Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Mặc Áo Chống Bệnh Cho Xoài

Mặc Áo Chống Bệnh Cho Xoài
Ngày đăng: 02/10/2014

Những năm gần đây, nhiều người trồng xoài ở huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã tiến hành bao trái xoài từ khi trái còn non. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu chống côn trùng gây hại và nâng cao chất lượng quả.

Ứng dụng khá rộng rãi

Đi dọc Tỉnh lộ 3, chúng tôi thấy nhiều vườn xoài được bao trái trắng xóa. Ông Võ Văn Tốt (thôn Cây Xoài, xã Suối Tân) cho biết, cách đây 4 năm, ông đã tiến hành bao trái xoài bằng các loại bao do Trung Quốc sản xuất. Tuy nhiên, do chất lượng xoài không đạt, trái bị xỉn vàng nên ông đã bỏ và chuyển sang bao bằng giấy báo. “Giá giấy báo lúc cao nhất là 15.000 đồng/kg có thể bao được 1 tạ quả.

Quả xoài được bao cẩn thận sẽ giúp màu sắc, chất lượng đảm bảo, không còn hiện tượng bị ong chích làm giảm phẩm chất...” - ông Tốt chia sẻ.

Nằm cạnh vườn xoài ông Tốt, vườn xoài ông Phạm Văn Công cũng áp dụng việc bao trái hơn 1 năm nay. Toàn bộ 40 cây xoài cát Hòa Lộc và 35 cây xoài Tứ Quý đã được ông Công bao trái.

Ông Công cho biết, nhờ bao trái mà chất lượng trái xoài tốt hơn, đẹp hơn, trái giữ màu, phấn bám... Giá bán xoài cao hơn. Ông Công cho hay, hiện nay, nhiều đại lý có bán các loại vật dụng bao trái khác nhau do nhiều nước sản xuất; tuy nhiên, giá thành còn đắt nên ông vẫn chuộng cách bao bằng giấy báo.

Còn theo ông Lương Nhiên - Trưởng thôn Cây Xoài, hiện nay, việc bao trái xoài rất phổ biến, hầu như nhà vườn nào cũng làm và chỉ ứng dụng trên các giống xoài mới, có giá trị kinh tế như: Hòa Lộc, Thái Lan, Úc...

2 năm trở lại đây, ông Lê Thành Trung (thôn Tân Thành, xã Cam Thành Bắc) đã biết sử dụng các loại vật dụng bao trái để bảo quản trái xoài. 220 gốc xoài Hòa Lộc được ông đầu tư bao trái. Ông Trung dùng sản phẩm bao trái do các doanh nghiệp sản xuất. “Các loại bao trái bán trên thị trường có giá 800 đồng và 1.000 đồng/bao. Tuy tốn kém nhưng nếu biết cách thì có thể sử dụng được 2 - 3 năm; dùng giấy giá thành rẻ nhưng không bảo đảm vì ong có thể chui vào...”, ông Trung nói.

Tuy vậy, vẫn còn một số người trồng xoài chưa áp dụng rộng rãi việc bao trái xoài. Bà Trần Thị Kim Hiển (thôn Bãi Giếng 2, xã Cam Hải Tây) cho biết, tuy bao trái có thể tránh được ong chích hút hay nạn bọ trĩ, nhưng cũng làm trái chậm lớn hơn, tốn nhiều công khi thu hoạch. “Một vụ thu hoạch phải chia làm 3 đợt. Trái xoài khi bao phải đánh số theo thứ tự khi cây bắt đầu trổ hoa. Khi hái, mở bao ra, nếu trái nào chưa đạt phải bao lại nên hơi mất công...” - bà Hiển bày tỏ.

Khuyến khích sử dụng đại trà

Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư cho biết, bao trái là một trong những công đoạn quan trọng của quá trình chăm sóc, thu hoạch trái cây, trong đó có trái xoài.

