Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Mãng Cầu Xiêm Đổi Đời Vùng Đất Khó

Mãng Cầu Xiêm Đổi Đời Vùng Đất Khó
Ngày đăng: 12/02/2014

Nằm dọc theo sông Cửa Tiểu và sông Cửa Trung được phù sa bồi đắp, đất đai màu mỡ, nhưng do ảnh hưởng nước mặn xâm nhập sâu, kéo dài làm cho rất ít cây trồng có thể "bám trụ" và phát triển trên cù lao Tân Phú Đông (Tiền Giang). Ấy thế mà mãng cầu Xiêm lại là một trong rất ít cây làm được điều đó.

Thực sự mà nói, mãng cầu Xiêm không phải là cây trồng xa lạ với người dân cù lao. Loại cây ăn trái này đã xuất hiện cách nay khoảng 20 năm và lúc đầu chỉ trồng xung quanh nhà dùng để ăn. Nhưng còn mãng cầu Xiêm ghép gốc bình bát cho năng suất cao, trồng chuyên canh, tạo nên sản lượng lớn cung ứng cho thị trường thì xuất hiện chỉ khoảng 10 năm trở lại đây. Ngần ấy năm mà cây trồng này đã nhanh chóng phát triển rộng khắp khu vực phía Tây của huyện; giúp nhiều hộ thoát nghèo, rồi khá, giàu.

Anh Nguyễn An Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú nhớ lại: "Không biết chính xác cây mãng cầu Xiêm xuất hiện từ lúc nào, nhưng từ khi tôi còn nhỏ đã thấy một số hộ xung quanh nhà trồng và chủ yếu trồng để ăn. Cây mãng cầu chỉ thực sự phát triển khoảng hơn 10 năm trở lại đây. Giờ đây, mãng cầu xiêm đã trở thành cây chủ lực của xã, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên khá và giàu".

Từ diện tích ban đầu không đáng kể (chủ yếu ở ấp Tân Ninh), đến nay, cây mãng cầu Xiêm đã phát triển rộng khắp các ấp Tân Ninh, Tân Thành, Tân Thạnh, đang tiếp tục phát triển sang các ấp còn lại của xã Tân Phú và các xã lân cận Tân Thới, Tân Thạnh.

Nếu năm 2005, toàn huyện chỉ có trên 100 ha, đến năm 2009 phát triển lên đến trên 300 ha (xã Tân Phú có 230 ha). Đến nay, tổng diện tích mãng cầu Xiêm trên địa bàn huyện có trên 500 ha (Tân Phú có trên 325 ha), trong đó có 80% diện tích đang cho trái ổn định. Theo tính toàn, năng suất bình quân từ 30 - 35 tấn/ha, giá bán trung bình 12.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí người trồng lời khoảng 150-300 triệu đồng/ha/năm.

Ông Nguyễn Văn Bo, ấp Tân Ninh, xã Tân Phú cho biết, nhà ông trồng khoảng 5 công mãng cầu Xiêm, cho thu hoạch được khoảng 4 năm nay. Mấy năm qua, mỗi sáng nào ông cũng ra vườn thụ phấn, chăm sóc, bón phân cho cây. Dù cực nhưng rất vui vì cây cho trái rất sai, thời gian kéo dài từ 6 - 9 tháng trong năm.

Nhờ đó, mà cuộc sống gia đình của ông khá ổn định. Ưu thế của mãng cầu Xiêm ghép gốc bình bát mà ít có cây trồng nào có được là chống chịu được những tháng mùa khô khắc nghiệt, đặc biệt là nước mặn xâm nhập sâu trên địa bàn cù lao.

Không những vậy, cây còn cho năng suất khá cao, cho trái liên tục kéo dài trong nhiều tháng. Điều quan trọng nữa, thời gian qua, giá mãng cầu Xiêm khá ổn định khoảng 12.000 - 17.000 đồng/kg, có khi tăng lên đến 33.000 đồng nên lợi nhuận thu được khá cao, người dân yên tâm gắn bó với chúng.

Đó là lý do diện tích mãng cầu Xiêm phát triển rất nhanh trong thời gian qua. Đặc biệt, hơn 2 năm trở lại đây, sản xuất lúa gặp rất nhiều khó khăn do năng suất thấp, giá bấp bênh; giá dừa không ổn định là điều kiện thuận lợi cho cây mãng cầu Xiêm mở rộng diện tích. Hiện tại, nhiều diện tích lúa và cây trồng kém hiệu quả khác trong vùng đang được người dân lên liếp chuyển đổi sang trồng mãng cầu Xiêm.

Cùng với phát triển mạnh mẽ của cây mãng cầu Xiêm, những năm qua, các ngành, các cấp đã quan tâm hỗ trợ nông dân kỹ thuật trồng, chăm sóc, thụ phấn, ghép bo và cách phòng trừ sâu bệnh thông qua các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật. Vừa qua, Viện Cây ăn quả miền Nam thực hiện thành công đề tài và hướng dẫn người dân phòng trừ bệnh khô cành, thối rễ trên cây mãng cầu Xiêm. Đặc biệt, để phát triển bền vững cây trồng lợi thế của vùng, ngành Nông nghiệp và huyện đang triển khai dự án phát triển cây mãng cầu Xiêm trên địa bàn huyện.

