Mạnh Dạn Tìm Hướng Đi Mới

Vài năm trở lại đây, nông dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả rõ rệt. Mô hình nuôi chim cút của gia đình anh Nguyễn Văn Tình, ở thôn An Bình, xã Gio An, huyện Gio Linh là một minh chứng cho điều đó.
Anh Tình là cán bộ Hội Nông dân xã nhiệt tình, đầy trách nhiệm và luôn muốn tìm một hướng đi mới cho riêng mình. Trước thực tế trên địa bàn xã đã có rất nhiều mô hình như trồng cây cao su tiểu điền, chăn nuôi thỏ, nhím, mô hình tổng hợp VAC, kinh doanh dịch vụ..., anh không khỏi trăn trở để chọn hướng đi riêng cho mình.
Anh tâm sự, trong thời buổi kinh tế khủng hoảng, giá cả hàng hóa bấp bênh... việc đầu tư xây dựng mô hình phát triển kinh tế không hề dễ dàng, nhất là lựa chọn mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh gia đình, tạo được nguồn thu nhập ổn định và có tính bền vững cao.
Năm 2009, anh mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi chim cút lấy trứng và thịt. Thời gian đầu gặp muôn vàn khó khăn như vốn ít, thiếu lò ấp trứng, chưa nắm vững kỹ thuật nuôi, cách chăm sóc, phòng bệnh cho chim cút, thị trường tiêu thụ còn hạn chế nên anh chỉ nuôi để thử nghiệm.
Với quyết tâm cao, cùng với sự chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, qua sách báo và nhiều kênh thông tin khác, anh dần nắm được kỹ thuật nuôi chim cút, lại có thị trường thuận lợi… nên tiếp tục đầu tư vốn để phát triển mô hình này.
Đàn chim cút của gia đình anh hiện có gần 3.000 con, trong đó 2.000 con chim cút mái đang thời kỳ đẻ trứng, mỗi ngày cho thu từ 1.700 - 1.800 quả trứng cút lộn. Giá bán trứng cút lộn từ 90.000 – 100.000 đồng/100 quả. Sau thời gian khoảng 60 tuần thì khả năng sinh sản của chim cút mái giảm sẽ chuyển sang bán chim thịt với giá 13.000 - 14.000 đồng/con, số lượng chim cút mái tơ là 500 con được giữ lại để duy trì cho đẻ trứng và gần 500 con chim cút trống bán ra thị trường từ 8.000 - 9.000 đồng/con.
Như vậy sau khi trừ chi phí mô hình nuôi chim cút mỗi năm mang về cho gia đình anh Tình thu nhập từ 90 - 100 triệu đồng. Bên cạnh đó vườn tiêu của anh với diện tích hơn 3 sào cho thu nhập 30 – 40 triệu đồng/năm. Hướng đi và sự lựa chọn mới này đã giúp gia đình anh có nguồn thu nhập ổn định, góp phần cải thiện cuộc sống và chăm lo cho con cái học hành.
Trao đổi với chúng tôi, anh cho biết, để nuôi chim cút đạt hiệu quả cao, quan trọng nhất là việc vệ sinh chuồng trại đảm bảo khô ráo, thông thoáng, chất lượng con giống khỏe, phòng dịch bệnh tốt. Ngoài ra đây là loài chim hoang dã, khả năng ăn cũng rất nhiều, theo đó chế độ ăn phải đảm bảo thì hiệu suất đẻ trứng cao.
Từ hiệu quả mang lại của mô hình nuôi chim cút lấy trứng và thịt của gia đình anh Nguyễn Văn Tình sẽ mở ra hướng đi mới cho bà con nông dân trên địa bàn huyện Gio Linh nói riêng, toàn tỉnh nói chung.
Có thể bạn quan tâm

Vụ lúa hè thu năm nay, nông dân huyện Cái Bè (Tiền Giang) gieo sạ hơn 17 ngàn hecta. Cơ cấu giống vẫn là những giống lúa kháng rầy, phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương, cho năng suất cao. Do điều kiện thời tiết thuận lợi, bên cạnh đó bà con nông dân đã tích cực chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho lúa, nên hầu hết các diện tích đều phát triển tốt, tránh được bệnh rầy nâu và một số dịch bệnh hại lúa khác, ước tính năng suất bình quân đạt hơn 6 tấn/ha.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai, từ nguồn hạt giống cà phê hỗ trợ của Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam. Từ đầu mùa mưa đến nay nông dân trong tỉnh đã trồng mới và tái canh được 835 ha cà phê.

Viện Khoa học - kỹ thuật nông nghiệp miền Nam phối hợp với Phòng Kinh tế huyện Trảng Bom (Đồng Nai) vừa tổ chức kiểm tra mô hình sản xuất và ứng dụng phân hữu cơ vi sinh quy mô nông hộ phục vụ canh tác cây hồ tiêu và cà phê theo hướng bền vững tại 2 xã Thanh Bình và Cây Gáo.

Theo Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, hiện các tỉnh trong vùng đã thu hoạch xong gần 1,7 triệu ha lúa hè thu. Năng suất bình quân đạt 5,65 tấn/ha, sản lượng cả vụ đạt 9,6 triệu tấn, tăng 200.000 tấn so vụ hè thu năm ngoái, góp phần nâng sản lượng hai vụ lúa đông xuân và hè thu năm nay đạt 20,6 triệu tấn, đạt trên 82% kế hoạch năm.

Cơ quan phụ trách thu mua lương thực Indonesia (Bulog) cho biết đã ký hợp đồng với Việt Nam vào tuần trước để mua khoảng 200.000 tấn gạo, gạo sẽ được giao từ giữa tháng 10 đến tháng 12/2014.