Mận Bắc Hà Sẽ Trở Thành Thương Hiệu Chất Lượng Cao

Huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai từ lâu đã được biết đến là vùng cây ăn quả với các sản phẩm mận nổi tiếng vùng Tây Bắc.
Có thời điểm, diện tích mận ở Bắc Hà lên tới trên 2.000 ha và là nguồn thu nhập chính, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho bà con nông dân. Tuy nhiên, trải qua thời gian, nhiều diện tích mận bị thoái hóa, sản phẩm mận bị rớt giá khiến người nông dân không còn mặn mà phát triển cây mận.
Trước thực trạng này, huyện Bắc Hà đã bắt tay vào xây dựng thương hiệu cho sản phẩm mận tại địa phương, với mong muốn nâng cao sức cạnh tranh, tạo chỗ đứng trên thị trường, tăng thêm chuỗi giá trị cho các sản phẩm mận trên vùng cao Bắc Hà.
Nằm trên cao nguyên đá vôi có khí hậu quanh năm mát mẻ, Bắc Hà nổi tiếng với những vườn mận được trồng bạt ngàn trên sườn đồi, phủ kín những thung lũng nhỏ kẹp giữa những ngọn núi ngút ngàn.
Hiện nay, Bắc Hà trở thành một vùng chuyên canh cây mận Tam hoa lớn nhất tỉnh Lào Cai và cả vùng miền núi phía Bắc. Ưu điểm của mận Tam hoa Bắc Hà là quả to, màu sắc đẹp, lượng đường cao, được thị trường ưa chuộng và được giá.
Tuy nhiên, phần lớn cây mận đã trên 30 năm tuổi, đồng thời người dân chỉ biết khai thác mà ít quan tâm chăm sóc, cải tạo. Thêm vào đó, do thời tiết những năm gần đây bất thuận, có những đợt rét đậm, rét hại kéo dài vào mùa đông nên ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây và năng suất, chất lượng quả.
Giá cả không ổn định cũng gây khó khăn trong việc nỗ lực tìm kiếm thị trường của địa phương. Trước đó, các dự án nước xi-rô mận, nước ép mận Tam hoa đóng chai, làm ô mai mận, mận khô... đều không mang lại hiệu quả bền vững.
Những năm được mùa, giá mận lúc thu hoạch đã rớt xuống chỉ còn 200 - 300đ/kg đối với mận xô; 400 - 500đ/kg đối với mận chọn, dẫn đến thu nhập từ quả mận quá thấp, tạo nên tâm lý không tốt cho người dân trong việc đầu tư chăm sóc cây mận.
Qua kết quả rà soát, đến năm 2010 chỉ còn 521 ha, năm 2011 trồng mới 30 ha được phân bố ở thị trấn Bắc Hà và 6 xã trong huyện: Tà Chải, Bản Phố, Lầu Thí Ngài, Thải Giàng Phố, Na Hối và Nậm Mòn, với sản lượng bình quân hàng năm là 1.800 tấn.
Đầu tháng 6 năm 2014, tại Lễ hội đua ngựa và các hoạt xúc tiến thương mại trên địa bàn huyện, các sản phẩm mận trong giai đoạn thử nghiệm có gắn tem của Nhãn hiệu chứng nhận đã được giới thiệu đến khách du lịch và người sử dụng, tạo niềm tin về chất lượng cho người dùng, quảng bá mận đến mọi miền Tổ quốc...
Trước thực trạng này, huyện Bắc Hà đã xác định: Cây mận Tam hoa sẽ vẫn là cây trồng chủ yếu, không chỉ giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo mà còn trở thành một sản phẩm du lịch chất lượng cao. Từ những lợi thế sẵn có về điều kiện tự nhiên, khí hậu, con người, huyện Bắc Hà sẽ triển khai dự án quy hoạch vùng cây ăn quả trong toàn huyện.
Trong đó chia ra là 3 vùng cây trồng trọng điểm: Vùng trung tâm huyện với khí hậu mát mẻ, thuận lợi được ưu tiên trồng mận Tam hoa, bên cạnh đó là đào Pháp, lê VH6; vùng cao khí hậu lạnh hơn có thể trồng các loại mận địa phương như mận tím, mận hậu, mận Tả Van... ; vùng thấp dành cho cây ăn quả nhiệt đới...
Bà Trần Thị Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà cho biết, thời gian qua, UBND huyện đã phối hợp với Viện Thổ nhưỡng Nông hóa (Bộ NN- PTNT), Sở Khoa học và Công nghệ Lào Cai, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ Lào Cai triển khai Dự án xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm mận của địa phương với 4 sản phẩm, là mận Tam hoa, mận Tả Van, mận Hậu, mận Tả Hoàng Ly, hiện đang được phát triển tại 13 xã trên địa bàn huyện.
Dự án sau khi dự án hoàn thành sẽ mang lại những lợi ích tích cực cho huyện Bắc Hà nói chung cũng như người dân trồng mận nói riêng, như sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; góp phần nâng cao giá trị sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận.
Xây dựng và nhân rộng mô hình mẫu về tạo lập và quản lý nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm đặc thù tương ứng của tỉnh Lào Cai nói riêng, các địa phương khác nói chung.
Hiện nay, để dự án đạt hiệu quả cao, huyện Bắc Hà đã có chính sách, chương trình hỗ trợ người trồng mận duy trì và phát triển ổn định nghề. Phối hợp với Viện Thổ nhưỡng nông hóa điều tra, khảo sát, lập hồ sơ, bản đồ, thiết kế logo cho sản phẩm mận và xây dựng hồ sơ đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH- CN) xét duyệt cấp chứng nhận.
Có thể bạn quan tâm