Về Tân Phú Đông, đi trên Tỉnh lộ 877B (qua xã Tân Phú) trong khí trời man mát của những ngày cuối năm, trước mắt chúng tôi là những vườn mãng cầu Xiêm thẳng tấp, xanh mướt trải dài hàng kilômét. Không khí càng thêm rộn rã hơn khi mỗi sáng, người dân lại tất bật ra vườn chăm sóc, thụ phấn cho cây. "Muốn giàu thì trồng mãng cầu", không biết tự bao giờ đã trở thành câu nói vui cửa miệng của người dân nơi đây.

"Cây thoát nghèo", "cứu cánh" cho người dân vùng đất khó hay cây làm giàu là những mỹ từ mà người dân cù lao đặt để cho cây trồng đặc sản của quê mình. Thương hiệu mãng cầu Xiêm Tân Phú Đông giờ đã vươn xa khỏi ranh giới của một tỉnh và đang "sánh vai" cùng các loại trái cây khác trong tỉnh và cả nước.

Nói gì thì nói cũng phải công nhận một điều, cây mãng cầu Xiêm thích nghi và phát triển được ở Tân Phú Đông là nhờ vào đặc tính chịu được phèn, mặn cùng với sáng kiến ghép gốc bình bát nhằm tăng năng suất, tăng sức chống chịu của cây.

Để phát triển cây mãng cầu Xiêm một cách bền vững, ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, huyện đang triển khai dự án phát triển mãng cầu Xiêm, trong đó, mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đang được xúc tiến. Trước đó, xã Tân Phú đã thành lập Tổ hợp tác mãng cầu Xiêm với 50 tổ viên canh tác gần 30 ha.

Đây là cơ sở đầu tiên để tiến đến hợp tác, liên kết những hộ sản xuất lại; xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng trái mãng cầu Xiêm, từng bước ổn định đầu ra nhằm phát huy hiệu quả của cây đặc sản Tân Phú Đông.

Có thể nói, cây mãng cầu Xiêm thực sự làm nên cuộc "cách mạng", mang một luồng gió mới, góp phần thay đổi diện mạo và đời sống của người dân cù lao. Từ cây trồng "vô danh", mãng cầu Xiêm đã bám rễ và phát triển rất nhanh, trở thành cây trồng chủ lực của huyện "đảo" Tân Phú Đông như chính sức sống mạnh mẽ, chịu thương chịu khó của người dân nơi đây.


Có thể bạn quan tâm

Lại Xảy Ra “Bắp Không Hạt” Ở Huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) Lại Xảy Ra “Bắp Không Hạt” Ở Huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai)

Theo lãnh đạo UBND xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai), trên địa bàn xã có 11 hộ ở ấp 5 bị tình trạng “bắp không hạt” với diện tích gần 4 hécta.

10/08/2013
Xử Lý Chôm Chôm Nghịch Lợi Nhuận Gần 100 Triệu Đồng/năm Xử Lý Chôm Chôm Nghịch Lợi Nhuận Gần 100 Triệu Đồng/năm

Những năm gần đây, nông dân xã Tân Phong (Cai Lậy, Tiền Giang) đã mạnh dạn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật xử lý chôm chôm ra hoa trái vụ, góp phần nâng cao mức sống cho nhiều nông hộ, trong đó có anh Huỳnh Văn Chiến ở ấp Tân Luông A.

10/08/2013
Cảnh Giác Với Tôm Giá Rẻ Cảnh Giác Với Tôm Giá Rẻ

Hiện tôm thẻ chân trắng đang phát triển mạnh đối với loại hình nuôi công nghiệp và đang thâm nhập loại hình quảng canh truyền thống. Tuy nhiên, người dân còn thiếu thông tin về giá cả, loại giống và chất lượng, vì thế không ít chủ đầm tôm công nghiệp đổ nợ vì tôm chết.

12/08/2013
Người Nuôi Dông Điêu Đứng Người Nuôi Dông Điêu Đứng

Thời ấy giá 1 ký dông giống lên đến 450.000 đồng, mặc dù vậy nhiều người vẫn bỏ ra một khoản tiền lớn để nuôi động vật này. Đến nay, do nhu cầu tiêu thụ dông của các nhà hàng trong đất liền xuống thấp, người nuôi dông ở Phú Quý bị điêu đứng vì đầu ra. Thời điểm mà nghề nuôi dông trên đảo ăn nên làm ra là vào đầu năm 2008 đến cuối năm 2012.

12/08/2013
Nuôi Gà Trên Chất Đệm Sinh Học Hiệu Quả Đã Được Khẳng Định Nuôi Gà Trên Chất Đệm Sinh Học Hiệu Quả Đã Được Khẳng Định

Tuy nằm sâu trong ấp 17, xã Khánh Thuận, huyện U Minh, Cà Mau nhưng để tìm đến nhà anh Nguyễn Trung Kiên không khó, bởi trong ấp ai cũng biết đến anh. Anh trở thành người “nổi tiếng” cách đây khoảng hơn 1 năm nhờ vào mô hình nuôi gà nòi lai F1 trên đệm lót sinh học bằng men balaza N01.

12/08/2013