Mang... lợn cắp nách đi cạnh tranh khi vào TPP?

Đánh giá dự báo tác động của Hiệp định TPP tới ngành chăn nuôi Việt Nam, nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa công bố cho rằng, ngành chăn nuôi sẽ chịu tác động tiêu cực nhất. Còn Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, ông Tống Xuân Chinh, tự tin rằng: “Chúng ta còn đủ thời gian, ngay từ bây giờ phải chuẩn bị để đối phó. Việt Nam cũng có những mặt hàng có thể cạnh tranh được như: gà lông màu, vịt, trứng vịt, các loại lợn có giá trị kinh tế cao như lợn mán, lợn cắp nách…”
Lệ thuộc nhiều vào giống và thức ăn nhập ngoại...
TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR chỉ ra rằng, khi hội nhập, các ngành có lợi thế so sánh sẽ được hưởng lợi nhiều nhất trong khi những ngành kém lợi thế sẽ chịu thua thiệt ở nhiều mức độ khác nhau. Chăn nuôi là ngành lớn thứ hai trong nông nghiệp của Việt Nam, chỉ đứng sau trồng trọt. Tuy nhiên, nó lại bị coi là ngành kém cạnh tranh, không bền vững và dễ chịu tác động xấu của các hiệp định thương mại tự do.
Những khó khăn của ngành chăn nuôi của Việt Nam, theo TS Thành, thể hiện ở những điểm như: Quy mô sản xuất nhỏ không đáng tin cậy và dựa chủ yếu vào chăn nuôi hộ (thay vì các trang trại thương mại lớn), sử dụng thức ăn thừa làm thức ăn chăn nuôi và không quan tâm nhiều đến các vấn đề dịch bệnh của vật nuôi; Lệ thuộc rất nhiều vào việc nhập khẩu giống và thức ăn; Vấn đề dịch bệnh còn phổ biến dù vẫn nằm trong tầm kiểm soát; Vệ sinh giết mổ và vệ sinh thực phẩm còn nhiều hạn chế, đôi khi gây ra ngộ độc thực phẩm; và Tình trạng ô nhiễm môi trường do chăn nuôi vẫn còn phổ biến gây hại cho sức khỏe của người lao động và các hộ gia đình xung quanh khu vực chăn nuôi.
Trong quá trình hội nhập quốc tế thông qua các hiệp định thương mại, chỉ một số lượng nhỏ các trang trại thương mại lớn ở Việt Nam sẽ có khả năng cạnh tranh nhờ lợi thế kinh tế theo quy mô và cơ hội nhập giống và thức ăn giá rẻ hơn. Về cơ bản, với những đặc điểm kể trên, ngành chăn nuôi của Việt Nam sẽ gặp phải sự cạnh tranh gay gắt của nhà cung cấp nước ngoài khi thuế nhập khẩu và cả các biện pháp phi thuế quan được cắt giảm và dỡ bỏ.
Vì thế, khi vào TPP, ngành chăn nuôi của Việt Nam sẽ chịu áp lực cạnh tranh rất mạnh từ các nước có lợi thế lớn như Mỹ, Australia, New Zealand. Áp lực lớn nhất, theo TS Thành là “bất lợi ở cấp độ vi mô như về đất đai, tư liệu sản xuất, kết nối thị trường, tổ chức sản xuất”.
Bởi qua khảo sát thực tế, TS Thành cho hay, ở Việt Nam có tình trạng vì không tập trung được đất đai nên một số doanh nghiệp đã sang Lào, Campuchia để làm nông nghiệp. Dù có tập trung được đất đai thì cũng chịu áp lực khác, đơn cử “khi tôi làm việc với TH true Milk, họ thu được lượng đất đai lớn nhưng phải 'cõng' mỗi gia đình 1-2 người tham gia. Nếu tập đoàn không có năng lực tài chính để ứng ra thì khó làm được”.
Hay câu chuyện khác là tại Hà Nam, theo TS Thành, “tỉnh Hà Nam có chủ trương muốn bỏ lúa để trồng cỏ cho bò. Nhưng phải cơ giới hóa để giá cỏ thấp đi, bởi nếu không giá bò lại tăng lên”.
‘Còn đủ thời gian để chuẩn bị thích ứng điều kiện mới’
Đồng ý với quan điểm ngành chăn nuôi Việt Nam dễ bị tổn thương khi gia nhập TPP, ông Tống Xuân Chinh, phân tích: Thông thường, ngoài hàng rào về thuế quan, còn phải áp dụng các hàng rào kỹ thuật đối với Việt Nam. Tuy nhiên, hàng rào kỹ thuật đòi hỏi phải có các phòng thí nghiệm chuẩn khoa học công nghệ để đảm bảo tất cả các mặt hàng nhập khẩu vào Việt Nam, đặc biệt là các loại thực phẩm từ gia cầm, thịt bò, thịt lợn… đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tới thời điểm hiện nay, khi TPP chưa được ký, các sản phẩm chăn nuôi vào Việt Nam vẫn còn hàng rào thuế quan để cản trở. Nhưng khi TPP và AEC có hiệu lực, các dòng thuế này sẽ về 0%, đây là điểm quan trọng mà Việt Nam cần phải vượt qua.
Một hàng rào rất tự nhiên khác, theo ông Chinh, xuất hiện từ văn hóa ẩm thực của người Việt Nam. Đó là, đa số người Việt Nam, khoảng 80%, quen dùng thịt tươi sống hàng ngày, còn thịt đông lạnh thì ít người tiêu dùng. Đây cũng là một hàng rào tự nhiên giúp ngành chăn nuôi còn đủ thời gian để chuẩn bị thích ứng điều kiện mới.
Bên cạnh đó, trứng vịt, thịt vịt, thịt lợn của Việt Nam hiện vẫn còn đủ sức cạnh tranh ngay trên sân nhà. Còn lại, các doanh nghiệp lớn đầu tư vào ngành chăn nuôi (như Vinamilk, TH true milk, Hoàng Anh Gia Lai…) thì đang là niềm hi vọng cho ngành chăn nuôi, vì với trình độ khoa học công nghệ, vốn và quy trình sản xuất hiện đại, họ sẽ có đủ các sản phẩm để cạnh tranh với hàng nhập khẩu.
Để tạo ra sức cạnh tranh hơn, chống chọi với các hiệp định thương mại tự do, trong đó có TPP, ông Tống Xuân Chinh cho rằng, ngành chăn nuôi cần phải: Thứ nhất, loại bỏ một số yếu tố gây tăng giá thành liên quan đến giống, thức ăn, giết mổ...
Thứ hai, cần mở rộng quy mô chăn nuôi. Hiện Việt Nam vẫn còn trên 50% sản phẩm gia cầm từ chăn nuôi nông hộ. Để đảm bảo mở rộng quy mô, cần giúp người dân tiếp cận nguồn vốn, tiếp cận đất đai để mở rộng sản xuất. Đồng thời, phải hỗ trợ người chăn nuôi gia cầm liên kết sản xuất lại thông qua các hình thức như tổ hợp tác, hợp tác xã… Thông qua đó, họ có quy mô lớn hơn, có sức cạnh tranh lớn hơn và mua được các sản phẩm đầu vào giá cạnh tranh hơn và bán sản phẩm đầu ra phù hợp hơn trong việc mặc cả với các đối tác thu mua trên thị trường.
Cùng với đó, ông Chinh đề xuất: Việt Nam cần chủ động dần các nguồn thức ăn chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi gia cầm. Bởi Nhà nước đã có chính sách liên quan cho chuyển một phần đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây thức ăn chăn nuôi (đậu tương, ngô…), vì hiện 60 - 70% giá thành thức ăn chăn nuôi đóng góp vào giá thành sản phẩm chăn nuôi.
Cho nên, “nếu chủ động được thức ăn, giảm trung gian về giống, giết mổ… sẽ giảm được giá thành sản phẩm đáng kể. Đây sẽ là bước quan trọng để nâng sức cạnh tranh cho sản phẩm chăn nuôi”- ông Chinh khẳng định.
Có thể bạn quan tâm

