Masan Đẩy Mạnh Kinh Doanh Bia Và Thức Ăn Gia Súc

Ngoài lĩnh vực hàng tiêu dùng, Tập đoàn Masan vừa tái cơ cấu và trực tiếp sở hữu cổ phần tại 2 doanh nghiệp trong lĩnh vực đồ uống và thức ăn gia súc gồm Masan Brewery, Masan Agri.
Tập đoàn Masan (Mã CK: MSN) cho biết vừa thực hiện tái cơ cấu và hiện trực tiếp sở hữu vốn tại hai doanh nghiệp là Masan Brewery và Masan Agri. Trong đó, Masan Brewery đang nắm 100% vốn tại Công ty cổ phần Bia và Nước giải khát Phú Yên (Pybeco) với sản phẩm chính là bia Sư Tử Trắng.
Theo lộ trình, Masan đã làm việc với nhà máy bia để tu sửa toàn diện, chuẩn bị cho việc tung sản phẩm mới ra thị trường. Hiện nhà máy Pybeco đạt công suất thiết kế 50 triệu lít mỗi năm và còn có thể mở rộng thêm.
Còn Masan Agri đang là cổ đông lớn nhất của Công ty cổ phần Việt – Pháp Sản xuất thức ăn gia súc (Proconco). Doanh nghiệp này từng là công ty cháu của Tập đoàn Masan, trực thuộc Masan Consumer. Hiện thời, Masan Agri còn được một công ty đầu tư quy mô toàn cầu có tên TPG sở hữu một phần vốn.
Tương tự như lĩnh vực đồ uống, Masan cho biết đang tin tưởng ngành chăn nuôi có nhiều cơ hội lớn. Thị trường này ước tính giá trị khoảng 6 tỷ USD, đồng thời tăng trưởng 7-9% mỗi năm. Theo báo cáo lợi nhuận của Masan, 6 tháng đầu năm, Proconco đạt doanh thu 6.749 tỷ đồng.
Trong khi đó, doanh thu thuần của toàn tập đoàn trong 6 tháng đầu năm đạt 6.839 tỷ đồng (trên 322 triệu USD), cao hơn 60,2% so với cùng kỳ 2013. Ngành hàng tiêu dùng cũng có tăng trưởng trên 33%, lên 5.694 tỷ đồng. Phần lớn các mảng kinh doanh cốt lõi như gia vị hay mì ăn liền đều tăng trưởng mạnh. Ngoài ra, mỏ Núi Pháo gia tăng quy mô cũng đóng góp thêm cho Masan Resources - công ty tài nguyên của tập đoàn - 1.145 tỷ đồng doanh thu.
Tính chung lợi nhuận thuần Masan trong 6 tháng đạt 558 tỷ đồng, giảm 23,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiền lãi vay và khấu hao của dự án Núi Pháo là nguyên nhân chính gây ảnh hưởng đến lợi nhuận tập đoàn. Tập đoàn này cho biết thêm đang có dự trữ tiền mặt hơn 250 triệu USD để phục vụ cho các kế hoạch phát triển sau này.
Có thể bạn quan tâm

Để phát huy vai trò hệ thống đê bao vùng mía nguyên liệu đang được triển khai tại huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), hiện Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) đang thực hiện thí điểm mô hình vuông bơm tập trung tại xã Hiệp Hưng. Tuy mới triển khai, nhưng mô hình đã được ngành chức năng và người dân địa phương đánh giá cao về tính hiệu quả và hứa hẹn nhiều triển vọng trong việc giảm áp lực mía chạy lũ, nâng cao thu nhập cho người dân.

Năm 2014, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) xây dựng được 18 cánh đồng mẫu lớn, gồm 13 cánh đồng mẫu sản xuất lúa và 5 cánh đồng mẫu sản xuất cây rau màu, vượt 15 cánh đồng so với kế hoạch tỉnh giao.

Dự án này triển khai 3 mô hình: Phát triển cây bắp lai chịu hạn LVN61 phù hợp với điều kiện đầu tư hạn chế của đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Thành Sơn; thâm canh tổng hợp tại các xã: Ba Cụm Bắc, Ba Cụm Nam, Sơn Bình, Sơn Hiệp và Thành Sơn; xây dựng mô hình thâm canh tổng hợp kết hợp trồng xen đậu tại xã Sơn Bình.

Từ năm 2007 đến nay, cây cam trên đất Yên Thành (Nghệ An) đã có sự phát triển mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao và được xếp là giống cây chủ lực, nhưng đến nay cam Yên Thành vẫn chưa xây dựng được thương hiệu; bà con trồng cam vẫn loay hoay tự tìm đầu ra cho sản phẩm.

Sở Khoa học và Công nghệ, Liên minh HTX, Sở NN & PTNT tỉnh Hậu Giang vừa có chuyến khảo sát HTX quýt đường Long Trị, ở xã Long Trị, huyện Long Mỹ để hỗ trợ HTX sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Hoạt động này nằm trong đề án “Nâng cao chất lượng hoạt động HTX trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2014 - 2016, định hướng đến 2020” và đề án 1.000 của tỉnh.