Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Mắc ca chết yểu, sachi lên hương

Mắc ca chết yểu, sachi lên hương
Ngày đăng: 03/08/2015

Đầu năm 2015, gia đình ông Dương Quốc Huy (ngụ xã Đông Sơn, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh và Công ty CP Sachi Vina mời tham gia mô hình trồng sachi. Ngoài giống cây, ông còn được cán bộ Học viện Nông nghiệp Việt Nam tư vấn, giúp đỡ về kỹ thuật.

“Siêu thực phẩm mới”

Ông Dương Quốc Huy là một trong những hộ nông dân đầu tiên trồng thử nghiệm cây sachi ở Việt Nam. Loài cây này đang được trồng thí điểm tại một số tỉnh như Ninh Bình, Hòa Bình, Sơn La, Đắk Lắk…

Cây sachi (hay sacha inchi, peanut inca, inca inchi) là loài thực vật họ thầu dầu xuất xứ từ Nam Mỹ. Về Việt Nam, sachi được quảng bá là “vua của các loại hạt”, “siêu thực phẩm mới”, “dầu ăn tốt nhất thế giới”…; rằng với tổng mức đầu tư ban đầu chừng 100-150 triệu đồng, mỗi hecta sachi có thể cho giá trị kinh tế lên tới 350 triệu đồng. Omega-3 trong sachi được cho là có đến 48%-54%, giúp phát triển và nâng cao trí tuệ, giảm cholesterol, điều hòa huyết áp, cân bằng tế bào thần kinh, giảm các nguy cơ đột tử do bệnh tim mạch gây nên…

Theo ông Huy, gia đình ông đã trồng thử nghiệm 2.500 gốc sachi trên diện tích 2 ha tại xã Đông Sơn. Đây là vùng đất cằn cỗi, nhiều sỏi đá, thổ nhưỡng không ổn định. “Sau 7 tháng triển khai, tôi thấy cây sachi thích nghi tốt với khí hậu lạnh cũng như nắng nóng kéo dài. Hiện cây phát triển tốt và đã cho thu hoạch một lượt hạt nhất định. Một số giáo sư, tiến sĩ đầu ngành về nông nghiệp đánh giá rất cao chất lượng hạt trồng tại đây” - ông Huy kỳ vọng.

Tại trang trại của ông Huy, chúng tôi nhận thấy vườn cây sachi được trồng sát chân đồi núi đá phát triển khá tốt, nhiều cây đang ra hoa kết quả. Tuy nhiên, cũng có nhiều cây đã chết khô, gãy đổ do thân mềm. Theo ông Huy, trong đợt nắng hạn kéo dài vừa qua, do không còn nước tưới nên có một số cây chết nhưng đa phần đã chống chọi được.

“Tôi không dám khẳng định hiệu quả đến đâu vì đang trồng thử nghiệm nhưng thấy một số nơi người ta trồng hiệu quả cao. Tôi mong cây này thành công để mở rộng diện tích vì khu vực này trước đây tôi đã thử nghiệm rất nhiều cây nhưng không mang lại hiệu quả” - ông Huy thổ lộ.

Khi chúng tôi nêu thực tế về việc mắc ca trồng đại trà tại nhiều địa phương đang chết yểu, ông Huy cho rằng “cây tỉ đô” 4-5 năm mới cho quả, thời gian đầu tư chăm sóc lâu nên rủi ro cao. Trong khi đó, cây sachi chỉ trồng khoảng 5-7 tháng là ra quả và cây quanh năm có hoa, cho thu hoạch nên ông cũng yên tâm phần nào.

Theo ông Phạm Đình Cư, Chủ tịch UBND xã Đông Sơn, mô hình trồng sachi đã được triển khai tại xã từ đầu năm 2015 và chỉ duy nhất hộ ông Huy trồng loại cây này. “Đây là loài cây mới nên địa phương cũng không rõ hiệu quả của nó như thế nào” - ông Cư băn khoăn.

Không nên vội vã trồng

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, PGS-TS Nguyễn Thị Phương Thảo - Trưởng Khoa Công nghệ Sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam - cho biết cây sachi được trồng khảo nghiệm ở nước ta từ tháng 4-2014, đến nay đã cho thu hoạch và phát triển tốt. Mô hình trồng sachi được Công ty CP Sachi Vina kết hợp với các nhà khoa học của Khoa Công nghệ Sinh học và Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng quốc gia thực hiện.

Theo bà Thảo, sachi trồng khảo nghiệm có tỉ lệ sống trên 95%. Cây bắt đầu ra hoa sau khi trồng 3-5 tháng và sau 6-8 tháng đã cho thu hoạch quả. Sachi đang được các nhà khoa học khảo nghiệm ở nhiều vùng khác nhau tại Việt Nam. “Bước đầu khảo nghiệm chứng tỏ loại cây này khá hợp với nước ta” - bà khẳng định.

