Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Mật Ong Rộng Đường Xuất Khẩu

Mật Ong Rộng Đường Xuất Khẩu
Ngày đăng: 12/08/2014

Trong khi nhiều nông sản thời gian qua khốn khó tìm đầu ra, nhất là các mặt hàng nông sản XK, thì ngành ong Việt Nam lại đang rất thuận lợi...

Rộng cửa thị trường Mỹ

Theo Hội Nuôi ong Việt Nam, 7 tháng đầu năm 2014, XK mật ong của VN tiếp tục gặt hái niềm vui với trên 27 ngàn tấn mật đã XK sang 14 quốc gia và vùng lãnh thổ (thêm 2 quốc gia mới so với năm ngoái).

Trong đó, VN vừa XK được vào thị trường mới khó tính như Australia (vốn cũng là một nước XK mật ong) và một số thị trường khác như Mông Cổ và đặc biệt là thị trường EU ngày càng khởi sắc trở lại. Thị trường Mỹ hiện vẫn chiếm 95% tổng sản lượng mật ong XK của VN, với trên 25 nghìn tấn trong 7 tháng đầu năm 2014.

Đến hết năm 2013, với trên 1,5 triệu đàn ong, VN vẫn đang đứng trong tốp 5 nước XK mật ong lớn nhất trên thế giới, với tổng sản lượng XK trên 38 nghìn tấn, trong đó XK sang thị trường Mỹ chiếm 36 nghìn tấn. Mật ong VN được thị trường khó tính như Mỹ chấp nhận không phải là điều dễ.

Đến nay, VN vẫn là nước xếp thứ 2 trong những nước XK mật ong vào nước này, chỉ sau Argentina. Trung Quốc hiện vẫn là quốc gia XK mật ong lớn nhất thế giới, tuy nhiên tại thị trường Mỹ, mật ong Trung Quốc hiện đang bị áp mức thuế chống phá giá tới 250%.

Điều này khiến nhiều năm qua, VN cũng đã đấu tranh quyết liệt với thủ đoạn chuyển tải mật ong Trung Quốc sang nước thứ 3 nhằm tránh thuế. Thêm nữa là, từ năm 2013, sau 6 năm bị tạm dừng, mật ong VN đã được quay trở lại thị trường EU.

Hội Nuôi ong VN nhận định, Mỹ vẫn là thị trường có tiềm năng ổn định, phù hợp với chất lượng và khả năng cung ứng của ngành mật ong VN. Tuy nhiên, việc kiểm soát dư lượng Carbendazim (chất diệt nấm) đối với mật ong của VN mà Mỹ đang áp dụng hiện vẫn là khó khăn lớn.

Từ năm 2012, thanh tra của EU đã kiểm tra hệ thống quản lí chất lượng trong SX mật ong của VN và họ rất hài lòng, đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp EU tái mở cửa cho phép NK trở lại mật ong Việt Nam vào năm 2013.

Mặc dù Chính phủ lẫn Bộ NN-PTNT đã có nhiều hoạt động đàm phán nhằm nâng mức dư lượng Carbendazim, nhưng hiện mức dư lượng cho phép mà Mỹ đang áp dụng vẫn ở mức rất thấp. Đây là chất diệt nấm đang được phép dùng rộng rãi trong ngành Nông nghiệp VN nên rất dễ gây tồn dư trên đàn ong mật.

Tuy nhiên, VN cũng có nhiều lợi thế có thể cạnh tranh được với các đối thủ XK mật ong. Cụ thể, nhờ chương trình giống ong mật do Bộ NN-PTNT đầu tư, đến nay, năng suất mật bình quân của VN đã tăng lên tới 50kg/đàn/năm, cao hơn năng suất bình quân của thế giới từ 1,5 đến 6 lần. Bên cạnh đó, nhờ nhiều chương trình phòng trừ bệnh, áp dụng VietGAP trong nuôi ong nên chất lượng mật ong VN hiện đã được cải thiện...