Trong những chuyến công tác tại các xã vùng cao, thôn bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh, chúng tôi thực sự phấn khởi khi chứng kiến nhiều công trình hạ tầng cơ sở được quan tâm đầu tư phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đời sống, thu nhập cho nhân dân các dân tộc. Diện mạo ấy có sự “trợ sức” không nhỏ từ chương trình mang tên 135 giai đoạn III…

Những nơi đã trồng cây vụ thu, vụ thu đông cần tập trung ưu tiên nạo vét kênh tưới tiêu, đầu khâu, đầu luống, chuẩn bị các phương tiện tiêu úng nhanh, kịp thời khi xảy ra tình huống ngập lụt. Các địa phương chủ động liên hệ với Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Điện Biên cung ứng, chuẩn bị giống ngô, khoai tây, rau màu để cung ứng nhanh cho sản xuất; triển khai rút nước, gieo trồng cây ưa ấm ngay sau bão tan.

Huyện Thanh Bình với điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sự phát triển một số nông sản như ớt và cây lúa, hoa màu…, đến nay một số nông sản này từng bước được thị trường chấp nhận. Tuy nhiên, việc liên kết tiêu thụ sản phẩm vẫn còn khiêm tốn chưa tạo sức bật cho nông sản thế mạnh này…

Theo thông tin từ Trại giống Tân Khánh Đông, đây là những giống hoa triển vọng cho hiệu quả kinh tế cao, rất được thị trường ưa chuộng. Ngoài ra, nhờ được lai tạo bằng công nghệ nuôi cấy mô nên các loại hoa này có nhiều ưu điểm hơn so với nhân giống theo kiểu truyền thống như: cây khỏe, sạch bệnh, chất lượng đồng đều... đặc biệt có thể nhân giống với số lượng lớn.

Đến thời điểm này, nông dân huyện Lai Vung thu hoạch được 150/329ha hoa màu vụ thu đông, tập trung ở các xã ven sông Hậu như Tân Thành, Vĩnh Thới, Tân Hòa, Định Hòa và Phong Hòa.