Dù sachi được đánh giá có giá trị kinh tế cao, bước đầu khảo nghiệm đạt kết quả khả quan nhưng PGS-TS Thảo khuyến cáo nông dân không nên tự phát trồng với mục đích phát triển kinh tế. “Để chắc chắn, phải chờ kết quả khảo nghiệm của doanh nghiệp, sau đó Bộ NN-PTNT kết luận công nhận kết quả này và công bố thông tin, doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất, chế biến, tiêu thụ thì mới nên tham gia trồng sachi rộng rãi nhằm tránh rủi ro” - bà lưu ý.

Theo PGS-TS Thảo, phải hết sức cẩn trọng, làm bài bản, khoa học vì sachi là loại cây trồng mới. “Bài học về cây mắc ca mà nhiều nơi phát triển một cách tự phát cần được lưu ý. Chúng tôi mới khảo nghiệm được năm thứ nhất, có thể 1-2 năm đầu sachi phát triển tốt nhưng biết đâu năm thứ ba sẽ bị sâu bệnh hay diễn biến bất thường nào đó. Vì vậy, phải tiếp tục khảo nghiệm để có đủ thông tin đánh giá một cách khoa học nhất” - bà nhìn nhận.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trí Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho rằng đánh giá tính hiệu quả hay không của một loại cây trồng, nhất là cây trồng mới, là rất khó, cần phải có thời gian để chứng minh. Ông Ngọc cho biết sachi ở Peru đã sản xuất với quy mô hàng hóa rất tốt và hiệu quả. Tuy nhiên, nông dân Việt Nam không nên vội vàng tự phát trồng cây này khi chưa có khuyến cáo của cơ quan quản lý nhà nước cũng như các nhà khoa học.

“Nếu để nông dân tự trồng ồ ạt thì đây là điều cực kỳ nguy hiểm vì có thể họ sẽ phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề về mặt kinh tế. Làm khảo nghiệm, thí điểm phải để cho doanh nghiệp và các nhà khoa học tiến hành, sau khi thành công thì nông dân mới nên trồng” - ông Ngọc thận trọng.

Theo ông Ngọc, điều quan trọng nhất là cây sachi phải được nghiên cứu, khảo nghiệm, đánh giá những mặt tích cực, hạn chế trong điều kiện cụ thể của Việt Nam. “Nếu chỉ nghe nói về cây đó thế nọ, thế kia là không đủ thông tin chính xác” - ông Ngọc nhấn mạnh.


Có thể bạn quan tâm

Giá Tôm Thẻ Chân Trắng Có Thể Tăng Thêm 15% Giá Tôm Thẻ Chân Trắng Có Thể Tăng Thêm 15%

Mặc dù Ấn Độ và Ecuador vẫn trúng mùa, nhưng tôm nuôi của Thái Lan, Trung Quốc và Malaysia đang bị thiệt hại nặng do hội chứng chết sớm (EMS) nên nguồn cung không còn dồi dào như ở thời điểm tháng 5 vừa qua. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ tại một số thị trường vẫn không suy giảm, giúp giá tôm tăng trở lại trong tháng 6.

04/07/2014
Động Viên Ngư Dân Rẽ Sóng Vươn Khơi Động Viên Ngư Dân Rẽ Sóng Vươn Khơi

Sáng 12/6, tại UBND xã Tam Quang (Núi Thành, Quảng Nam), Hội Nghề cá tỉnh Quảng Nam phối hợp với Báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh tổ chức lễ hỗ trợ vốn cho 150 hộ ngư dân có hoàn cảnh khó khăn thuộc 15 tàu của huyện Núi Thành.

13/06/2014
An Giang Liên Kết Để Vực Dậy Ngành Cá Tra An Giang Liên Kết Để Vực Dậy Ngành Cá Tra

Để khắc phục tình trạng trên, An Giang thực hiện tái cơ cấu con cá tra với các giải pháp như: Quy hoạch gắn với thị trường, giải pháp về khoa học và công nghệ; giải pháp về tổ chức sản xuất... Trong đó liên kết trong khâu nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra được xem là một trong những yếu tố quan trọng để giựt dậy ngành cá tra hiện nay.

04/07/2014
Lâm Thao (Phú Thọ) Mở Rộng Diện Tích Nuôi Trồng Thủy Sản Lâm Thao (Phú Thọ) Mở Rộng Diện Tích Nuôi Trồng Thủy Sản

Lâm Thao (Phú Thọ) hiện có tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản loại hình mặt nước nuôi chuyên là 520 ha, năng suất bình quân hàng năm đạt 4,8 tấn/ha...

04/07/2014
Tôm Thẻ Chân Trắng Tăng 10.000 Đến 20.000 Đồng/kg Tôm Thẻ Chân Trắng Tăng 10.000 Đến 20.000 Đồng/kg

Sau nhiều tháng sụt giảm mạnh, hiện nay, giá tôm thẻ chân trắng tại các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải, Trà Cú… đã tăng trở lại. Cụ thể, tôm thẻ loại 60 con/kg giá 116.000 đồng/kg, tôm thẻ loại 70 con/kg giá 112.000 đồng/kg, tôm thẻ loại 90 con/kg giá 100.000 - 104.000 đồng/kg… bình quân tăng 10.000 - 20.000 đồng/kg so đầu tháng 6/2014.

04/07/2014