Lưu Ý Khi Trồng Thanh Long Ruột Đỏ

Cũng như giống thanh long nói chung, thanh long ruột đỏ ưa sáng, đất trồng không ngập nước. Cây không bị che ánh sáng mặt trời quá 30% diện tích chiếu sáng. Nước tưới không nhiễm phèn, mặn.
Chuẩn bị trụ trồng bằng xi măng dài 2- 2,2m, chừa 4 lõi sắt dài ra bẻ cong làm giá đỡ. Trụ chôn sâu 0,5m.
Nên làm mô đất để thoát nước tốt, mô cao 3cm, đường kính 60- 100cm. Mô đất trộn phân chuồng hoai 15- 20kg hoặc phân hữu cơ 10- 15kg/trụ + 500g super lân + Basudin 2g/mô. Dùng Benoml 0,1% tưới vào đất trước khi trồng để ngừa nấm bệnh. Cắt hom dài 30- 40cm, tuổi cành trên 6 tháng. Đáy hom cắt bỏ phần thịt bên ngoài, chừa lõi để tránh thối hom, sau đó nhúng vào dung dịch thuốc trừ nấm Benlat C 0,1% trong 5 phút. Hom có thể giâm trước khi trồng ở nơi có che ánh sáng, tới khi cành ra rễ và đâm chồi.
Nên trồng thanh long vào đầu mùa mưa, mỗi trụ 3- 4 hom, sau khi đặt tưới nước 2 lần/ngày (không để quá khô hay ướt đẫm). Từ mặt đất tới đỉnh trụ chỉ để một cành, khi phát triển tới mức tạo tán, nên tỉa cành mẹ.
Khi cây còn nhỏ dưới 3 tháng tuổi, sau khi trồng 2 tuần sử dụng phân urê, DAP hoặc NPK 16- 16- 8 hay 20- 20- 15 để tưới, với lượng 20- 30g/trụ, tưới 10 ngày một lần. Cây 3- 12 tháng tăng lên 30- 50g/trụ, tưới 15 ngày/lần. Khi cây 1- 3 năm tuổi, dùng phân chuồng hoai hoặc phân hữu cơ 20- 50kg/trụ/năm (tăng theo tuổi), chia làm 2 lần bón. Lần một khi cây chuẩn bị ra hoa rộ vào tháng 2- 3, lần 2 vào tháng 9-10. Sau giai đoạn cho trái rộ là giai đoạn sinh cành mới và chuẩn bị nuôi trái vụ nghịch.
Cần xới nhẹ xung quanh gốc, cách gốc 15- 30cm, cho phân đều khắp tán rồi dùng đất lấp lại. Mùa khô có thể bồi một lớp bùn mỏng. Đối với phân hoá học, sử dụng NPK 20- 20- 15 hoặc phân đơn urê, DAP, KCl. Sử dụng cho ra hoa, nuôi trái cần chú ý bón hàm lượng lân và kali cao, kích thích cây ra cành mới cần bón đạm cao. Thời gian bón cây 1- 2 năm tuổi là 200- 300g/đọt (phân hỗn hợp hoặc phân đơn); từ năm thứ 3 là 500- 1.000g/đọt (theo tuổi cây và khung tán). Bón 4 đợt/năm vào tháng 2, 5, 8 và 11.
Dùng phân bón lá kích thích cây mau ra hoa, tăng độ bóng vỏ trái, độ cứng tai và kích cỡ trái, ngưng bón trước khi thu hái 2 tuần.
Côn trùng gây hại trên thanh long thường là kiến, dùng thuốc phun hoặc rải xung quanh gốc hay đúng vào vị trí kiến tấn công. Với ruồi đục trái dùng bả Sofri hoặc bao trái sau khi hoa thụ phấn 7- 10 ngày. Khi bị thối, nám cành, trị bằng các loại thuốc gốc Benlat C, Coc 85, Ridomyl... Bệnh thán thư xuất hiện trên cành và trái, phun Ridomyl, Actracol, Benlat C... Đối với trái, sau khi hoa nở 3- 5 ngày, cần tỉa bỏ nhụy đã héo rũ ở đỉnh, phun thuốc và bao trái bằng bao vải. Thu hoạch từ 29- 31 sau khi hoa nở.
Có thể bạn quan tâm

Cây Thanh long (Hylocereus undatus Haw.) có nguồn gốc ở vùng sa mạc thuộc Mêhicô và Colombia, là cây nhiệt đới khô. Nhiệt độ thích hợp cho thanh long tăng trưởng và phát triển là 14-26oC và tối đa 38 - 40oC. Trong điều kiện có sương giá nhẹ với thời gian ngắn sẽ gây thiệt hại nhẹ cho thanh long.

Giống thanh long ruột đỏ có nguồn gốc từ Đài Loan được Chi nhánh TCty Rau quả Việt Nam tại Lạng Sơn trồng khảo nghiệm, bước đầu được đánh giá cho kết quả khá. Quả thanh long rất sai, ruột đỏ tím, ăn ngọt (độ đường 16 – 18%), hàm lượng dinh dưỡng cao, giàu vitamin và chất khoáng... Bộ NN–PTNT đã cho phép Viện Rau quả trồng thí điểm để nhân giống ra diện rộng.

Trong chương trình phát triển cây ăn quả các tỉnh Bắc Trung bộ nói chung, Phủ Quỳ (Nghệ An) nói riêng, Viện Nghiên cứu Rau quả phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Cây ăn quả Phủ Quỳ, đã đưa giống thanh long ruột đỏ trồng thực nghiệm trên đất Phủ Quỳ từ năm 2001...

Sau thời gian nghiên cứu, chọn lọc, Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam (xã Long Định, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) đã lai tạo thành công giống thanh long ruột tím hồng.

Cây thanh long có nguồn gốc nhiệt đới, chịu hạn giỏi, nhưng không chịu được giá lạnh. Chúng dễ sống, dễ trồng, mọc được trên nhiều loại đất khác nhau như đất xám bạc màu (Bình Thuận), đất phèn (ĐBSCL), đất đỏ (Long Khánh, Đồng Nai)….