằng lần đầu; đào hồ (giếng) chứa, kênh tưới, tiêu, bơm nước, hệ thống ống tưới... (tối đa không quá 220 triệu đồng/ha); hỗ trợ một phần kinh phí cho các đơn vị trực tiếp thu mua, bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm...
Có thể bạn quan tâm

Sa nhân là cây dược liệu quý đã gắn bó lâu đời với người dân xã Tân Lập (Mộc Châu - Sơn La). Với nhiều ưu điểm như: dễ trồng, phù hợp với điều kiện khí hậu của vùng, tận dụng được diện tích đất dưới tán rừng, giá bán cao nên cây sa nhân đã và đang là cây trồng đem lại hiệu quả, tăng thu nhập cho nhiều gia đình ở Tân Lập.

Sau nhiều năm thua lỗ liên tục, diện tích mía ở ĐBSCL đang dần bị phá bỏ và thay thế bằng các cây trồng khác.

Diện tích hồ tiêu tăng nhanh chóng đã phá vỡ quy hoạch nông nghiệp khu vực Tây Nguyên. Trong khi đó, dịch bệnh bùng phát làm tiêu chết hàng loạt sẽ dập tắt giấc mộng đổi đời từ cây tiêu của người dân Tây Nguyên. Đây là những nguy cơ sẽ làm cây hồ tiêu Tây Nguyên phát triển thiếu bền vững.

Cạnh tranh vốn dĩ là quy luật của thị trường. Thế nên thanh long Bình Thuận muốn tiếp tục khẳng định vị thế thì ngay từ bây giờ phải định hướng khâu sản xuất và tiêu thụ hiệu quả…

Ngành chức năng Bình Thuận vừa chủ trì tổ chức cuộc họp theo chỉ đạo của Bộ Công Thương để thông tin tình hình thị trường tiêu thụ trái thanh long tại Trung Quốc. Song những diễn biến có liên quan đến thanh long Bình Thuận đều là “tin không vui”, đặt ra vấn đề cấp bách trong việc nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm lợi thế của địa phương…