Lương Nghĩa phát triển mô hình chăn nuôi trâu

Là xã thuần nông, bên cạnh việc đầu tư cho cây lúa, những năm gần đây, người dân xã Lương Nghĩa còn đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm nhằm nâng cao nguồn thu nhập. Một trong những vật nuôi cho giá trị thu nhập cao phải kể đến con trâu. Ông Nguyễn Văn Lý, một trong những hộ nuôi trâu thành công ở ấp 7, cho biết: “Nuôi trâu vốn đầu tư lớn nhưng ít rủi ro, trâu ít bị bệnh mà cho lãi cao hơn nhiều so với một số vật nuôi khác. Ngoài ra, nuôi trâu còn có nhiều tiện lợi khác như: tận dụng được rơm rạ và các sản phẩm phụ từ nông nghiệp, chỉ cần một người chăm sóc được nhiều con trâu mà vẫn còn thời gian làm việc khác”.
Trước đây, gia đình ông Lý là hộ nghèo, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Sau khi thấy mô hình nuôi trâu có hiệu quả nên ông gom góp hết vốn đầu tư mua 1 con trâu giống về nuôi. Sau 4 năm chăn nuôi, hiện đàn trâu của ông được 6 con, trong đó có 4 con nái để sinh sản, còn 2 con đực để kéo lúa. Mỗi năm, gia đình ông Lý có nguồn thu nhập trên 50 triệu đồng từ tiền bán trâu thịt và tiền công kéo lúa. Hiện tại, gia đình ông đã thoát nghèo và có cuộc sống rất ổn định. Ông Lý cho biết thêm: “Trâu nuôi khoảng 13-18 tháng là bắt đầu sinh sản. Trâu con nuôi 1 tuổi nếu thấy tốt thì để lại dùng để kéo lúa, còn không thì bán thịt với giá 20 triệu đồng/con”.
Theo người dân địa phương, hàng năm vào mùa nắng, trên địa bàn xã Lương Nghĩa thường bị nước mặn xâm nhập nên đa phần bà con chỉ gieo sạ được 2 vụ lúa/năm (Đông xuân và Thu đông). Tận dụng đồng trống vào vụ Hè thu do bà con không sạ lúa, nhiều nông dân trên địa bàn xã đã phát triển nghề nuôi trâu và đang mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể.
Mặc dù phong trào nuôi trâu đã có lâu đời ở xã Lương Nghĩa nhưng mô hình này thật sự phát triển mạnh từ năm 2004 đến nay. Từ vài chục con ban đầu, hiện toàn xã có trên 300 con trâu lớn nhỏ, tập trung nhiều ở các ấp 6, 7 và 10”. Ông Danh Sơn, ở ấp 7, thông tin: “Trước đây, nhà tôi nuôi trâu phục vụ kéo lúa, cày, bừa thuê là chính. Sau đó, thấy có thương lái đến hỏi mua trâu nên mới nghĩ đến việc tăng đàn, nuôi trâu thương phẩm. Thức ăn cho trâu có sẵn rơm rạ, cỏ tự nhiên không phải mua nên nhìn chung, ai nuôi trâu cũng đều có lãi khá”.
Nhận thấy mô hình nuôi trâu giúp cho người dân có nguồn thu nhập cao, giảm nghèo bền vững, thời gian qua, UBND xã Lương Nghĩa luôn tranh thủ mọi nguồn vốn để hỗ trợ cho người dân nhân rộng mô hình. Đặc biệt, phối hợp với các ngành chức năng mở lớp dạy chăn nuôi trâu cho bà con, cách vỗ béo trâu, đưa giống cỏ về trồng để làm thức ăn cho trâu, cách ủ rơm dự trữ để khi ngoài đồng không còn đất trống cho trâu ăn… Ông Trần Văn Trung, Bí thư Đảng ủy xã Lương Nghĩa, cho biết: “Với những hiệu quả kinh tế đã và đang mang lại, thời gian tới địa phương tiếp tục vận động người dân phát triển mô hình chăn nuôi trâu, trong đó tập trung đối với đồng bào dân tộc nhằm từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao thu nhập, gắn với việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới”.
Có thể bạn quan tâm

Năm 2015 được Hải Phòng xác định là năm tập trung nguồn lực xây dựng hệ thống giao thông nông thôn với mục tiêu "đẹp từ nhà ra đồng".

Đó là khẳng định của nhiều đại biểu tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chuyên đề: “Giải pháp phát triển chăn nuôi vịt an toàn sinh học góp phần tái cơ cấu ngành chăn nuôi vùng ĐBSCL”.

Ông Nguyễn Đình Giang ở phường Phú Sơn, thị xã Bỉm Sơn là một trong những ND nuôi gà quy mô lớn, hiệu quả ở tỉnh Thanh Hóa.

Lãnh đạo Tập đoàn Cargill - một trong những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản tại Việt Nam, cho biết, ngoài 8 nhà máy thức ăn chăn nuôi các loại trên cả nước, tập đoàn này vừa đầu tư xây dựng thêm nhà máy thứ 9 tại TP. Vinh (Nghệ An).

Đô thị hóa đã và đang diễn ra mạnh mẽ tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Xu hướng này đã tác động không nhỏ tới việc xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức Hội Nông dân (ND).