Lý Sơn (Quảng Ngãi) Tập Trung Sản Xuất Vụ Hành Chính Trong Năm

Sau khi thu hoạch xong tỏi đông xuân 2013-2014, bà con nông dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã khẩn trương bắt tay vào sản xuất gần 80 ha hành tháng 2 âm lịch. Đây là một trong những vụ hành chính vụ được bà con nông dân trên đảo kỳ vọng.
Vừa thu hoạch dứt điểm vụ tỏi đông xuân 2013-2014, gia đình chị Nguyễn Thị Sang ở thôn Đông, xã An Hải đã thuê gần 10 lao động tại địa phương tiến hành vệ sinh lại đồng ruộng và xuống giống khoảng 5 sào hành tháng 2 cho kịp thời vụ.
Mặc dù vụ hành này được gieo trồng trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, thiếu nước tưới tiêu, công chăm sóc tăng, nhưng đây là vụ hành được gia đình chị Sang kỳ vọng. “Đến nay gia đình tôi đã xuống giống được 4 sào hành và tranh thủ gieo trồng hết diện tích đất còn lại, tuy lứa hành này gặp nhiều khó khăn, nhưng tôi hy vọng sẽ bội thu như lứa tỏi vừa qua”-chị Sang bày tỏ.
Còn tại cánh đồng xã An Vĩnh, trên 30ha đất sản xuất vụ hành tháng 2 cũng được bà con nông dân cải tạo từ sớm. Ông Mai Văn Danh ở thôn Đông xã An Vĩnh cho biết: Để sản xuất trên 10 sào hành vụ xuân hè này gia đình ông đã đầu tư trên 80 triệu đồng để mua xăng dầu, giống, cát trắng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cùng hệ thống dây dẫn nước về tận cánh đồng nhằm chủ động nguồn nước tưới trong mùa khô.
Vụ hành tháng 2 âm lịch này, nông dân Lý Sơn gieo trồng gần 80ha, trung bình mỗi sào hành phải đầu tư chi phí từ 7-8 triệu đồng. Đây là vụ hành bà con nông dân Lý Sơn sẽ gặp nhiều khó khăn vì giống, cát trắng, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao, bên cạnh đó là nguồn nước tưới tiêu cho cây hành thì luôn trong tình trạng khan hiếm.
Ông Nguyễn Văn Lê-Trưởng Phòng KT-HTNT huyện Lý Sơn cho biết: “Với phương châm đảm bảo năng suất, sản lượng cây trồng vụ hành tháng 2, huyện Lý Sơn đã vận động nhân dân tích cực nạo vét các giếng nước hiện có, đồng thời tuyên truyền, vận động nông dân sử dụng tiết kiệm nguồn nước trong sản xuất và sinh hoạt để đảm bảo được nguồn nước tưới tiêu cho cây trồng, đồng thời yêu cầu xã An Hải vận hành, khai thác công trình Hồ chứa nước Thới Lới một cách hiệu quả nhất”.
Ngoài việc sản xuất gần 80ha hành, bà con nông dân Lý Sơn còn tập trung chăm sóc 230ha bắp, và 90ha cây đậu phụng cùng một số cây hoa màu khác. Đây là những cây trồng được nông dân Lý Sơn chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đã góp phần tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình.
Có thể bạn quan tâm

Hiện nay, tại huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, khoảng 15.000 tấn sò lông đến kỳ thu hoạch nhưng chưa được khai thác, còn nằm dưới bãi nuôi vì không có thương lái mua, khiến nhiều hộ dân nuôi sò gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra cho loài thủy sản hai mảnh vỏ này.

Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi – Thủy sản Gò Công (Thị xã Gò Công, Tiền Giang) đã được Công ty TNHH San Hà (Tp. Hồ Chí Minh) ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm gà ta “Gò Công” chăn nuôi theo quy trình an toàn với giá 60.000 đồng/kg đối với gà trống và 75.000 đồng/kg đối với gà mái. Với mức giá trên, hộ xã viên nuôi 1.000 con gà ta Gò Công sẽ thu lãi 30 triệu đồng sau chu kỳ 3 tháng nuôi.

Tác động của thời tiết nắng nóng kéo dài đã làm gần 190 ha cây trồng vụ Đông Xuân 2012-2013 trên địa bàn huyện Chư Pah (Gia Lai) bị hạn; trong đó 30 ha bị mất trắng, số còn lại đang dần phục hồi. Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pah - ông Phạm Minh Châu, diện tích cây trồng bị hạn vụ sản xuất năm nay giảm nhiều so với năm 2010 trở về trước.

Khi áp lực về việc làm tăng cao, cùng với các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm phát sinh khó kiểm soát, các hộ dân của xã Thái Bảo, huyện Gia Bình đã đưa con dế vào nuôi thử nghiệm, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra cơ hội mới trong phát triển kinh tế của nông dân.

Ông Trần Lâm Sinh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Đồng Nai cho biết, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Đồng Nai đã phát hiện ra gần 800 héc ta bắp không hạt, tập trung chủ yếu ở các huyện: Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Long Thành và TX. Long Khánh với mức độ thiệt hại từ 30 - 60%.