Mận Bắc Hà Sẽ Trở Thành Thương Hiệu Chất Lượng Cao

Huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai từ lâu đã được biết đến là vùng cây ăn quả với các sản phẩm mận nổi tiếng vùng Tây Bắc.
Có thời điểm, diện tích mận ở Bắc Hà lên tới trên 2.000 ha và là nguồn thu nhập chính, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho bà con nông dân. Tuy nhiên, trải qua thời gian, nhiều diện tích mận bị thoái hóa, sản phẩm mận bị rớt giá khiến người nông dân không còn mặn mà phát triển cây mận.
Trước thực trạng này, huyện Bắc Hà đã bắt tay vào xây dựng thương hiệu cho sản phẩm mận tại địa phương, với mong muốn nâng cao sức cạnh tranh, tạo chỗ đứng trên thị trường, tăng thêm chuỗi giá trị cho các sản phẩm mận trên vùng cao Bắc Hà.
Nằm trên cao nguyên đá vôi có khí hậu quanh năm mát mẻ, Bắc Hà nổi tiếng với những vườn mận được trồng bạt ngàn trên sườn đồi, phủ kín những thung lũng nhỏ kẹp giữa những ngọn núi ngút ngàn.
Hiện nay, Bắc Hà trở thành một vùng chuyên canh cây mận Tam hoa lớn nhất tỉnh Lào Cai và cả vùng miền núi phía Bắc. Ưu điểm của mận Tam hoa Bắc Hà là quả to, màu sắc đẹp, lượng đường cao, được thị trường ưa chuộng và được giá.
Tuy nhiên, phần lớn cây mận đã trên 30 năm tuổi, đồng thời người dân chỉ biết khai thác mà ít quan tâm chăm sóc, cải tạo. Thêm vào đó, do thời tiết những năm gần đây bất thuận, có những đợt rét đậm, rét hại kéo dài vào mùa đông nên ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây và năng suất, chất lượng quả.
Giá cả không ổn định cũng gây khó khăn trong việc nỗ lực tìm kiếm thị trường của địa phương. Trước đó, các dự án nước xi-rô mận, nước ép mận Tam hoa đóng chai, làm ô mai mận, mận khô... đều không mang lại hiệu quả bền vững.
Những năm được mùa, giá mận lúc thu hoạch đã rớt xuống chỉ còn 200 - 300đ/kg đối với mận xô; 400 - 500đ/kg đối với mận chọn, dẫn đến thu nhập từ quả mận quá thấp, tạo nên tâm lý không tốt cho người dân trong việc đầu tư chăm sóc cây mận.
Qua kết quả rà soát, đến năm 2010 chỉ còn 521 ha, năm 2011 trồng mới 30 ha được phân bố ở thị trấn Bắc Hà và 6 xã trong huyện: Tà Chải, Bản Phố, Lầu Thí Ngài, Thải Giàng Phố, Na Hối và Nậm Mòn, với sản lượng bình quân hàng năm là 1.800 tấn.
Đầu tháng 6 năm 2014, tại Lễ hội đua ngựa và các hoạt xúc tiến thương mại trên địa bàn huyện, các sản phẩm mận trong giai đoạn thử nghiệm có gắn tem của Nhãn hiệu chứng nhận đã được giới thiệu đến khách du lịch và người sử dụng, tạo niềm tin về chất lượng cho người dùng, quảng bá mận đến mọi miền Tổ quốc...
Trước thực trạng này, huyện Bắc Hà đã xác định: Cây mận Tam hoa sẽ vẫn là cây trồng chủ yếu, không chỉ giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo mà còn trở thành một sản phẩm du lịch chất lượng cao. Từ những lợi thế sẵn có về điều kiện tự nhiên, khí hậu, con người, huyện Bắc Hà sẽ triển khai dự án quy hoạch vùng cây ăn quả trong toàn huyện.
Trong đó chia ra là 3 vùng cây trồng trọng điểm: Vùng trung tâm huyện với khí hậu mát mẻ, thuận lợi được ưu tiên trồng mận Tam hoa, bên cạnh đó là đào Pháp, lê VH6; vùng cao khí hậu lạnh hơn có thể trồng các loại mận địa phương như mận tím, mận hậu, mận Tả Van... ; vùng thấp dành cho cây ăn quả nhiệt đới...
Bà Trần Thị Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà cho biết, thời gian qua, UBND huyện đã phối hợp với Viện Thổ nhưỡng Nông hóa (Bộ NN- PTNT), Sở Khoa học và Công nghệ Lào Cai, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ Lào Cai triển khai Dự án xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm mận của địa phương với 4 sản phẩm, là mận Tam hoa, mận Tả Van, mận Hậu, mận Tả Hoàng Ly, hiện đang được phát triển tại 13 xã trên địa bàn huyện.
Dự án sau khi dự án hoàn thành sẽ mang lại những lợi ích tích cực cho huyện Bắc Hà nói chung cũng như người dân trồng mận nói riêng, như sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; góp phần nâng cao giá trị sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận.
Xây dựng và nhân rộng mô hình mẫu về tạo lập và quản lý nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm đặc thù tương ứng của tỉnh Lào Cai nói riêng, các địa phương khác nói chung.
Hiện nay, để dự án đạt hiệu quả cao, huyện Bắc Hà đã có chính sách, chương trình hỗ trợ người trồng mận duy trì và phát triển ổn định nghề. Phối hợp với Viện Thổ nhưỡng nông hóa điều tra, khảo sát, lập hồ sơ, bản đồ, thiết kế logo cho sản phẩm mận và xây dựng hồ sơ đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH- CN) xét duyệt cấp chứng nhận.
Có thể bạn quan tâm

Đến ngày 3/5/2015, nông dân huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) thu hoạch được 600/700ha mè vụ hè thu năm 2015, tập trung ở các xã Bình Hàng Trung, Mỹ Hội, Mỹ Thọ, An Bình, Nhị Mỹ, Tân Nghĩa và Phong Mỹ; năng suất đạt từ 1 – 1,5 tấn/ha.

Trong những ngày nghỉ lễ, người nông dân vùng Đông Bắc tỉnh đã liên tiếp đón nhận niềm vui khi trời đổ cơn mưa lớn giúp hàng ngàn ha cây trồng được giải hạn.

Sáng 4.5, tại xã Cát Lâm (Phù Cát - Bình Định), Sở NN&PTNT đã phối hợp với Công ty TNHH Hạt giống Việt Nam tổ chức Hội thảo đầu bờ giới thiệu 3 giống bắp lai triển vọng CP331,CP333 và CP501 đã được 16 hộ dân ở địa phương sản xuất trên diện tích 2 ha (diện tích đất sản xuất lúa kém hiệu quả chuyển sang cây trồng cạn) trong vụ ĐX 2014 - 2015.

Được sự giới thiệu của một số người bạn và sự chỉ dẫn nhiệt tình của bà con nông dân thôn Duyên Yết, xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên, chúng tôi dễ dàng tìm đến được mô hình trồng măng tây xanh của chị Phan Thị Điệu, một xã viên Hợp tác xã Phú Thái.

Thông tin từ Cục Thống kê Đồng Nai cho hay, xuất khẩu cà phê trong tháng 4 chỉ đạt gần 16.540 tấn với kim ngạch gần 43,3 triệu USD, giảm gần 250 tấn so với tháng 3-2015. Tính chung trong 4 tháng đầu năm 2015 thì Đồng Nai xuất khẩu được hơn 66 ngàn tấn với tổng giá trị 154,3 triệu USD, đạt hơn 70% về lượng và trên 80% về giá so với cùng kỳ năm trước.