Phải chấm dứt việc ngăn cản, phá hoại người nuôi ong

Theo TS. Đinh Quyết Tâm – Chủ tịch Hội Nuôi ong VN, với trên 2,2 triệu ha cây trồng có khả năng cho khai thác mật ong, tiềm năng của ngành ong mật VN hiện vẫn rất lớn. Tuy nhiên gần đây, tình trạng nhiều địa phương ngăn cản, thậm chí phá hoại hoạt động nuôi ong đang là mối lo lớn, cản trở việc phát triển ngành ong mật.

Cụ thể theo ông Tâm, do nhận thức chưa đúng, đã có tình trạng nhiều địa phương phía Nam “vu” cho ong phá hoại lúa, nhiều vùng nhãn ở phía Nam đã từng xua đuổi đàn ong vì nghi ong phá hoại nhãn...

“Cũng may, các nhà khoa học và cơ quan chức năng đã kịp thời vào cuộc minh oan, đồng thời tuyên truyền vận động người dân hiểu rằng, ong không phá hoại mà còn giúp ích cho mùa màng, nếu không, có lẽ người nuôi ong sẽ còn khốn đốn” – ông Tâm lo lắng.

Theo TS. Đinh Quyết Tâm, một số nước hiện nay cũng đã cấm hẳn các loại thuốc trừ sâu gây ảnh hưởng tới sự phát triển đàn ong. Israel, Australia hiện còn có luật riêng về hoạt động nuôi ong.

“Bộ NN-PTNT cần có văn bản pháp luật nào đó chính thức để khuyến cáo về lợi ích của việc nuôi ong, đồng thời bảo vệ DN cũng như người nuôi ong, tránh tình trạng ngăn cản, phá hoại hoạt động nuôi ong xảy ra như thời gian qua” – ông Tâm kiến nghị. Có như vậy ngành ong mới phát triển bền vững.


Có thể bạn quan tâm

Nhiều Giống Lúa Thay Thế IR 50404 Nhiều Giống Lúa Thay Thế IR 50404

Do đặc tính thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao lại dễ canh tác nên giống lúa IR 50404 thời gian qua được bà con nông dân các tỉnh ĐBSCL ưa chuộng. Tuy nhiên, qua thời gian, giống lúa này đã biểu hiện nhiều nhược điểm như ít kháng sâu bệnh, thân cây yếu, dễ bị ngã đổ…

16/05/2012
Muốn Bắt Tay Cùng Nông Dân Làm Ăn Lớn Muốn Bắt Tay Cùng Nông Dân Làm Ăn Lớn

Coi kinh doanh thực phẩm là cái nghiệp, ông Phí Ngọc Chung- Tổng Giám đốc Trung Thành Group (Hà Nội) đã thổ lộ mong muốn được cùng với nông dân sản xuất thực phẩm quy mô lớn.

24/06/2012
Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Nhím Sinh Sản Ở Thái Bình Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Nhím Sinh Sản Ở Thái Bình

Nhím là loài gặm nhấm rất dễ nuôi, ít dịch bệnh, kháng bệnh tốt, yêu cầu về chăm sóc, nuôi dưỡng đơn giản, hiệu quả kinh tế mang lại cao. Thấy được nguồn lợi đó, những năm gần đây, một số hộ gia đình của huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) đã chuyển sang nuôi nhím.

21/04/2012
6 Tháng Đầu Năm Khai Thác Gần 34.307 Tấn Thủy Sản 6 Tháng Đầu Năm Khai Thác Gần 34.307 Tấn Thủy Sản

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh, 6 tháng đầu năm 2012, sản lượng khai thác thủy sản của bà con ngư dân trong tỉnh đạt khoảng 34.307 tấn, đạt trên 50% kế hoạch năm. Ngư dân ở hầu khắp các địa bàn trong tỉnh đều “trúng” mùa với sản lượng khá.

24/06/2012
Thu Nhập Tiền Tỷ Mỗi Năm Nhờ Vào Trồng Cây Ăn Quả Thu Nhập Tiền Tỷ Mỗi Năm Nhờ Vào Trồng Cây Ăn Quả

Với hơn 30 mẫu trồng cam Canh và phật thủ ở quê nhà và hơn 1 ha cam trồng tại huyện Lục Ngạn, Bắc Giang, anh Nguyễn Quang Thu ở xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội mỗi năm đạt tổng thu nhập gần 1,5 tỷ đồng.

16/05/2012