Lươn Giống Mười Ngọt

Anh Nguyễn Văn Đường (ấp Vĩnh Phước, xã Vĩnh Bình, Châu Thành - An Giang) được đào tạo “Kỹ thuật sản xuất giống và nuôi lươn đồng” do Trung tâm Giống thủy sản An Giang tổ chức, là một trong số ít nông dân thành công với mô hình làm ăn mới sau khi học nghề. Thông qua việc đầu tư cơ sở “Lươn giống Mười Ngọt”, mỗi năm, anh Đường có thu nhập trên 300 triệu đồng.
Đầu tháng 6 này, Nguyễn Văn Đường giao về Ninh Thuận 10.000 con lươn giống, cỡ 450 con – 500 con/kg, giá 1 triệu 350 ngàn đồng/kg. Trước đó, anh bán về Vĩnh Long 30.000 con lươn giống; còn miệt Bến Tre, Cà Mau đã đặt tiền cọc và chờ ngày giao hàng.
“Trung tâm Giống thủy sản An Giang và Hội Nông dân xã, huyện giúp cho tôi có được cái nghề này. Mấy năm nay, gia đình tập trung sản xuất và bán lươn giống” – anh phấn khởi. Khi còn làm ruộng, anh cũng tập tành nuôi lươn để kiếm thêm thu nhập, song hồi đó chỉ biết sử dụng con giống đánh bắt thiên nhiên, đâu nghĩ tới chuyện cho con lươn sinh sản nhân tạo.
Giữa tháng 4-2011, anh học lớp “Kỹ thuật sản xuất giống và nuôi lươn đồng”, rồi được tỉnh chọn là 1/4 mô hình thí điểm “vừa học, vừa làm” để chuyển giao tiếp theo phần nâng cao kiến thức.
Cùng thời điểm, Sở Khoa học – Công nghệ An Giang đầu tư cho anh Đường 8 triệu đồng trang bị dụng cụ, mua 300 con lươn cái và 30 con lươn đực khỏe mạnh, do nông dân đánh bắt ngoài thiên nhiên để thử nghiệm theo mô hình.
“Bài bản vận dụng tối đa, cố gắng dữ lắm, mà kết quả hổng được như ý muốn. Tỉ lệ lươn đẻ trứng, ấp nở con, dưỡng nuôi thành con giống… không đạt yêu cầu. Tiếc thật!” – anh kể.
Dẫu biết rằng, vạn sự khởi đầu nan, nhưng cũng hơi chán nản. Gần như 6 tháng cuối năm 2011, anh chỉ xoay trở việc sản xuất con lươn giống, mà chưa có sản phẩm buôn bán gì cả.
Thấy vậy, cán bộ chuyên ngành động viên, giúp tìm ra khiếm khuyết để hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất. Bấy giờ, Nguyễn Văn Đường mới yên tâm, bám lấy với nghề mới và hy vọng sẽ có sự thay đổi nhất định.
Với 12m2 bồn ny-lon, 300 con lươn cái và 30 con lươn đực, anh tiếp tục thử nghiệm, tỉ lệ đẻ trứng, ấp nở và dưỡng nuôi thành con giống nâng dần lên được 30%. “Mừng lắm anh ơi. Coi như thành công rồi. Đúng là kỳ công thiệt” – Nguyễn Văn Đường hồ hởi.
Từ đó, anh bắt đầu chú ý yếu tố thời tiết, thời điểm chọn lựa lươn bố mẹ và thời vụ thả vào bồn cho sinh sản đạt hiệu quả cao hơn. Đến giữa năm 2012, anh cho ra lứa lươn giống bằng phương pháp sinh sản nhân tạo đầu tiên, được nông dân trong khu vực đón nhận và đồn đãi khắp nơi qua Đại hội tuyên dương nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp.
Công việc làm ăn trên đà thuận lợi, sẵn trớn Nguyễn Văn Đường chuyển sang tập trung sản xuất và bán lươn giống, không còn bám víu vài công đất lúa kém hiệu quả và chẳng đảm bảo chi tiêu cho 4 – 5 miệng ăn.
Sau hơn 3 năm chuyển đổi trồng lúa sang tập trung sản xuất và bán lươn giống, anh Nguyễn Văn Đường đầu tư mở rộng quy mô cơ sở, từ vốn hỗ trợ ban đầu 8 triệu đồng nay đã tích lũy trên 200 triệu đồng.
Hiện tại, 23 bồn (15 m2/bồn), với 5.000 con lươn cái và 1.000 con lươn đực, anh cho sinh sản trên 200.000 con lươn giống mỗi năm. Cơ sở “Lươn giống Mười Ngọt” cung cấp chủ yếu trong tỉnh và các khu vực lân cận vùng ĐBSCL. Theo đó, anh còn tư vấn kỹ thuật, khuyến cáo các biện pháp nuôi lươn đạt hiệu quả đối với từng vùng, miền khác nhau.
Về phần mình, hàng năm, anh dành trên 50 triệu đồng cho việc tuyển chọn lươn bố mẹ, đảm bảo con giống luôn khỏe mạnh để khi sinh sản cũng sạch bệnh, tác động tốt trong quá trình nuôi lươn thương phẩm và đáp ứng yêu cầu thị trường tiêu dùng.
Những năm gần đây, việc nuôi lươn trong bồn ny-lon trở nên phổ biến ở nhiều địa phương, bạn nhà nông xem đây là nguồn thu nhập kinh tế gia đình bên cạnh cây lúa. Giá dao động khoảng 125.000 đ/kg lươn thương phẩm, từ 200 – 300 gr/con trở lên.
Nếu nuôi lươn sinh sản nhân tạo (khoảng 3 tháng), xuất công lao động bắt ốc, cua làm thức ăn pha trộn thì sau 8 tháng nuôi, sẽ cho lãi cỡ 60% so giá bán.
Trước nhu cầu sử dụng con giống ngày càng trở nên khan hiếm trong thiên nhiên, cơ sở “Lươn giống Mười Ngọt” góp phần tạo ra nguồn cung ứng con giống sạch bệnh theo phương pháp “an toàn và chất lượng” sản phẩm thủy sản nước ở An Giang.
Có thể bạn quan tâm