Theo Thông tư, việc thực hiện điều tra, khảo sát và tổng hợp số liệu điều tra, khảo sát để xác định chi phí sản xuất, tính giá thành cá tra nguyên liệu thực tế phải dựa trên những nguyên tắc: Trình độ và điều kiện sản xuất; Tính đúng, tính đủ chi phí sản xuất thực tế của các cơ sở nuôi cá tra;

Theo thống kê của Cục thống kê tỉnh Sóc Trăng, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản 2014 (theo gia hiện hành) của tỉnh là 42.261 tỷ đồng, tăng 9,7% so với năm 2013. Trong đó riêng trong lĩnh vực thủy sản chiếm 35,37% giá trị toàn ngành với tổng diện tích thả nuôi là 68.400 ha, đạt 100,6% kế hoạch trong đó tôm nước lợ là 53.096 ha.

Trong không khí rộn ràng đón mừng xuân mới Ất Mùi, với nhiều câu chuyện vui buồn trong sản xuất - đời sống năm qua, bà con nông dân sẽ không quên bàn luận nhiều vấn đề về nuôi trồng thủy sản và mơ ước có được những vụ tôm nuôi thành công, đạt hiệu quả kinh tế cao trong năm 2015.

Theo ông Tiến, trong năm 2014, xã đã lập được 2 tổ, đội đoàn kết KTTS trên biển với hơn 10 tàu cá tham gia. Các tổ, đội này hoạt động theo quy chế thống nhất được cấp trên ban hành. Đáng mừng là ngư dân tham gia các tổ, đội đoàn kết KTTS đã phối hợp với nhau khá hiệu quả trong khai thác và tiêu thụ sản phẩm, cũng như hỗ trợ nhau trong phòng chống thiên tai, rủi ro tai nạn trên biển.

Năm 2014, diện tích tôm nuôi đạt khoảng 267.642 ha, trong đó diện tích nuôi tôm công nghiệp đạt trên 8.200 ha, quảng canh cải tiến 61.000 ha, sản lượng tôm nuôi ước đạt trên 155.000 tấn, tăng 11,57% so với cuối năm 2013. Tuy nhiên, trong sản xuất tiềm ẩn nhiều rủi ro, thiếu bền vững. Ðể chủ động trong sản xuất, hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau Châu Công Bằng cho biết, năm 2015 diện tích nuôi tôm trong tỉnh tăng trên 270.000 ha.