Bao trái giúp trái cây không bị côn trùng, sâu bệnh (sâu đục cuống, bọ xít, ruồi đục quả, bệnh thán thư, đốm nâu...) phá hoại; góp phần làm màu vỏ trái đậm, nhạt đẹp theo ý thích, không có các vết nám do sâu bệnh hay sém nắng, không làm thay đổi chất lượng trái; hạn chế quả rụng do sâu bệnh, giảm số lần phun thuốc, tăng năng suất cây trồng...

Hiện nay, các loại túi bao trái trong nước và nước ngoài, trong đó có bao giấy Đài Loan có nhiều ưu điểm như: phòng ngừa sự phá hại của sâu bệnh, chim, thú; phòng ngừa tia cực tím, ánh nắng quá gắt làm trái cây bị nứt và bị đốt nóng, quả bị bỏng; phòng ngừa vỏ trái sần sùi và chấm đốm đen.

Bên cạnh đó, nâng cao độ bóng đẹp cho trái cây, cải thiện chất lượng về mỹ quan; nâng cao độ ngọt, độ tươi mềm của trái cây, cải thiện chất lượng bên trong của quả; thời gian chín sớm, kéo dài thời kỳ ra quả, nâng cao hiệu quả kinh tế, gia tăng thu nhập. Ngoài ra, túi bao trái cây cất giữ được lâu, có thể kéo dài thời gian bảo quản; giảm sử dụng lượng thuốc trừ sâu, sản xuất không gây hại môi trường cây ăn trái...

Theo ông Nguyễn Ta - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lâm, hiện nay, bao trái bảo quản sản phẩm được người trồng xoài tại Cam Lâm áp dụng phổ biến, nhất là các địa phương như: Cam Đức, Cam Hải Tây, Suối Tân... Thời gian qua, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã tổ chức tập huấn, khuyến khích người trồng xoài áp dụng việc bao trái để nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần cạnh tranh với sản phẩm ở nơi khác.


Có thể bạn quan tâm

Phát Triển Kinh Tế Vườn, Trang Trại Phát Triển Kinh Tế Vườn, Trang Trại

Nghị quyết về hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại (KTV, KTTT) và chăn nuôi (2012 - 2016) ra đời đã giúp nhiều hộ nông dân Tiên Phước mạnh dạn đầu tư làm ăn lớn.

19/03/2014
Công Nghệ Biofloc Chữa Bệnh Cho Tôm Công Nghệ Biofloc Chữa Bệnh Cho Tôm

Ông Nguyễn Huy Điền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) cho biết, trong thời gian tới, Tổng cục Thuỷ sản sẽ khảo sát thực tiễn sản xuất và hoàn chỉnh quy trình kỹ thuật nuôi tôm theo 2 giải pháp trên, nhằm phổ biến cụ thể đến bà con nông dân.

22/02/2014
Vì Sao “Giấc Mơ” Cá Cảnh Tiền Giang Chưa Thành? Vì Sao “Giấc Mơ” Cá Cảnh Tiền Giang Chưa Thành?

Hơn 23 năm hình thành và phát triển, nhưng nghề nuôi cá cảnh ở Tiền Giang đến nay vẫn dậm chân tại chỗ, mặc dù tỉnh có đầy đủ yếu tố cả về thiên thời và địa lợi. Nguyên nhân do đâu?

19/03/2014
Thạch Cảnh Vượt Lên Chính Mình Thạch Cảnh Vượt Lên Chính Mình

Từ đôi bàn tay trắng, vợ chồng anh Thạch Cảnh (người khmer) ở ấp Thạnh An Tư, xã Thạnh Thới Thuận, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng đã “vượt lên chính mình” để có cuộc sống sung túc...

22/02/2014
Bí Quyết Trồng Đại Táo Bí Quyết Trồng Đại Táo

Mùa này ra chợ, chỗ nào cũng có bán táo. Trước đây, có nhiều giống táo được bán lắm! Nhưng ít năm trở lại đây, người ta chỉ bán chủ yếu giống táo có quả to mà được gọi là đại táo. Gọi là “đại táo” cũng không ngoa.

22/02/2014