Công ty cổ phần sữa Đà Lạt (Dalat Milk) thông báo, nếu trong sữa bò mà nông dân giao cho nhà máy có tỷ lệ nước từ 4% trở lên thì người bán sẽ bị nhắc nhở và sau 6 lần kiểm tra mà sữa vẫn có tỷ lệ nước trên 4%, công ty sẽ ngưng nhận sữa từ nông dân nuôi bò có hợp đồng bán sữa với công ty.

Anh Bùi Văn Nhương ở xã Đức Bình Đông (huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên), là người đầu tiên ở Phú Yên lặn lội vào tỉnh Tây Ninh đưa giống sắn KM419 về trồng. Giống sắn này được nhân dân các tỉnh Đồng Nai, Đắk Lắk, Phú Yên gọi là giống sắn siêu bột Nông Lâm, cho năng suất cao, mang lại hiệu quả kinh tế.

Thống kê của Trạm khuyến nông - khuyến ngư huyện, hiện trên địa bàn có hơn 5ha đất vườn kém hiệu quả được bà con chuyển sang trồng cây tiêu, tăng hơn 2ha so với năm 2013, tập trung ở xã Vị Đông, Vị Thanh và Vị Bình. Theo một số hộ canh tác cho biết, cây tiêu thích nghi tốt với thổ nhưỡng ở địa phương và kỹ thuật trồng tương đối dễ, ít dịch bệnh, đặc biệt là đầu ra rất thuận lợi, được thương lái đến tận nơi thu mua với số lượng nhiều.

Ở Dak Lak, ngoài diện tích cà phê, cao su, hồ tiêu... cho hiệu quả kinh tế cao, diện tích đất canh tác còn lại chủ yếu là trồng cây ngắn ngày như: lúa, ngô, đậu đỗ các loại. Các loại cây trồng ngắn ngày kể trên có nhiều hạn chế, giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích thấp - chỉ bình quân 20 triệu đồng/ha.

Sáng sớm, khi những giọt sương sa còn vương trên lá, bà con nông dân ở thôn Long Yên, xã Bình Long (Bình Sơn - Quảng Ngãi)- một trong những vùng trồng kiệu lớn nhất tỉnh đã ra đồng thu hoạch kiệu để kịp chiều giặt rửa bán tho thương lái. Đâu đâu cũng thấy người thu hoạch kiệu, giặt kiệu, cân kiệu. Những chiếc xe chở kiệu nặng trĩu nối đuôi nhau chạy trên khắp đường quê, ngõ xóm.